Từ ngày 10-16/11/2024, Tuần lễ cấp cao APEC 2024 diễn ra tại Lima (Peru). Đây là điểm nhấn quan trọng của Năm APEC 2024.

[Trong ảnh: Các lãnh đạo dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 31 với chủ đề "Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng", ngày 16/11/2024. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN]

Trọng tâm của Tuần lễ cấp cao APEC 2024 là các hội nghị cấp cao diễn ra từ ngày 14-16/11/2024, gồm các hoạt động chính như: Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 31 tập trung trao đổi về thúc đẩy chương trình nghị sự phát triển bao trùm và thực hiện tầm nhìn và các kế hoạch hành động của APEC; Đối thoại giữa các Nhà Lãnh đạo APEC và các Nhà Lãnh đạo khách mời về tăng cường hiệu quả hợp tác APEC và thúc đẩy liên kết kinh tế liên khu vực; Đối thoại giữa các Nhà Lãnh đạo APEC với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC); Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) với chủ đề “Cửa ngõ tới vùng đất của cơ hội”…

Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu mốc kỷ niệm 35 năm thành lập APEC, chính vì vậy, đây là dịp để các thành viên rà soát, đánh giá các kết quả và xác định phương hướng hợp tác giai đoạn mới.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooporation Forum-gọi tắt là APEC) được thành lập năm 1989, có mục đích tạo ra sự thịnh vượng lớn hơn cho người dân trong khu vực bằng cách thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, toàn diện, bền vững, đổi mới và an toàn, cũng như thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.

Từ 12 thành viên sáng lập năm 1989 là: Australia, Brunei, Canada, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ; đến nay APEC đã có thêm các nền kinh tế thành viên khác như: 3 thành viên gia nhập năm 1991 là Trung Quốc; Hong Kong (Trung Quốc); Đài Bắc (Trung Hoa); 2 thành viên gia nhập năm 1993 là Mexico, Papua New Guinea; 1 thành viên gia nhập năm 1994 là Chile; 3 thành viên gia nhập năm 1998 là Peru, Nga, Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, với tổng cộng 21 nền kinh tế thành viên, APEC hội tụ những nền kinh tế hàng đầu thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…), 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động, đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 61% GDP và 47% thương mại toàn cầu.