Quan hệ Việt Nam - Anh ngày càng phát triển sâu rộng và bền chặt

    Nhân vật liên quan

    • Ủy viên Bộ Chính trị; Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt NamPhạm Minh Chính

Hà Nội (TTXVN 31/10/2021) Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson và Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đối khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 31/10 đến 5/11/2021. Trải qua chặng đường 48 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam-Anh ngày càng phát triển sâu rộng và bền chặt. Việt Nam và Anh đang đứng trước những cơ hội tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược, với những điểm sáng trong quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế và quốc phòng.

* Mối quan hệ chính trị ngày càng tin cậy và gần gũi; hợp tác quốc phòng-an ninh phát triển tích cực
 Việt Nam và Vương quốc Anh thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ ngày 11/9/1973. 48 năm qua, mối quan hệ đó không ngừng được củng cố, ngày càng phát triển sâu sắc và chặt chẽ. Đặc biệt sau khi hai nước ký Tuyên bố chung chính thức nâng cấp quan hệ hai nước lên thành “Quan hệ đối tác chiến lược” vào tháng 9/2010 đã tạo khuôn khổ phát triển quan hệ song phương một cách toàn diện.
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng thứ nhất, Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Dominic Raab (30/9/2020), hai bên đã ra Tuyên bố chung mới về Đối tác chiến lược với 7 lĩnh vực hợp tác ưu tiên và khẳng định hai bên hướng tới nâng quan hệ lên mức cao hơn trong 10 năm tới.
Các cơ chế hợp tác song phương hiện có là: cơ chế Đối thoại An ninh-Quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao định kỳ luân phiên (thiết lập theo Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược 2010; đã có 7 phiên họp); Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng (lần thứ nhất năm 2018); Phiên họp Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại (JETCO) (lần thứ 11, 2019).
Hai bên cũng tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ với nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc (UN), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN)-Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... Hai bên cùng là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Anh thúc đẩy hợp tác và tranh thủ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam để mở rộng quan hệ với ASEAN; Việt Nam ủng hộ đề nghị Anh trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN. Hiện Anh đã đề nghị gia nhập CPTPP (2/2021) và mong muốn Việt Nam ủng hộ.
Hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng cũng ghi nhận những bước phát triển mới, trong bối cảnh Anh đang tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông và khu vực Đông Nam Á và coi Việt Nam là một đối tác chính tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng hai nước đã nâng Đối thoại chính sách quốc phòng thường niên lên cấp Thứ trưởng (đã duy trì 3 phiên họp, luân phiên tại mỗi nước); thiết lập Nhóm công tác về hợp tác quốc phòng, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực ưu tiên như về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (Anh chuyển giao bệnh viện dã chiến thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Xu Đăng cho Việt Nam), đào tạo tiếng Anh, an ninh biển, đồ bản và thủy đạc. 
Hai bên cũng thúc đẩy hợp tác, phối hợp phòng chống tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, chống khủng bố; phòng chống di cư bất hợp pháp, buôn bán người, triển khai Hiệp định chuyển giao người bị kết án tù và Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự...

* Quan hệ kinh tế phát triển ngoạn mục
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Anh tăng nhanh từ những năm 90 của thế kỷ XX và đến nay đã có những bước phát triển ngoạn mục. Trong giai đoạn từ 2010-2018, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt-Anh tăng trung bình 17,8%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm, trong đó Việt Nam liên tục xuất siêu.
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu có xu hướng chững lại ở mức 9-10%/năm. Năm 2020, thương mại hai chiều đạt khoảng 5,6 tỷ USD (xuất khẩu đạt 4,9 tỷ USD, nhập khẩu đạt 700 triệu USD). Trong nửa năm đầu 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Anh tiếp tục đà tăng trưởng, đạt 3,293 tỷ USD, xuất siêu từ Việt Nam sang Anh có giá trị 2,5 tỷ USD, tăng 30.2% so với cùng kỳ 2020.
Đối với Việt Nam, Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại thị trường châu Âu. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh là điện thoại-linh kiện, hàng dệt may, giày dép, sắt thép các loại, máy vi tính-linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu và nhập khẩu từ Anh gồm máy móc, thiết bị, dược phẩm, sản phẩm hóa chất, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may-da giày, ô tô nguyên chiếc.
Trong số các đối tác thương mại của Anh, Việt Nam xếp thứ 38 trong tổng số 241 đối tác, xếp thứ 25/233 nước có xuất khẩu vào Anh. Trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu vào Anh, chiếm 3,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Anh.
Hai bên đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do UKVFTA, có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Với nền tảng kế thừa Hiệp định EVFTA, UKFTA sẽ tạo khuôn khổ hợp tác kinh tế-thương mại toàn diện, lâu dài, ổn định giữa Việt Nam và Anh.
Về đầu tư, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 20/7/2021, Anh có 428 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 3,9 tỷ USD, đứng thứ 15/140 trong số các nước và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, chiếm 0.98% tổng số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của Anh có quy mô vừa và nhỏ, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; lĩnh vực kinh doanh bất động sản; lĩnh vực khai khoáng; bán buôn bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô; dịch vụ lưu trú và ăn uống...
Ở chiều ngược lại, tính đến tháng 7/2021, Việt Nam có 10 dự án đầu tư sang Anh với tổng vốn 20,1 triệu USD, xếp thứ 37/78 các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam. Các dự án đầu tư sang Anh thuộc 4 lĩnh vực: Bán buôn bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xa máy và xe có động cơ khác; dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; vận tải kho bãi.
Về hợp tác phát triển, Anh là một trong những nhà tài trợ hàng đầu của Việt Nam (50 triệu Bảng Anh/năm cho giai đoạn 2006-2010), đã hoàn thành Thỏa thuận về Đối tác phát triển (ADP) 10 năm với Việt Nam giai đoạn 2006-2015. Mặc dù từ năm 2016, Anh dừng cung cấp viện trợ phát triển ODA, nhưng Anh vẫn duy trì hỗ trợ cho Việt Nam qua các quỹ phát triển như Quỹ Thịnh vượng, Quỹ Newton, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tăng cường quản trị công, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo...

* Hợp tác hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác
- Về khoa học công nghệ
Anh tham gia hoạt động hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, nghiên cứu và đổi mới thúc đẩy phát triển kinh tế và an sinh xã hội ở Việt Nam. Năm 2014, Chính phủ Anh đưa Việt Nam thành một trong những nước ưu tiên tham gia vào Chương trình liên kết nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (Quỹ Newton) và hỗ trợ 10 triệu Bảng Anh cho giai đoạn từ 2015-2019.
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng ngoại giao Anh Dominic Raab (9/2020), hai bên ra Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược Việt-Anh, tiếp tục khẳng định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trong đó có thông qua khoa học công nghệ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp, hợp tác khoa học trong lĩnh vực y tế (hợp tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong y tế, y tế số, nghiên cứu thử nghiệm vaccine); giáo dục (xây dựng nguồn nhân lực trong thời đại kỹ thuật số, khoa học công nghệ giáo dục). Phía Anh khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam qua Quỹ Newton trong thời gian tới, trước mắt là hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
- Về giáo dục: Anh hiện là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục với 74 chương trình giáo dục xuyên quốc gia của 23 trường đại học Anh quốc. 
- Về hợp tác ứng phó COVID-19
Anh là nước đóng góp nhiều cho COVAX với vaccine do AstraZeneca/Đại học Oxford cùng phát triển. Ngày 14/7/2021, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam có công hàm số MOFA 82/2021 chính thức thông báo Chính phủ Anh tặng Việt Nam 415.000 liều vaccine AstraZeneca.
Anh sẽ tiến hành công nhận chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 của Việt Nam. Theo đó, những người có chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 của Việt Nam khi nhập cảnh vào Anh sẽ không phải tự cách ly khi nhập cảnh 10 ngày, không phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước chuyến bay.
Có thể khẳng định, vượt qua khoảng cách địa lý và sự khác biệt về văn hóa, lịch sử, nhịp cầu hữu nghị đã xây đắp, thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước lên bước phát triển mới sâu rộng và hiệu quả hơn. Và chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Anh lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước./. 

Minh Duyên (tổng hợp)