Quan hệ Việt Nam-Bangladesh phát triển ổn định, lâu dài và cùng có lợi (5/2005)

Hà Nội (TTXVN 16/5/2005)

Cộng hòa Nhân dân Băng-la-đét là một quốc gia non trẻ, nằm ở Đông Bắc của tiểu  lục  địa Ấn Độ; 3 mặt Đông, Tây và Bắc giáp với Ấn Độ, Đông Nam tiếp giáp với Mi-an-ma và phía Nam quay ra Vịnh Ben-gan. Băng-la-đét có trên 141 triệu dân và có vị trí quan trọng trong khu vực Nam Á. Trong cuộc tổng tuyển cử 12/1970 ở Đông Pa-ki-xtan, Liên đoàn Nhân dân (Awami League-AL) của Sếch Mu-gi-bua Ra-man (Sheikh Mugibur Rahman) giành thắng lợi áp đảo và nước Cộng hoà Nhân dân Băng-la-đét độc lập ra đời ngày 26/3/1971.

Là một nước đông dân, diện tích nhỏ, ít tài nguyên khoáng sản, Băng-la-đét cơ bản vẫn là nước nông nghiệp, nghèo, kém phát triển khoảng 50% dân số sống dưới mức nghèo khổ. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 53-54 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 400 USD/ năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây khá cao, khoảng trên dưới 5,5%. Nông nghiệp là ngành kinh tế được Chính phủ ưu tiên hàng đầu, thu hút khoảng trên 62% nhân lực làm việc, đóng góp 25% GDP và có tốc độ tăng trưởng 2,6-4% hàng năm. Hàng năm ngành này sản xuất khoảng 26-27 triệu tấn lương thực, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Các sản phẩm chính của nông nghiệp gồm lúa gạo, chè, mía, đay, khoai tây, thuốc lá, bông, hạt có dầu. Băng-la-đét là một trong những nước đưa ra sáng kiến và đi đầu trong việc thành lập Ngân hàng nông thôn dành cho người nghèo và đã thu được nhiều kết quả tốt, được nhiều nước học tập. Công nghiệp của Băng-la-đét chiếm tỷ trọng 26,5% GDP, thu hút khoảng 12% lực lượng lao động. Những năm gần đây, công nghiệp Băng-la-đét có tốc độ tăng trưởng cao trên 7% /năm với các ngành sản xuất chính là công nghiệp chế biến đay, đường, chế biến lương thực, dệt, sản xuất phân bón, dược phẩm, xi măng, đồ gốm, điện tử ...Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 7,6 ỷ USD năm 2004 lên khoảng 8,57 tỷ USD trong năm tài chính 2005 (kết thúc vào 6/2005); kim ngạch nhập khẩu tăng từ 9,8 tỷ USD trong năm 2004 lên khoảng 10 tỷ USD trong năm nay.  Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Băng-la-đét là Bắc Mỹ, Đức, Anh..., với các sản phẩm chính là quần áo may sẵn, nông sản, đông lạnh, dược phẩm, đồ gốm, điện tử, đồ thủ công, chè, đay, đồ da…. Băng la-đét nhập khẩu chủ yếu các máy móc thiết bị, hoá chất, sắt thép, dầu thô và các sản phẩm từ dầu, xi măng, sữa, thực phẩm, đường, bông...Đến nay, Băng-la-đét đã được nước ngoài viện trợ 30,5 tỷ USD, trong đó 49% là viện trợ không hoàn lại, số còn lại là cho vay; riêng năm 2004 viện trợ nước ngoài đạt 1,7 tỷ USD.

Chính quyền của Thủ tướng Kha-lê-đa Di-a thi hành chính sách đối ngoại hoà bình, hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước, đặc biệt chú trọng quan hệ với Ấn Độ và các nước láng giềng ở Nam Á, các nước Hồi giáo, Trung quốc, đồng thời tích cực phát triển quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, Châu Á-TBD. Sau khi lên nắm quyền vào năm 2001, chính phủ của Thủ tướng B. Kha-lê-đa Di-a triển khai mạnh chính sách "hướng Đông", tăng cường quan hệ với ASEAN. Băng-la-đét là thành viên của LHQ, Phong trào KLK, Tổ chức các nước Hồi giáo (IOC) và Khối Liên hiệp Anh và Tổ chức hợp tác các nước Nam Á (SAARC), Nhóm hợp tác kinh tế liên khu vực BIMSTEC, Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Hiện nay, Băng -la-đét có nguyện vọng trở thành thành viên ARF, tham gia tiến trình hợp tác Á-Âu, tổ chức Hợp tác sông Hằng-Mêcông (MGC)

Việt Nam và Băng-la-đét thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ từ 2/1973, tức hai năm sau khi Cộng hòa Nhân dân Băng-la-đét ra đời. Tuy nhiên, quan hệ hai nước chỉ thực sự phát triển từ cuối thập niên cuối thế kỷ trước; đặc biệt sau các chuyến thăm Băng-la-đét của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1997), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (2004) và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (2003). Phía Băng-la-đét cũng đã cử nhiều đoàn sang thăm Việt Nam như đoàn Bộ trưởng Thương mại Băng-la-đét T. Ac-met (tháng 9/1996), Bộ trưởng Ngoại giao A.S.A-dat (tháng 5/1999), Bộ trưởng Nông nghiệp M.K An-oa (tháng 10/2003), Bộ trưởng Ngoại giao M. Mo-sét Khan và Bộ trưởng Văn hoá Se-li-ma Ra-man (7/2004). Phòng thương mại và công nghiệp hai nước đã thiết lập quan hệ (3/2004) và lập Hội đồng doanh nghiệp chung để tăng cường việc trao đổi thông tin kinh tế - thương mại, chào hàng…Tuy nhiên, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước chưa phát triển tương xứng với quan hệ chính trị và tiềm năng giữa hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều hai nước năm 2003 đạt 20 triệu USD, năm 2004 tăng gần gấp đôi, đạt 39,5 triệu USD và phấn đấu 2005 đạt 50 triệu USD. Việt Nam xuất sang Băng-la-đét gồm vải, nhựa, sợi, dây và cáp điện, sứ vệ sinh, vật liệu xây dựng, hàng điện tử, hạt tiêu, gạo, dày dép, thủ công mỹ nghệ... và nhập của Băng-la-đét hoá chất, nguyên phụ liệu dệt may, dược phẩm, da, phân bón, gỗ...Hai nước cũng đã hợp tác trên các mặt khác như nông-ngư nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, tài chính, ngân hàng, văn hoá, giáo dục-đào tạo, du lịch, y tế...và đang có những bước phát triển mới. Hai bên cũng đã ký được một số Hiệp định hợp tác và Nghị định thư và đang thúc đẩy để sớm ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.

Trong tiến trình thực hiện chính sách đối ngoại "hướng Đông" của mình, Băng-la-đét luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực. Trong khi đó, với chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động hội nhập quốc tế, sẵn sàng làm bạn với các nước, Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Băng-la-đét, sẵn sàng làm cầu nối để thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa Băng-la-đét và các nước trong khu vực. Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Kha-lê-đa Di-a sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại hai nước lên một tầm cao mới, làm cho quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều giữa hai nước tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, lâu dài và cùng có lợi./.          

Viết Trọng