Quan hệ Việt Nam-Campuchia

           1. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 24 tháng 6 năm 1967.

          Năm 2005, Lãnh đạo Cấp cao hai nước đã thống nhất đề ra phương châm mới trong phát triển quan hệ song phương là “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Với định hướng đó, quan hệ hai nước đã không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

          2. Quan hệ chính trị Việt Nam - Campuchia tiếp tục phát triển tốt đẹp. Lãnh đạo Cấp cao hai nước duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc và trao đổi dưới nhiều hình thức kể cả khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp [1]. Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước với các cơ chế hợp tác thiết thực được triển khai ngày càng hiệu quả, đưa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu. Các hoạt động ngoại giao nhân dân của Mặt trận, Nhóm nghị sỹ hữu nghị, Hội hữu nghị, các tổ chức đoàn thể quần chúng của hai nước, nhất là tại các tỉnh biên giới diễn ra sôi nổi và rộng khắp, góp phần nâng cao sự hiểu biết của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước.

        3. Hợp tác trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng giữa hai nước được tăng cường. Hai bên luôn khẳng định không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình để gây phương hại cho an ninh của nước kia.

          Trên cơ sở các Hiệp ước, Hiệp định và thỏa thuận của Lãnh đạo Cấp cao hai nước, các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương biên giới hai bên đang phối hợp tích cực triển khai công tác phân giới cắm mốc trên đất liền. Năm 2019, hai bên đã ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia. Hai bên đang nỗ lực đàm phán giải quyết 16% chưa hoàn thành phân giới cắm mốc để tiếp tục xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

          Chính phủ hai nước cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước sinh sống trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp mỗi nước.

         4. Hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển nhanh chóng và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 9,54 tỷ USD, tăng 79,1% so với năm 2020; 09 tháng đầu năm 2022 đạt 8,45 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021 [2] (Việt Nam xuất siêu sang Campuchia với giá trị 487,7 triệu USD). Đến nay, Việt Nam có 198 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,92 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia, đồng thời đứng thứ hai trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư.

Các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia đã và đang đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và sự phát triển thịnh vượng của Vương quốc Campuchia.

          5. Các lĩnh vực hợp tác khác về giáo dục - đào tạo, giao thông - vận tải, văn hóa, y tế, viễn thông... cũng được quan tâm, đẩy mạnh. Hàng năm, Việt Nam cấp hàng trăm suất học bổng dài hạn cho sinh viên Campuchia sang học tại Việt Nam và số lượng sinh viên Việt Nam sang học tập tại Campuchia ngày càng nhiều. Hai nước cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, nhất là ở các địa phương giáp biên giới. Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn bác sỹ tình nguyện sang khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân Campuchia; các bệnh nhân Campuchia khi sang khám và điều trị bệnh tại Việt Nam được hưởng mức lệ phí khám chữa bệnh như người Việt Nam. Đặc biệt, hai nước luôn quan tâm, giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau trong ứng phó với đại dịch Covid-19.

         6. Hai nước cũng  phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, cơ chế CLV, CLMV, ACMECS,… góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.

       7. Năm 2022 kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Campuchia, được chọn là “Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2022” và Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia được tổ chức tại Hà Nội ngày 24/6 với sự tham dự của Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia “Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2022”; bà Men Sam An, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quan hệ Quốc hội, Thượng viện và Thanh tra Campuchia, Phó chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia-Việt Nam cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao.

 [1] LĐCC Campuchia sang ta có: Chủ tịch CPP Hun Sen dự Cuộc gặp Người đứng đầu ba Đảng Việt Nam - Lào – Campuchia tại Hà Nội (26/9/2021); Chủ tịch Quốc hội Heng Xom-rin thăm chính thức Việt Nam (12-14/9/2022); Chủ tịch Thượng viện Xay Chum thăm chính thức Việt Nam  (24-26/10/2022). LĐCC ta thăm Campuchia có: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp Nhà nước tới Campuchia (21-22/12/2021); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Campuchia (19-20/01/2022). Về điện đàm có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Chủ tịch CPP Hun Sen (29/01 và 27/6/2022); Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Hun Sen (29/01, 12/4, 07/5, 07/6/2022).  Thủ tướng ta gặp song phương Thủ tướng Hun Sen bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN – Mỹ tại Washinton D.C (11/5/2022) và Lễ kỷ niệm 45 năm Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng của Thủ tướng Hun Sen tại Tbaung Khmum – Bình Phước (21/6/2022).

[2] Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia đạt 4,55 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu từ Campuchia đạt 3,89 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Cập nhật đến tháng 11/2022

Nguồn: Bộ Ngoại giao