Sẵn sàng hy sinh cho những dòng tin "chảy mãi"
Để có những dòng tin, bức ảnh nơi chiến sự nóng bỏng, kịp thời chuyển tải thông tin đến nhân dân cả nước, hàng trăm phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên… của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam - TTXVN) đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ thông tin hoặc trực tiếp chiến đấu tại các mặt trận như những người lính.
* Hơn 260 liệt sỹ đã hy sinh
Trong suốt những năm kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc ở phía biên giới Tây Nam và phía Bắc, không có một chiến trường nào, không một mũi tiến quân vào vắng mặt phóng viên, nhân viên, kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam. Nhiều người mãi mãi không bao giờ trở lại, một số phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã để lại một phần cơ thể mình nơi chiến trường.
Có thể nói, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan báo chí có nhiều liệt sỹ nhất. Hơn 260 liệt sỹ, nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam hy sinh trong chiến tranh cứu nước và giữ nước, gần 30 cán bộ TTXVN bị thương từ loại 1 đến loại 4, chưa kể nhiều người bị thương tật suốt đời, bị chất độc da cam. Đó là tổn thất lớn lao nhưng cũng là niềm tự hào, truyền thống tươi thắm về lòng yêu nước, chí khí kiên cường, anh dũng của đội quân xung kích trên mặt trận báo chí và tư tưởng.
Các cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc chiếm hơn 25% tổng số cán bộ nhân viên Thông tấn xã Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh và chiếm tới 4/5 số nhà báo cả nước hy sinh.
Trong số các liệt sỹ, có gia đình cả hai cha con hy sinh cho sự nghiệp Thông tấn như lão đồng chí Trần Bỉnh Khuôl (tức Hai Nhiếp) và người con là Trần Văn Dũng đều là phóng viên nhiếp ảnh Thông tấn cùng ngã xuống trên chiến trường miền Tây Nam Bộ. Có gia đình, hai anh em cùng hy sinh cho sự nghiệp Thông tấn như Bùi Văn Thưởng và em là Bùi Văn Tấn, phóng viên duy nhất có mặt trong trận Ấp Bắc. Má của các anh, bà Tám Nghiệp (tức Đoàn Thị Nghiệp) cũng là liệt sỹ, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Mẹ Việt Nam Anh hùng.
* Biết ơn và tri ân
Những năm qua, Ban lãnh đạo, cán bộ của TTXVN luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc chăm lo đời sống gia đình liệt sỹ, thương binh của ngành. Hàng năm, vào ngày Tết Nguyên đán và ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, TTXVN đều tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà các thương binh, gia đình liệt sĩ, tổ chức lễ dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ của TTXVN tại các nghĩa trang liệt sĩ.
Ban lãnh đạo cơ quan TTXVN cũng rất quan tâm đến công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ là cán bộ TTXVN đã hy sinh trên các chiến trường. Nhiều đoàn cán bộ của TTXVN đã được cử đến những nghĩa trang liệt sĩ, chiến trường xưa, sang đất bạn Lào, Campuchia để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Sau nhiều năm tìm kiếm, TTXVN đã quy tập được 30 mộ liệt sĩ TTXVN đưa về quê nhà an táng theo yêu cầu của gia đình hoặc đưa về nghĩa trang liệt sĩ TP Hà Nội, nghĩa trang TP Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, TTXVN cũng tổ chức nhiều đoàn đi thăm, tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình thương binh, liệt sĩ của ngành ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; xây dựng hàng chục nhà tình nghĩa cho các gia đình thương binh, liệt sỹ của ngành; góp hàng tỷ đồng vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương và trao hàng ngàn phần quà tặng các gia đình thương binh, liệt sỹ, nạn nhân chất độc da cam trong cả nước.
Để ghi nhận công lao đóng góp to lớn của các liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc, TTXVN đã đề nghị Hội Nhà báo truy tặng Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí cho 218 nhà báo liệt sĩ. TTXVN đã truy tặng Huy chương vì sự nghiệp Thông tấn cho 125 liệt sĩ của ngành.
Tại trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Ban lãnh đạo cơ quan đã xây dựng bia tưởng niệm hơn 260 liệt sĩ của ngành, làm dấy lên phong trào "Uống nước, nhớ nguồn", tri ân các bậc tiền bối trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Trong một lần trao lại những kỷ vật thiêng liêng của liệt sỹ Hoàng Văn Đáo cho Phòng truyền thống Thông tấn xã Việt Nam, anh Hoàng Hữu Nam, con trai liệt sỹ Hoàng Văn Đáo đã chia sẻ: “Những hành động như tạo việc làm cho con liệt sỹ, thăm khỏi thân nhân liệt sỹ khi ốm đau, tặng quà dịp lễ Tết… đã trở thành nguồn động viên lớn lao, giúp vơi đi bớt mất mát cho gia đình tôi, đặc biệt là mẹ tôi. Chúng thôi thêm tự hào vì bố chúng tôi là cán bộ của Thông tấn xã Việt Nam.”
Công lao của các nhà báo liệt sĩ của TTXVN đã được nhà nước ghi nhận khi TTXVN là cơ quan báo chí duy nhất ở Việt Nam được phong tặng hai danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Ngoài ra TTXVN cũng đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh (2 lần), Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và nước ngoài.
Viết tiếp những trang sử vẻ vang của lớp đàn anh đi trước, các phóng viên TTXVN tại 63 cơ quan thường trú ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và hơn 30 cơ quan thường trú ở khắp các châu lục luôn nỗ lực không ngừng, khẳng định vai trò xung kích tại các điểm nóng thông tin ở trong nước cũng như trên thế giới.
Tư liệu TTXVN