Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được chính thức ký kết tại Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp. Đây là kết quả của quá trình đấu tranh gay go, quyết liệt và phức tạp trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao; là đỉnh cao của nghệ thuật kết hợp "vừa đánh, vừa đàm".
[Ảnh trên: Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris (Pháp). Ảnh: Văn Lượng - TTXVN]
Trong thời gian khoảng 5 năm, Hiệp định Pari đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam trên khắp thế giới.
Hiệp định Paris về Việt Nam gồm 9 chương, 23 điều. Nội dung chủ yếu của Hiệp định là: Hoa Kỳ cùng các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Hoa Kỳ hoàn toàn chấm dứt chiến tranh, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ. Việc thống nhất nước Việt Nam được thực hiện bằng phương pháp hòa bình.
Hiệp định Paris là bước ngoặt lịch sử, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, phát huy cao độ thắng lợi trên các mặt trận ngoại giao, chính trị, quân sự, kết hợp thành công giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo ra thế và lực mới cho cuộc chiến đấu của dân tộc ta, tạo thể xoay chuyển có lợi cho cách mạng, đi đến Đại thắng mùa Xuân 1975.