Ngày 17/1/1960, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân ba xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre đã đồng loạt nổi dậy đánh đồn bốt và giải tán chính quyền địch, mở màn cho phong trào Đồng khởi, giải phóng nhiều vùng nông thôn rộng lớn. Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện “Đội quân tóc dài” trong phong trào “Đồng khởi”.
[Ảnh trên: “Đội quân tóc dài” Bến Tre tham gia đấu tranh trong phong trào Đồng khởi. Ảnh: Tư liệu TTXVN]
Từ ba xã trên, cuộc nổi dậy lan ra toàn huyện Mỏ Cày và tỉnh Bến Tre, trở thành cao trào “Đồng khởi” như nước vỡ bờ nổ ra khắp Nam Bộ, Tây Nguyên và một số nơi ở miền Trung Trung Bộ; đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam.
Phong trào Đồng khởi 1960 ở Bến Tre đã mở ra cục diện mới triển vọng cho cách mạng miền Nam, góp phần tạo ra một bước ngoặt chiến lược, đưa cách mạng miền Nam từ thoái trào, từ thế giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công chiến lược, làm rung chuyển và báo hiệu sự sụp đổ của chế độ Mỹ - Ngụy.
Thắng lợi của cuộc Đồng khởi ở Bến Tre còn là thắng lợi có ý nghĩa chính trị lịch sử sâu sắc, ghi đậm mốc son lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung và của nhân dân Bến Tre nói riêng. Chiến công đó của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre được cả nước ghi nhận.
Đại tướng Hoàng Văn Thái, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Đảng ủy Quân sự Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tại Hội nghị Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ (ngày 12 đến 17/7/1982) đã khẳng định: “Phong trào Đồng khởi 1960 là mô hình hoàn chỉnh của khởi nghĩa toàn dân, của khởi nghĩa nông thôn đồng bằng. Nó thúc đẩy toàn Nam bộ nổi dậy chống Mỹ cứu nước với khí thế long trời lở đất. Vì vậy, Bến Tre là quê hương của Đồng khởi theo đúng nghĩa của Đồng khởi…” .