Dù mới đảm đương chức vụ Thủ tướng Pháp được 3 tháng, song ông Michel Barnier đã bị buộc phải từ chức sau khi các nghị sĩ cánh hữu và cánh tả thống nhất bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại ông. Động thái này đẩy nước Pháp vào tình trạng bất ổn chính trị sâu sắc hơn nữa.
[Trong ảnh: Ngày 4/12/2024, các nghị sĩ Quốc hội Pháp đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, buộc Thủ tướng Michel Barnier phải từ chức khiến Chính phủ của ông sụp đổ. Ảnh: THX/TTXVN]
Ngày 5/12/2024, Thủ tướng Pháp Michel Barnier đệ đơn từ chức của ông và Nội các lên Tổng thống Emmanuel Macron, sau khi không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Như vậy, Thủ tướng Barnier đã trở thành thủ tướng Pháp đầu tiên bị buộc phải từ chức bởi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962.
Một ngày trước đó, các nghị sĩ Pháp đã bỏ phiếu bất tín nhiệm, buộc Thủ tướng Barnier phải từ chức và chính phủ của ông sụp đổ. Tổng cộng có 331 nghị sĩ, chủ yếu từ liên minh các đảng cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) và đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN), đã bỏ phiếu ủng hộ, vượt mức 289 phiếu cần thiết để cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có hiệu lực. Động thái trên được đưa ra sau khi ông Barnier tìm cách thông qua một phần ngân sách của chính phủ vào năm 2025 bằng cách sử dụng một điều khoản Hiến pháp cho phép ông bỏ qua việc bỏ phiếu tại cơ quan lập pháp.
Về phía Tổng thống Pháp, sau chấp thuận đơn từ chức của chính phủ của Thủ tướng Barnier, ông Emmanuel Macron ngày 5/12 cam kết sẽ bổ nhiệm thủ tướng mới, đồng thời yêu cầu ông Barnier lãnh đạo chính phủ lâm thời để xử lý các vấn đề hiện tại. Tổng thống Macron cũng kiên quyết bác bỏ lời kêu gọi từ chức từ phe đối lập, khẳng định ông sẽ vẫn “hoàn toàn” nắm giữ cương vị nguyên thủ quốc gia Pháp cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2027.
Theo giới phân tích, tình hình hiện nay tại Pháp sẽ tạo áp lực rất lớn lên Tổng thống Macron, đồng thời tạo ra khoảng trống quyền lực ở châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh Đức đang trong giai đoạn bầu cử và Mỹ chuẩn bị cho sự trở lại của Tổng thống đắc cử Donald Trump.