Tháng 62024

Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) giành ưu thế lớn tại vòng 1 bầu cử Quốc hội Pháp

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ vòng 1 của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vào ngày 30/6/2024 cho thấy đảng Tập hợp Quốc gia (RN) giành ưu thế lớn để chuẩn bị cho vòng 2 diễn ra vào 7/7. Thắng lợi “chưa từng có” này được cho là có thể mở ra cánh cửa quyền lực cho phe cực hữu tại Pháp lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

[Trong ảnh: Lãnh đạo đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của Pháp Jordan Bardella tới điểm bỏ phiếu bầu Quốc hội ở Garches ngày 30/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN]

Với 34% phiếu bầu, đảng RN đã dẫn trước liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) được 29% và bỏ xa phe của Tổng thống Emmanuel Macron chỉ giành được 22%. Với chưa đầy 10% phiếu bầu, đảng Những người Cộng hòa (LR) trung hữu “truyền thống” chấp nhận vị trí thứ 4 và chỉ còn được coi là phong trào chính trị thứ yếu trong đời sống chính trị Pháp.

Vòng một bầu cử sớm tại Pháp diễn ra ngày 30/6, với sự tham gia của 4.011 ứng cử viên, giảm mạnh so với tổng số 6.293 năm 2022. Nguyên nhân là do các nhóm chính trị không có đại diện trong Quốc hội không kịp thời gian để tìm chọn ứng cử viên. Cuộc bầu cử lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với 3 năm còn lại trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Emmanuel Macron bởi trên thực tế, quyết định bầu cử sớm của nhà lãnh đạo Pháp ngay sau thất bại của đảng Phục hưng cầm quyền trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu (EP) trước đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) được coi là bước đi "được ăn cả, ngã về không". Trong thời điểm hiện tại, đảng Phục hưng của Tổng thống Macron đang suy yếu nghiêm trọng và được đánh giá là không đủ khả năng để ngăn chặn đảng Tập hợp Quốc gia bước vào vòng hai với một lực lượng được dự báo là đông đảo chưa từng có. 

Trong cuộc bầu cử, các đại biểu được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp, bỏ phiếu đơn danh và hai vòng, thay vì theo danh sách như bầu cử Nghị viện châu Âu. Để thắng cử ngay từ vòng một, ứng cử viên phải đạt được từ 50% số phiếu bầu trở lên và số phiếu phải bằng 25% số cử tri đã đăng ký tại khu vực bầu cử. Ngoại trừ số rất ít trúng cử ngay vòng một, số ứng cử viên còn lại phải tiếp tục tranh cử tại vòng hai. Bất cứ ứng cử viên nào thu được hơn 12,5% số phiếu, tính theo tổng số cử tri đăng ký tại đơn vị bầu cử, cũng đều được vào vòng hai để lấy đủ 577 nghị sĩ dân biểu. Phe đa số quá bán của Quốc hội, về cơ bản sẽ quyết định thành phần chính phủ và công việc quản trị đất nước.

 

  • Chia sẻ: