Tháng 82023

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tại Nam Phi, mở rộng kết nạp thêm 6 thành viên mới (từ 22-24/8/2023)

(Trong ảnh từ trái sang: Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg (Nam Phi) ngày 24/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN)

Từ ngày 22 đến 24/8/2023, Hội nghị cấp cao nhóm BRICS (gồm các nền kinh tế mới nổi lớn là Brazil, Nga, Ấn Ðộ, Trung Quốc và Nam Phi) lần thứ 15 đã diễn ra tại thành phố Johannesburg, Nam Phi.

Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của BRICS được tổ chức trực tiếp kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát và đến nay, các hạn chế đi lại toàn cầu được dỡ bỏ. Diễn ra trong bối cảnh nhóm các nền kinh tế này đang tìm cách khẳng định vai trò quan trọng trên trường quốc tế, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã chia sẻ tầm nhìn của BRICS hướng đến tư cách là các quốc gia đại diện cho nhu cầu và mối quan tâm của người dân ở các nước Nam bán cầu, gồm nhu cầu tăng trưởng kinh tế có lợi, phát triển bền vững và cải cách các hệ thống đa phương.

Với chủ đề “BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác vì tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững và chủ nghĩa đa phương bao trùm”, Hội nghị cấp cao BRICS lần này cho thấy định hướng của các nước thành viên thúc đẩy hợp tác với Nam bán cầu. Hội nghị bàn về cách cải thiện mối quan hệ giữa các nền kinh tế trong nhóm. Các vấn đề khác được dư luận đặc biệt quan tâm tại hội nghị là thiết lập một loại tiền tệ chung của BRICS và mở rộng thành viên.

Các nhà lãnh đạo cũng tham gia một loạt cuộc thảo luận về cơ hội thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư trong nhiều lĩnh vực, như năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế kỹ thuật số...

Hội nghị đã ra Tuyên bố Johannesburg II nêu bật nỗ lực xây dựng thế giới công bằng, hòa nhập và thịnh vượng, phản ánh các thông điệp chính của BRICS về các vấn đề quan trọng về kinh tế, tài chính và chính trị toàn cầu. Tuyên bố thể hiện các giá trị chung và lợi ích chung làm nền tảng cho sự hợp tác cùng có lợi của 5 quốc gia BRICS, khẳng định tính đa dạng của nhóm.

Đặc biệt tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo BRICS cũng cho biết đã đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc, tiêu chuẩn, tiêu chí và thủ tục hướng dẫn của quá trình mở rộng BRICS, vốn đã được thảo luận trong thời gian dài. BRICS đã đạt đồng thuận về giai đoạn đầu tiên của quá trình mở rộng này cũng như các giai đoạn tiếp theo. Theo đó, BRICS quyết định mời Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trở thành thành viên chính thức của khối và tư cách thành viên này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

BRIC là cơ chế hợp tác của các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới, tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên vào năm 2009 với 4 thành viên ban đầu là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc. Đến năm 2010, BRIC đổi tên thành BRICS do có thêm sự tham gia của Nam Phi.  Đến đầu tháng 8/2023, đã có 22 quốc gia chính thức nộp đơn xin gia nhập cơ chế hợp tác BRICS và làn sóng này vẫn đang trên đà tiếp tục gia tăng, cho thấy sức hấp dẫn của cơ chế này.

Theo giới phân tích, việc BRICS tiếp nhận thêm 6 nước thành viên mới tại hội nghị cấp cao lần thứ 15 này có ý nghĩa "lịch sử" đối với nhóm và là điểm khởi đầu mới đối với cơ chế hợp tác trong khuôn khổ BRICS. Sự đồng thuận chính trị trong vấn đề mở rộng khối tại hội nghị cho thấy BRICS đã sẵn sàng hướng đến một thế giới đa cực trong tương lai.a

  • Chia sẻ: