Nghề giáo được coi là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” và người thầy luôn được coi là tiêu biểu cho tầng lớp trí thức trong xã hội, được người người tôn kính.
[Ảnh trên: Tổng Bí thư Tô Lâm tặng hoa chúc mừng Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế (18/11/2024). Ảnh: Thống Nhất - TTXVN]
Trong mọi giai đoạn lịch sử của đất nước, dù chiến tranh hay thời bình thì đội ngũ nhà giáo cũng luôn giữ một vị trí quan trọng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa”.
Chính từ những lẽ đó, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT lấy ngày 20/11 là “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Ngày Nhà giáo Việt Nam chính thức được công nhận và tổ chức trên khắp cả nước lần đầu tiên vào ngày 20/11/1982.
Ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức vào tháng 11 hàng năm không chỉ để biểu dương những người dạy học và nghề dạy học, góp phần củng cố lòng yêu nghề của các nhà giáo; mà còn thể hiện truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta, là dịp để toàn xã hội thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với các thầy, cô giáo như lời dạy từ xưa của ông cha: “Con ơi nhớ lấy lời này - Ơn cha nghĩa mẹ công thầy chớ quên”.