Tháng 52023

Ngày Chè thế giới (21/5): Chè - đồ uống phổ biến thứ hai thế giới

Ngày 21/5 hằng năm đã được Liên hợp quốc chọn là Ngày Chè thế giới, nhằm thúc đẩy các hoạt động ủng hộ sản xuất-tiêu thụ chè bền vững và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chè trong xóa đói giảm nghèo.

   Ngày nay, chè là một trong những đồ uống phổ biến nhất trên thế giới, với thị trường toàn cầu vượt xa tất cả các đối thủ gần nhất đứng sau nó cộng lại. Dưới đây là thông tin về chè - đồ uống phổ biến thứ hai thế giới sau nước.

 * Tổng quan sơ lược về chè

Sau nước, chè là đồ uống phổ biến nhất trên thế giới - phổ biến hơn cả cà phê, nước ngọt và rượu cộng lại. 84% người Anh thưởng thức một ly trà hàng ngày, nhiều người uống trung bình ba đến bốn cốc mỗi ngày. Ngành công nghiệp chế biến chè thế giới đạt doanh số 200 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng thêm 50% vào năm 2025.

Cây chè có tên khoa học là Cemellia Senensis - loại thực vật tạo ra loại thức uống có số lượng người dùng nhiều thứ 2 trên thế giới (sau nước) sống chủ yếu ở những vùng nhiệt đới. Nói về cây chè có vô vàn kiến thức xoay quanh như giống chè, loại chè, nguồn gốc, nơi phân bố, sản lượng, công dụng, bài thuốc…

Hiện nay có 3 giả thuyết chính về nguồn gốc cây chè: (1) khởi thủy từ tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam Trung Quốc; (2) xuất phát từ vùng Assam Ấn Độ và (3) vùng Đông Nam Á cổ đại. Trong đó nhiều người nghiêng về giả thuyết thứ ba, bởi vì vào thời tiền sử, khu vực cây chè không nằm theo phân vùng địa lý như hiện nay mà nằm trong khu vực Đông Nam Á rộng lớn thời cổ đại, trong đó bao gồm cả tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam Trung Quốc, vùng Assam Ấn Độ, đặc biệt là miền bắc Việt Nam - nơi có hàng nghìn cây chè, kể cả cây chè cổ thụ lớn tới 3 vòng tay người ôm.

Từ cây chè nguyên thuỷ được phát hiện ra từ 4-5 nghìn năm trước, chè được nhân lên và được đem đi trồng trên gần khắp thế giới.

Theo truyền thuyết rất cổ xưa, chè được dùng từ lâu ở Việt Nam, Trung Quốc. Ở Nhật Bản 729 năm sau công nguyên mới thấy sử sách nói đến chè.

Đến thế kỷ XVI, các cường quốc châu Âu lần đầu tiên giao thương chè. Chè có vị thế vững chắc khi người Bồ Đào Nha trở thành những người châu Âu đầu tiên lấy mẫu (năm 1557), tiếp theo là người Hà Lan là những người đầu tiên vận chuyển một lô hàng chè sang châu Âu.

Ở phương Tây, quyển sách đầu tiên nói đến chè in năm 1559 của Jovani Batesta Ramudỉo (1485-1557). Sách đầu tiên nước Anh nói đến chè vào năm 1598, còn ở Bồ Đào Nha là 1600.

Chè thực sự quan trọng đối với rất nhiều người, song nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người Anh. Chè trở nên quan trọng đối với người Anh đến mức nó thậm chí còn gây ra các cuộc chiến tranh trên khắp đế chế. Sau khi Hoàng hậu người Bồ Đào Nha của Vua Charles II phổ biến chè tại triều đình, chè trở thành một thức uống của xã hội thời thượng. Sau khi người Anh bắt đầu dùng, buôn bán chè trở thành một ngành kinh doanh khổng lồ. Vì chè do Công ty Đông Ấn độc quyền và chính phủ đánh thuế 120%, một đội quân buôn lậu đã mở các kênh bí mật để đưa chè đến tay những người tiêu thụ nghèo hơn. Năm 1784, để dẹp bỏ thị trường chợ đen, Thủ tướng William Pitt đã giảm thuế đối với loại lá nhiều công năng này xuống chỉ còn 12,5%. Kể từ đó, chè trở thành đồ uống dân dã - được bán trên thị trường như một loại nước tăng cường sinh lực và làm ngon miệng.

Với hơn 5 nghìn năm lịch sử, ngành chè đã có chỗ đứng vững chắc, mang trong mình những giá trị văn hóa lâu đời mà ít ngành nào có được. Ngày chè Thế Giới sẽ là cơ hội để những người yêu trà, người trẻ và tất cả mọi người trên thế giới biết đến và tôn vinh nền văn hóa lâu đời này.

 * Ngày Chè thế giới

Hơn 5 nghìn năm lịch sử phát triển, ngành chè thế giới đã đóng góp những giá trị không nhỏ cho nền kinh tế-xã hội thế giới. Những ý nghĩa lịch sử lâu đời, nền văn hóa trà sâu sắc gắn liền với đời sống và như một thứ không thể tách rời trong cuộc sống hàng ngày của con người.

Chè là thức uống lâu đời, tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới chỉ sau nước. Triển vọng ngành chè ngày càng phát triển, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế cùng nhiều lợi ích và các giá trị thực tế mà ngành chè mang lại. Nhận thấy những ý nghĩa mà ngành chè mang lại, cuối năm 2019 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lấy ngày 21/5 là Ngày Chè thế giới. Ngày Chè thế giới ra đời như một bước đột phá thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển, thực hiện các hoạt động để ủng hộ sản xuất và tiêu thụ chè bền vững, ngoài ra còn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ngành trà trong việc xóa đói giảm nghèo.

Ngành chè đang cung cấp việc làm cho hàng trăm nghìn người trên thế giới, việc sản xuất, chế biến và kinh doanh chè góp phần lớn trong công cuộc giảm nghèo cùng cực, xóa đói đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Đặc biệt nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của cây chè trong cuộc sống, nhất là phát triển nông thôn và sinh kế bền vững, cải thiện giá trị cây chè. Mục tiêu để đóng góp vào Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Hiện nay, tình trạng biến đổi khí hậu làm thay đổi điều kiện trồng và sản xuất chè. Chè chỉ được sản xuất trong điều kiện sinh thái nông nghiệp đã được xác định tuy nhiên ở một số quốc gia còn rất hạn chế. Thiên tai, lũ lụt thường xuyên làm giảm đi chất lượng, sản lượng cũng như giá cả của chè, gây ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập và đe dọa sinh kế của người nông dân.

Hãy trao nhau một gói chè, có lẽ đây là hành động đẹp và đầy ý nghĩa trong ngày này. Trao nhau một gói trà là trao cho nhau sức khỏe, là trao cho nhau niềm vui. Mỗi gói trà được trao đi sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu thụ trà, đồng thời hỗ trợ bà con nông dân tại các vùng trà trên cả nước cải thiện cuộc sống.

Hãy ngồi xuống và thưởng thức những chén chè mang đậm hương vị quê nhà. Không còn quá vội vàng, hãy dành cho mình một chút thời gian thưởng thức chén trà để quay về tìm lại bản thân và tìm người tri kỷ.

Hãy đến và gặp gỡ bà con trồng chè. Đến để hiểu và chia sẻ khó khăn trong đời sống của những người gắn bó cả đời mình qua nhiều thế hệ với cây chè. Chúng ta sẽ hiểu rõ hành trình của lá chè từ các vườn chè trên đồi cao hay núi sâu trải qua chặng đường dài để có mặt trên bàn trà của mỗi chúng ta, một hành trình có đủ ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ để mỗi chén trà có đủ Nhật Nguyệt./. 

Phương Anh(tổng hợp)

  • Chia sẻ: