Nhằm kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta, ngày Môi trường thế giới 5/6 được tổ chức thành sự kiện thường niên tại nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi một năm, ngày Môi trường thế giới lại có một chủ đề khác nhau để kêu gọi mọi người cùng chung tay hành động.Năm 2023, ngày Môi trường thế giới được phát động với chủ đề “Solutions to Plastic Pollution” (Giải pháp cho ô nhiễm nhựa) và khẩu hiệu “Beat Plastic Pollution” (Đánh bại ô nhiễm rác thải nhựa).
* Nguy cơ từ rác thải nhựa
Nhựa được ví như loại "than đá mới" do những tác động về môi trường mà nó gây ra. Ngày càng trở nên phổ biến do tính ứng dụng cao và độ tiện lợi, nhựa sử dụng một lần là yếu tố góp phần khiến khủng hoảng khí hậu càng trở nên trầm trọng do đặc tính không thể phân hủy trong tự nhiên.
Tổ chức Beyond Plastics cho biết, quá trình sản xuất nhựa tiêu tốn nhiều năng lượng đến mức nếu ngành công nghiệp nhựa là một quốc gia thì nó sẽ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ 5 trên thế giới. Theo báo cáo của Beyond Plastics, ngành công nghiệp nhựa phát thải ít nhất 232 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm, tương đương với lượng phát thải trung bình của 116 nhà máy nhiệt điện than vào năm 2020.
Kể từ khâu sản xuất cho đến khi kết thúc vòng đời, nhựa sử dụng một lần luôn phát thải khí nhà kính, do đó các nhà môi trường cho rằng "cái giá phải trả" đối với khí hậu do sử dụng nhựa sẽ là quá đắt. Tuy nhiên, việc tái chế nhựa dường như không đạt hiệu quả vì đa số rác thải nhựa cuối cùng vẫn bị chất đống ở các bãi rác, trong khi mọi kế hoạch tái chế đều không thể giải quyết được lượng khí phát thải từ khâu sản xuất. Trong khi đó, số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, mỗi năm chỉ khoảng 9% rác thải nhựa được tái chế trên toàn thế giới.
Riêng tại Bắc Cực, Viện Alfred Wegener của Đức cho hay, rác thải nhựa ở khu vực này có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới, cụ thể là có tới 1/3 số rác thải nhựa vẫn còn các dấu hiệu hoặc nhãn mác đến từ châu Âu. Dựa trên thực tế này, Viện đưa ra kết luận “ngay cả các quốc gia công nghiệp phát triển thịnh vượng, có khả năng quản lý rác thải tốt hơn những quốc gia khác, cũng góp phần đáng kể vào sự ô nhiễm của các hệ sinh thái xa xôi như Bắc Cực”.
Theo các kết quả nghiên cứu, sản lượng sản phẩm nhựa dùng một lần gây ô nhiễm môi trường đã tăng 6 triệu tấn mỗi năm trong giai đoạn 2019-2021, bất chấp các quy định khắt khe hơn trên toàn thế giới, khi các nhà sản xuất đạt được "rất ít tiến bộ" trong việc giải quyết ô nhiễm và thúc đẩy tái chế. Thực trạng tiêu thụ đồ nhựa sử dụng một lần trên thế giới đang ngày càng đặt ra các mối đe dọa cấp bách đối với môi trường, với lượng rác khổng lồ được chôn tại các bãi chôn lấp hoặc bị đổ trực tiếp không qua xử lý ra các con sông và đại dương.
Quá trình sản xuất nhựa dùng một lần cũng là nguồn chính phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân gây ra hiện tượng Trái Đất nóng lên. Quỹ Minderoo của Australia cảnh báo cuộc khủng hoảng rác thải nhựa sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trước khi lượng tiêu thụ nhựa nguyên chất dùng một lần trên toàn cầu giảm trên cơ sở hằng năm. Quỹ này nhận định sản lượng sản phẩm nhựa sử dụng một lần được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch trong năm 2021 đạt khoảng 137 triệu tấn và dự kiến sẽ tăng thêm 17 triệu tấn vào năm 2027.
Ngoài ra, theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chỉ riêng lượng rác thải nhựa đổ ra các đại dương có thể tăng lên đến 1 tỷ tấn vào năm 2060. Từ những loài sinh vật nhỏ như tôm, cua, hàu cho đến những loài lớn như cá voi đều là nạn nhân của rác thải nhựa. Đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng nổ, các đại dương phải “oằn mình” hứng chịu lượng rác thải y tế khổng lồ với những chiếc khẩu trang y tế dùng một lần hay găng tay cao su tràn ngập các bãi biển.
Từ những phân tích trên, có thể thấy nạn ô nhiễm rác thải nhựa sử dụng một lần không thể phân hủy hoặc khó phân hủy - còn gọi là “ô nhiễm trắng” - đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu.
* Chung tay chống nạn “ô nhiễm trắng”
Cách đây 51 năm, ngày 5/6/1972, hội nghị của Liên hợp quốc về con người và môi trường đã diễn ra tại Stockholm (Thuỵ Điển). Đây là hành động đầu tiên đánh dấu sự nỗ lực chung của toàn nhân loại nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường. Và cũng tại hội nghị này, Liên hợp quốc đã chọn ngày 5/6 hàng năm làm ngày Môi trường thế giới.
Từ đó, ngày Môi trường thế giới 5/6 hàng năm đã trở thành sự kiện toàn cầu, được hàng triệu người ở hơn 100 quốc gia trên thế giới tham gia, nhằm chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.
Trong suốt hơn 5 thập niên qua, ngày Môi trường thế giới đã tạo một nền tảng để hội tụ các hành động tập thể, giúp nhiều tiếng nói được lắng nghe và thúc đẩy mọi người thay đổi, dẫn tới những hiệp ước toàn cầu quan trọng trong mọi lĩnh vực từ ô nhiễm nhựa đến rác thải thực phẩm. Mỗi năm, chủ đề Ngày Môi trường thế giới đều phản ánh một điểm nhấn về những lo ngại môi trường vào thời điểm đó. Chẳng hạn như: Năm 1977, sự kiện này tập trung vào lỗ thủng tầng Ozone; Năm 1984 nêu vấn đề hoang mạc hóa; Chủ đề của năm 1989 là sự nóng lên toàn cầu; Năm 2003 là nguồn nước, trong khi giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon là chủ đề của năm 2018…
Điều đáng mừng là mỗi năm, số người tham gia sự kiện Ngày Môi trường thế giới, cả trực tuyến và trực tiếp, đều gia tăng. Vào Ngày Môi trường thế giới năm 2019, với trọng tâm là ô nhiễm không khí, đã có hơn 12 triệu hashtag đánh dấu ngày này trên mạng Twitter và trang truyền thông xã hội Weibo. Sự kiện năm 2020 tập trung vào chủ đề đa dạng sinh thái với khẩu hiệu: “Time#ForNature” (Thời gian vì thiên nhiên) đã thu hút hơn 100 triệu người trên các kênh xã hội...
Cũng chính nhờ sự bùng nổ trên mạng xã hội đã tạo ra được những tiến bộ về chính sách trên thực tế. Ví dụ như việc 14 nhà lãnh đạo các nước trong đó có Colombia, Costa Rica, Phần Lan, Pháp… đã ra một tuyên bố chung vào Ngày Môi trường thế giới năm 2020, kêu gọi các nước ủng hộ một mục tiêu toàn cầu mới là bảo vệ ít nhất 30% đất và đại dương trên hành tinh này vào năm 2030…
Gần đây, trong một nỗ lực của cộng đồng quốc tế, tháng 2/2022, 175 quốc gia đã nhất trí trên nguyên tắc về sự cần thiết phải xây dựng một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý của Liên hợp quốc để chấm dứt ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới, đặt ra thời hạn đầy tham vọng là năm 2024 đạt được thỏa thuận. Theo đó, ba cách tiếp cận về mặt chính sách đang được thảo luận tại các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc, đề cập toàn bộ vòng đời của nhựa, từ khâu sản xuất cho đến khi bị thải bỏ. Những biện pháp chủ chốt đang được đề cập hiện nay là lệnh cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, cơ chế phạt tài chính đối với hành vi gây ô nhiễm và thu thuế đối với hoạt động sản xuất nhựa.
Tiếp nối những nỗ lực đó, năm nay, ngày Môi trường thế giới được phát động với chủ đề “Solutions to Plastic Pollution” (Giải pháp cho ô nhiễm nhựa), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Beat Plastic Pollution” (Đánh bại ô nhiễm rác thải nhựa).
Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2023 nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa.
* Việt Nam chung tay giảm thiểu chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường thế giới
Tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa ngày một trở nên nghiêm trọng, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái tự nhiên, sức khỏe con người và cảnh quan.
Nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam, thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương.
Đặc biệt, Việt Nam đã cùng với các quốc gia trên thế giới thông qua Nghị quyết 5/14 tại Hội nghị đại hội đồng môi trường toàn cầu lần 2 (UNEA5.2), thống nhất việc xây dựng một “Công cụ toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý về chấm dứt ô nhiễm nhựa, bao gồm rác thải nhựa đại dương”. Chính phủ Việt Nam đã quyết định tham gia vào quá trình đàm phán Thỏa thuận này, dự kiến kéo dài từ nay đến hết năm 2024.
Tại nhiều diễn đàn quốc tế, Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa. Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; chú trọng giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái chế, tái sử dụng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.
Theo Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025, sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.
Hưởng ứng ngày Môi trưởng thế giới 5/6 năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kêu gọi các bộ, ngành và các địa phương tổ chức nhiều hoạt động làm sạch môi trường, chống rác thải nhựa, xử lý rác thải nhựa ven biển, bảo vệ, duy trì và phục hồi đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo.../.
Trọng Đức (tổng hợp)