Tháng 42023

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4): Phát triển văn hóa đọc là phát triển nguồn lực của quốc gia

Từ xưa tới nay, sách luôn gắn bó với đời sống tinh thần của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Đọc sách là nét đẹp văn hóa, giúp con người mở rộng tri thức, hiểu biết trên mọi lĩnh vực, rèn luyện những kỹ năng, tình cảm và thói quen hữu ích. Với thông điệp: “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”, “Sách cho tôi, cho bạn”, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 diễn ra từ ngày 15/4 đến 1/5, là sự kiện văn hóa quan trọng góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội.

* Tôn vinh giá trị của sách và văn hóa đọc
Dù ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học là một trong những phương cách để hoàn thiện bản thân, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và để đóng góp vào phát triển xã hội và đọc sách là một trong những cách học hiệu quả. Vì thế, từ lâu đọc sách đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của nhiều người.

Lịch sử của “Ngày hội đọc sách” được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, vào ngày lễ Thánh George (23/4), người ta yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á và châu Phi dưới nhiều hình. Từ năm 1995, UNESCO đã chính thức chọn ngày 23/4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới.

Khẳng định vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, đồng thời khuyến khích phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 là Ngày Sách Việt Nam. Sau 8 năm tổ chức, Ngày Sách Việt Nam 21/4 hàng năm đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc trong cả nước, thực sự trở thành nét đẹp văn hóa và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Để đưa văn hóa đọc phát triển lên một tầm cao mới, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ lại ký ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, thay cho tên gọi Ngày sách Việt Nam trước đây. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam ra đời đã khẳng định vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai Kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai. Các hoạt động chính của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức trọng tâm từ ngày 15/4 đến ngày 1/5 với thông điệp “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”; “Sách cho tôi, cho bạn”. Theo đó, việc triển khai hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai năm 2023 gắn với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị và các ngày lễ lớn trong năm 2023 tại cấp cơ sở; các địa phương; hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo, thư viện công cộng; lực lượng an ninh, quốc phòng; các bộ, ngành, tổ chức hội, đoàn thể nhằm tạo sự hưởng ứng, sâu rộng trên toàn quốc, phát huy giá trị của sách, của văn hóa đọc trong cộng đồng; góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc.

* Hình thành thói quen để đọc sách trở thành nhu cầu tự thân

Phát triển văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, với thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, văn hóa nghe nhìn lấn át văn hóa đọc, làm cho giới trẻ nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng, xa dần thói quen đọc sách mỗi ngày.
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Thế nhưng, chúng ta lại có đến 70% người dân sử dụng internet, nằm trong nhóm đầu thế giới.

Mặc dù Việt Nam vẫn thường xuyên phát động phong trào đọc sách thông qua nhiều hoạt động thiết thực như ngày hội đọc sách, triển lãm sách… nhưng theo thống kê, trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm. Trong số đó có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa; 1,2 cuốn còn lại là thể loại sách khác. So sánh với Singapore, trung bình người dân nước này đọc 14 cuốn sách mỗi năm, người Nhật là 20 cuốn. Qua đó, có thể thấy việc đọc sách của người Việt Nam thấp hơn rất nhiều.

Một nguyên nhân khiến nhiều người, nhất là giới trẻ lười đọc sách chính là công nghệ thông tin bùng nổ mạnh mẽ các kênh để giải trí, mạng internet được phủ rộng đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Một bộ phận học sinh, sinh viên, thanh niên quen dần với thói quen tìm kiếm những thông tin ở trên mạng, mà quên đi cách tìm kiếm kiến thức ở các cuốn sách. Ngoài ra đối với người dân, đặc biệt là trẻ em tại các vùng nông thôn, miền núi cũng không có nhiều điều kiện để tiếp cận với những cuốn sách hay… Một nguyên nhân nữa được nhiều người đánh giá chính là sức hấp dẫn của nội dung sách. Thực tế đã có nhiều tác phẩm không có giá trị, không có chân lý “nối đuôi” nhau ra đời. Điều này dẫn tới thực trạng lạm phát sách, sách nhiều mà không thu hút người đọc.

Quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam cũng đang hình thành một thói quen mới cho người đọc sách hiện đại - thói quen “nghe sách”. Đây được cho là kết quả xuất phát từ chính nhu cầu có thực của những người trẻ hiện đại, những người không có nhiều thời gian nhưng vẫn muốn được trau dồi kiến thức. Để thích ứng với câu chuyện chuyển đổi số, nhiều nhà xuất bản đã mở thêm kênh xuất bản sách điện tử, từ thể loại lật đơn giản như sách truyền thống đến sách tương tác, sách 3D, hay gần đây nhất là sách nói. Dù có những ưu điểm như cập nhật nhanh, lưu trữ tốt, nhiều người cũng đặt ra những lo ngại liên quan đến loại hình sách điện tử như ảnh hưởng đến sức khỏe nếu sử dụng thiết bị điện tử để đọc sách quá lâu, hay chất lượng sách…

Sách giấy truyền thống hay sách điện tử cùng tồn tại song hành và phát triển để mang đến cho người đọc trải nghiệm, “kênh” văn hóa đọc đa dạng hơn, tốt hơn sẽ là xu thế trong thời gian tới. Nhận định về vấn đề này nhiều chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, sẽ không thể chỉ kêu gọi người dân đọc nhiều hơn, mà điều quan trọng nằm ở việc nâng cao chất lượng sách từ tác giả đến các nhà xuất bản.

Sách điện tử được dự báo sẽ là xu hướng của thời đại. Tuy nhiên thị trường sách in truyền thống sẽ vẫn tồn tại như một phương tiện không thể thiếu để truyền bá thông tin, kiến thức. Và mỗi đối tượng độc giả lại có sự lựa chọn khác nhau giữa sách điện tử và sách giấy, hai loại sách này sẽ luôn song hành phát triển, hướng tới mục đích đưa nhiều cuốn sách hay đến với độc giả, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong xã hội.

Bàn về giải pháp phát triển văn hóa đọc, rất nhiều chuyên gia đã khẳng định cần sự nỗ lực của các cấp các ngành với những giải pháp căn cơ, đồng bộ nhưng trên hết vẫn là ý thức của mỗi người dân. Muốn phát triển văn hóa đọc cần phải hướng việc đọc sách trở thành một thói quen không thể thiếu, một nét đẹp văn hóa trong cuộc sống của cá nhân, gia đình, cộng đồng. Ở mỗi gia đình, bố mẹ phải có ý thức về việc đọc sách và trao truyền ý thức đó cho con trẻ. Nhà trường cần có những hoạt động giáo dục học sinh ngay từ bậc tiểu học về kỹ năng, thói quen đọc sách, bao gồm phương pháp đọc, kỹ năng tiếp cận sách, đọc sách có mục đích (học tập, nghiên cứu, giải trí), tiêu chí lựa chọn những cuốn sách đáng đọc; đưa ra một danh mục sách cần đọc trong một năm học... Xây phong trào đọc sách sâu rộng trong các cơ quan, tổ chức và cộng đồng, tổ chức các cuộc thi đọc sách; phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng. Tổ chức Hội chợ triển lãm sách, Phố sách cũng là nhân tố nhằm phát triển môi trường và nội lực của văn hóa đọc…

Cũng cần đầu tư hơn nữa cho hệ thống thư viện, đặc biệt là hệ thống thư viện văn hoá khoa học tổng hợp. Đây là cơ quan giáo dục ngoài nhà trường, nơi học tập suốt đời cho mọi công dân. Thư viện trường học phải có đủ kinh phí hoạt động và phát triển ngang tầm các hệ thống thư viện trong khu vực cũng như quốc tế.
Một trong những giải pháp không kém phần quan trọng, đó là các nhà xuất bản, cơ sở in, đơn vị phát hành đóng vai trò chủ thể, là nhân tố cốt lõi, trung tâm trong việc phát triển văn hóa đọc quốc gia. Theo đó, các lực lượng xuất bản, in, phát hành cần nâng cao chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao của người dân; hỗ trợ, đầu tư nhằm khuyến khích sáng tác, xuất bản sách phục vụ trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số...; tinh chọn đề tài xuất bản, nguồn bản thảo, loại sách, chất liệu, hình thức phù hợp với nhu cầu của công chúng... Bên cạnh việc xuất bản sách truyền thống thì các nhà xuất bản cần nhạy bén, kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xuất bản sách điện tử.

Sách chính là kho tàng kiến thức vô giá về mọi lĩnh vực trong cuộc sống của nhân loại. Đọc sách là con đường ngắn nhất giúp chúng ta tích góp được mọi tri thức từ cơ bản đến chuyên sâu ở mọi lĩnh vực của nhân loại để có thể phát triển bản thân mình ngày càng tốt hơn. Chính vì vậy quan tâm, phát triển văn hóa đọc chính là nâng cao dân trí, tạo nền tảng quan trọng để phát triển của mỗi một quốc gia. Hy vọng việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 với thông điệp: “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”, “Sách cho tôi, cho bạn” sẽ góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách, phát triển văn hóa đọc sâu rộng, mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.

Diệp Ninh (tổng hợp)

  • Chia sẻ: