Tháng 102023

Nghề rèn của người Mông ở Điện Biên được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Tủa Chùa năm 2023, sáng 21/10/2023, UBND huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) đã tổ chức Lễ công bố và trao giấy chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên.

 

Trao chứng nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia đối với Nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Dân tộc Mông chiếm 1/3 dân số tỉnh Điện Biên. Họ sinh sống ở hầu khắp các huyện, thị, thành phố, song nhiều nhất vẫn là ở các huyện vùng cao Tủa Chùa, Tuần Giáo, Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Nhé, Điện Biên Đông.

Đồng bào người Mông có nhiều nghề thủ công mang đậm nét văn hóa dân tộc, trong đó nghề rèn là một trong những nghề truyền thống lâu đời, gắn liền với hoạt động sản xuất của bà con.

Để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ cắt sắt tạo hình, nung, đập, nhúng nước, rồi lại nung, đập, tới khi định hình được sản phẩm thì mài cho sắc, làm tay cầm. Trong khâu tôi thép của người Mông có bí quyết riêng để tạo nên những sản phẩm nông cụ truyền thống có chất lượng cao, đó là khả năng nhìn màu thép để đưa vào tôi. Người Mông có nhiều cách tôi thép khác nhau, có loại thép thì tôi bằng nước, có cho một lượng muối vừa phải, có loại thì tôi bằng nước của thân cây chuối và cũng có thể là bằng dầu nhớt...

Nghề rèn không chỉ giúp đồng bào Mông ở Điện Biên tạo ra những nông cụ thiết thực, phục vụ đời sống mà còn là nét văn hóa độc đáo. Hiện nay, trong các thôn, bản người Mông, chỉ còn rất ít hộ lưu giữ nghề rèn truyền thống nhưng nhu cầu sử dụng nông cụ rèn vẫn rất lớn, do đó, một số hộ vẫn giữ nghề rèn, tạo ra nông cụ để bán tại các phiên chợ, tăng thêm thu nhập./.

  • Chia sẻ: