Tháng 102023

Nhạc sĩ Thao Giang và những cống hiến cho âm nhạc dân tộc

Nhạc sĩ Thao Giang - người góp phần hồi sinh, gìn giữ nghệ thuật hát xẩm và âm nhạc dân tộc, đã qua đời vào tối 24/10/2023, tại Hà Nội. Sinh thời, nhạc sĩ Thao Giang luôn dành tình yêu lớn cho âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc dân tộc. Hơn 50 năm cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, với ông âm nhạc như một phần sự sống của mình.

* Nhạc sĩ Thao Giang – tên tuổi lớn của nghệ thuật đàn nhị

Nhạc sĩ Thao Giang tên thật là Nguyễn Văn Vĩnh, sinh ngày 22/7/1948 tại Hà Tây, nay là Hà Nội. Ông có thiên hướng âm nhạc dân tộc từ sớm.

Năm 8 tuổi, ông thi tuyển lớp sơ cấp khóa 1 của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), thi đỗ và theo học đàn nhị. Ông may mắn được học đàn nhị dưới sự hướng dẫn của cụ Vũ Tuấn Đức, một nhạc công lừng danh của âm nhạc Cung đình Huế.

Năm 1967, ông tốt nghiệp hệ trung cấp đàn nhị và được giữ lại trường làm giảng viên. Ông cũng có nhiều năm học âm nhạc ở nước ngoài. Cùng với NGND Xuân Khải, nhạc sĩ Thao Giang là người đặt nền móng cho Khoa Nhạc cụ truyền thống của Học viện Âm nhạc quốc gia. Đồng thời, ông cũng là một nghệ sĩ biểu diễn tài năng, xuất hiện tại nhiều liên hoan nghệ thuật với cây đàn nhị.

Tâm huyết với đàn nhị và mong muốn có tác phẩm dành riêng cho đàn nhị, nhạc sĩ Thao Giang theo học sáng tác và đã sáng tác nhiều tác phẩm cho nhạc cụ truyền thống này, như: “Tình quê hương”, “Làng ven song”, “Đan lưới”... Trong đó, “Kể chuyện ngày mùa” được coi là tác phẩm mẫu mực cho đàn nhị.

Hiếm có đoàn nghệ thuật nào ra nước ngoài mà lại không mang theo “Kể chuyện ngày mùa” – do ông sáng tác cho đàn nhị – để khoe với bạn bè. Với thời lượng chỉ khoảng tám phút, “Kể chuyện ngày mùa” đã khắc họa được hình ảnh tươi vui, thanh bình của làng quê Việt Nam trong những ngày thu hoạch thành quả làm việc của người nông dân qua mỗi vụ mùa. 

Đặc biệt, ông đã nghiên cứu, cải tiến thành công việc mở rộng âm vực cho cây đàn nhị để nó có thể hiên ngang độc tấu trên sân khấu. Cho đến nay, tất cả các cây đàn nhị trong nước đều được chế tạo theo công trình sáng kiến này của ông…

Ngoài ra, ông còn có những sáng tác nổi bật cho nhạc cụ dân tộc như “Hương rừng” (tam thập lục), “Ao cá Bác Hồ” (đàn tranh), “Du thuyền trên sông Hương” (đàn bầu), “Đường xa vui những tiếng đàn” (đàn tỳ bà), “Hương xuân” (dàn nhạc dân tộc hòa tấu)…

Không chỉ là một tên tuổi lớn của nghệ thuật đàn nhị chuyên nghiệp Việt Nam thế kỷ 20, một tên tuổi gắn liền với âm nhạc truyền thống dân tộc, nhạc sĩ Thao Giang còn là thầy của nhiều nghệ sĩ đàn nhị nổi tiếng như: Thế Dân, Sĩ Toán, Văn Hà...

* Người tâm huyết với hát xẩm và âm nhạc dân tộc

Hai nghệ sỹ Thanh Ngoan và Mai Tuyết Hoa cùng các nghệ sỹ Xẩm biểu diễn tại sân khấu âm nhạc dân gian 'Hà Thành 36 phố phường' năm 2006. (Ảnh: Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long cung cấp)

Với nhạc sĩ Thao Giang âm nhạc dân gian là hồn cốt của văn hóa dân tộc. Nhạc sĩ Thao Giang chính là người khởi xướng hồi sinh nghệ thuật hát xẩm, có công tạo nên hát xẩm trong diện mạo đa dạng như ngày hôm nay. Ông từng nói về xẩm: nhân dân sáng tạo ra loại hình nghệ thuật này, nhân dân sẽ nuôi dưỡng nó và nuôi chính chúng ta, nếu chúng ra làm tốt.

Nếu nghệ nhân Hà Thị Cầu tôn vinh xẩm làng quê, thì nhạc sĩ Thao Giang là người có công lớn trong việc “hồi sinh” xẩm Hà thành. Đáng chú ý nhất, ông sưu tầm và đã giới thiệu với công chúng Xẩm tàu điện - một di sản quý của Thủ đô Hà Nội đã rơi vào quên lãng.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: đau đáu về một nghệ thuật ca hát dân gian đặc sắc của dân tộc sẽ sớm bị tắt khi chỉ còn hiện hữu một nghệ nhân Hà Thị Cầu, ngay từ đầu những năm 2000, nhạc sĩ Thao Giang đã tập hợp nhiều nghệ sĩ uy tín trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật dân tộc như GS.TS.NGND Phạm Minh Khang, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Văn Ty, nhạc sĩ Hạnh Nhân, NSND Thanh Ngoan, NSND Đoàn Thanh Bình, NSND Thúy Ngần, nghệ sĩ Tự Cường… và cùng với các nghệ sĩ trẻ Mai Tuyết Hoa, Nguyễn Quang Long và Khương Cường. Tất cả đã đồng lòng chung sức hồi sinh nhiều điệu/bài bản hát xẩm đã thất truyền của Hà Nội, Hải Phòng, của các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ. Giờ đây những bài này đã trở nên quen thuộc với công chúng.

Năm 2005, nhạc sĩ Thao Giang cùng GS. NSND Phạm Minh Khang thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam(thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam) và giữ vị trí Giám đốc Trung tâm. Ông cũng là người vận động để ra đời Sân khấu âm nhạc dân gian "Hà Nội 36 phố phường" (từ năm 2006), biểu diễn hát xẩm và các loại hình nghệ thuật truyền thống vào dịp cuối tuần tại khu vực phố cổ Hà Nội, thu hút nhiều đối tượng khán giả, tạo nên một nét đẹp văn hóa của Thủ đô; và tái hiện lễ giỗ tổ nghề Hát xẩm (2008)...

Nhạc sĩ Thao Giang từng nói về sự ra đời của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam: “Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam sưu tầm, nghiên cứu những dòng âm nhạc dân gian bị thất truyền và phục dựng lại, truyền dạy và đào tạo âm nhạc một cách chính quy. Dạy cho quần chúng, các câu lạc bộ rồi những người yêu thích dòng nhạc dân tộc để phổ cập rộng rãi cho công chúng. Năm 2010, Trung tâm được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo một số chuyên ngành như hát xẩm, hát trống quân, ca trù, hát văn, quan họ và một số nhạc cụ dân tộc. Kết quả là năm 2015 chúng tôi đã cho tốt nghiệp được lứa đầu tiên gồm 20 cử nhân”.

Ông cũng cùng các nhạc sĩ tâm huyết với âm nhạc dân tộc đã mở những lớp truyền dạy âm nhạc dân tộc miễn phí. Sự chỉ bảo tận tình của các thày đã truyền lửa, giúp cho nhiều thế hệ học trò hăng say học tập. Nhiều học trò của nhạc sĩ Thao Giang giờ đã giảng dạy ở ngay Trung tâm và ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nhạc sĩ Thao Giang dành nhiều tâm huyết để truyền dạy âm nhạc dân tộc cho giới trẻ.

Ngoài phục dựng, bảo tồn các làn điệu xẩm cổ, nhạc sĩ Thao Giang còn dày công nghiên cứu, chỉnh lý để loại hình nghệ thuật này gần gũi, hấp dẫn khán giả hiện nay.

Không chỉ với hát xẩm, nhạc sĩ Thao Giang còn tích cực truyền bá, giới thiệu các loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc như ca trù, hát trống quân, quan họ... Nhạc sĩ Thao Giang từng kể rằng, có những khán giả cao tuổi, tối thứ Bảy nào cũng ra chợ đêm để nghe hát, dường như nghe hát xẩm, ca trù đã trở thành thói quen của họ. Có những khán giả người nước ngoài cũng rất thích nghe và tìm đến Trung tâm để học hát xẩm, ca trù.

Nhạc sĩ Thao Giang được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022 với các tác phẩm “Kể chuyện ngày mùa”, “Tình quê hương”./.

 Phương Phương


  • Chia sẻ: