Tháng 102024

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng: Việt Nam ủng hộ vai trò của các diễn đàn và cơ chế hợp tác đa phương

Ngày 23 và 24/10/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Kazan (Liên bang Nga) theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024.

[Ảnh trên: Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024 đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Trưởng đoàn (24/10/2024). Ảnh: Dương Giang-TTXVN]

Đây là hoạt động cấp cao quan trọng của BRICS trong năm, với sự tham dự của lãnh đạo hơn 30 nước, cùng nhiều khách mời là đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực. Hội nghị lần này là hội nghị thượng đỉnh lần thứ 16 của nhóm, nhưng là Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sau khi BRICS mở rộng với 9 thành viên (gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, UAE).

Với chủ đề “BRICS và Nam Bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng lần này là dịp để các nước tập trung thảo luận về tăng cường hợp tác giữa BRICS và các nước đang phát triển nhằm xây dựng hệ thống quản trị quốc tế cân bằng và công bằng hơn. 

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng lần này đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam tham dự ở Cấp cao một hoạt động của Hội nghị BRICS mở rộng; tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng nhằm chuyển tải thông điệp của Việt Nam về việc ủng hộ vai trò của các diễn đàn và cơ chế hợp tác đa phương, trong đó có BRICS, hoạt động trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với luật pháp quốc tế, đề cao tiếng nói, tính đại diện của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu cũng như trong giải quyết các thách thức chung, góp phần xây dựng một trật tự thế giới đa cực và công bằng, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và toàn thế giới.

  • Chia sẻ: