Sứ mệnh doanh nhân trong thời đại mới

Hà Nội (TTXVN 12/10/2020) Ðội ngũ doanh nhân Việt Nam đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt đưa đất nước tiến lên, chủ động hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế toàn cầu. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hiện nay.

* Mỗi doanh nhân là một chiến sỹ trên mặt trận kinh tế-xã hội

Tròn 75 năm trước, ngay sau ngày đất nước giành độc lập, ngày 13/10/1945, khi nghe tin các công thương gia nhóm họp, thành lập Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư động viên, cổ vũ. Bức thư chưa đầy 200 chữ của Bác đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta xác định vai trò và sứ mệnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Bác chỉ rõ: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công-thương phải hoạt động để xây dựng nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công-thương trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”. (1) 

Những tư tưởng này là cơ sở để Chính phủ lấy ngày 13-10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam".
Hơn 7 thập kỷ đã trôi qua nhưng những khẳng định của Bác về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước và lời kêu gọi doanh nghiệp, doanh nhân mau mau đem vốn vào làm những công cuộc ích nước, lợi dân… vẫn còn nguyên giá trị.

Trong suốt mấy chục năm qua, đặc biệt là trong hơn 3 thập kỷ từ khi tiến hành đổi mới, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân. Đặc biệt, sau khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với chủ đề mang theo tuyên ngôn của Chính phủ “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”. Sau đó, hàng loạt những văn kiện, nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia với tư cách là chương trình hành động liên tục đã thể hiện sự bền bỉ của Chính phủ trong mục tiêu Việt Nam trở thành một trong 4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tốt nhất ASEAN.

Các thế hệ doanh nhân đã dám nghĩ, dám làm, nỗ lực hoàn thành sứ mệnh của mình, góp phần đưa đất nước thoát khỏi nghèo đói và đạt được những thành tựu quan trọng. Đến nay, hệ thống doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Cùng với hơn 700 nghìn doanh nghiệp còn có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Khu vực doanh nghiệp với nhiều loại hình khác nhau đang đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 70% thu ngân sách nhà nước, tạo ra hàng chục triệu việc làm và giữ vai trò động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế quốc gia, đóng góp to lớn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Nếu như trong thời chiến, mỗi người lính là một mặt trận - xung kích trên chiến trường, tô thắm cho lá cờ quyết thắng, thì ở thời bình, mỗi doanh nhân là một chiến sỹ trên mặt trận kinh tế-xã hội. Hơn 30 năm đổi mới đã và đang tạo ra một thế hệ doanh nhân mới, với khát vọng và thành tựu lớn hơn, mong mỏi đưa thương hiệu, đưa các sản phẩm Việt Nam có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao, vươn tầm thế giới.

Năm 2019, có 98 gương mặt doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu đã được lựa chọn và 10 doanh nhân xuất sắc nhất được trao tặng Giải thưởng Sao Đỏ. Phát biểu tại lễ trao giải (tối 18/12/2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt đươc những thành tích đáng tự hào về xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu hàng hóa. Kết quả này, có sự đóng góp đáng kể của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, nhất là doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc, nhận Giải thưởng Sao Đỏ. Thủ tướng mong muốn các doanh nhân trẻ, đặc biệt các doanh nghiệp Sao Đỏ đi đầu trong đóng góp về cải cách thể chế, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, đề xuất ý tưởng mới, làm sao để đất nước phát triển mạnh mẽ, hùng cường hơn nữa.

Theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới, chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong một năm vừa qua. Việt Nam trở thành quán quân trong "cuộc đua" cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, khi Việt Nam tham gia vào những "sân chơi" lớn như: Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)... vai trò của đội ngũ doanh nhân ngày càng rõ nét, thể hiện khát vọng vươn lên, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

* Từng bước hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường

Bên cạnh những thành tựu ghi nhận trên thì đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn những mặt hạn chế. Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, xét về tỷ lệ doanh nghiệp, doanh nhân trên dân số, Việt Nam không thua kém các nền kinh tế khác trong khu vực. Tuy nhiên, nếu xét về chất lượng, chúng ta chưa đạt chuẩn mực trung bình trong tương quan so sánh với ASEAN. Việt Nam đã có những doanh nhân hàng đầu, những thương hiệu lớn, cạnh tranh được với thế giới nhưng số đó còn quá ít. Mới có những doanh nhân riêng lẻ với sức cạnh tranh cao, nhưng chưa có được một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh. Theo xếp hạng hiện nay của Diễn đàn Kinh tế thế giới và Ngân hàng thế giới (WB), năng lực doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ được xếp ở hạng trung bình, công nghệ sử dụng và năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, trước những yêu cầu mới của hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn hạn chế về kiến thức, sự am hiểu pháp luật hay năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh. Một bộ phận không nhỏ doanh nhân chưa được đào tạo bài bản, chưa có bề dày kinh nghiệm thương trường; thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn hoặc tính liên kết...

Trong khi đó, mục tiêu một triệu doanh nghiệp hoạt động đến năm 2020, trong đó có những doanh nghiệp mạnh, có vị thế, tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới đòi hỏi những bước đi phù hợp, mạnh dạn nhằm nâng cấp doanh nghiệp, nâng tầm đội ngũ doanh nhân. Cùng với đó là mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ, tham gia tích cực vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Do đó, các định hướng về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân thời gian tới không những cần tập trung vào số lượng mà quan trọng hơn là phải tập trung vào nâng cao chất lượng của đội ngũ này.

Ðể xây dựng được đội ngũ doanh nhân đủ mạnh cả về chất và lượng, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme) Tô Hoài Nam cho rằng, trước hết cần tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; rà soát các quy định pháp luật liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân trong quá trình đầu tư kinh doanh. Ðồng thời, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh đó, khuyến khích hoạt động liên kết, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp phù hợp để tăng nhanh số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa; thúc đẩy hình thành và phát triển một số doanh nghiệp lớn, đủ sức thực hiện vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, như: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô, nông nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo, các lĩnh vực ứng dụng công nghệ 4.0…

Mặt khác, cần tạo ra sự chuyển biến căn bản trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân theo hướng từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế, trong đó chú trọng giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm, tinh thần hợp tác, ý thức dân tộc và ý thức cộng đồng.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng kêu gọi đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng làm giàu chính đáng cho mình và đất nước. Bên cạnh đó, doanh nhân phải là những người tiên phong trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển trên nền tảng công nghệ số, tận dụng và phát huy cao nhất những lợi thế mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, năng suất, sức cạnh tranh toàn cầu... Phó Thủ tướng nhận nhấn mạnh, với quyết tâm, sự đồng lòng, chung tay của Chính phủ, người dân, với vai trò tiên phong của các doanh nghiệp, doanh nhân, chúng ta có cơ sở để tin tưởng hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường vào năm 2045./.

Minh Duyên (tổng hợp)

(1): Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 53.