Tài sản của các nhà đầu tư Nhật Bản tại nước ngoài sẽ không bị ảnh hưởng nếu BoJ đảo chiều chính sách

Hà Nội (TTXVN 18/3/2024) Theo Bloomberg News, nếu Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) “đảo chiều” chính sách tiền tệ siêu lỏng, nguồn tiền của các quỹ đầu tư Nhật Bản ở nước sẽ không bị ảnh hưởng.

 

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, kết quả cuộc khảo sát do MLIV Pulse tiến hành với các độc giả của Bloomberg News từ ngày 11-15/3, có khoảng 40% trong số 273 người được hỏi cho rằng đợt tăng lãi đầu tiên của BoJ, sau cuộc họp chính sách ngày 18-19/3, sẽ khiến các nhà đầu tư Nhật Bản bán tài sản ở nước ngoài và chuyển số tiền thu được về nước. Đó là tin tốt cho trái phiếu và cổ phiếu của Mỹ.

Tuy nhiên, việc tăng lãi suất chính sách của BoJ ở mức độ hạn chế (dự báo ở mức 0-1%) có thể khiến khoảng cách lợi suất giữa quốc gia châu Á này với các nền kinh tế lớn vẫn khá rộng, khiến các nhà đầu tư Nhật Bản khó có thể vượt qua. Điều đó làm dịu những lo lắng rằng sự thay đổi chính sách có tính lịch sử này có thể tác động sâu sắc trên toàn cầu do các nhà đầu tư Nhật Bản nắm giữ lượng chứng khoán nước ngoài khổng lồ, lên tới 4,43 nghìn tỷ USD.

Ông Hideo Shimomura, nhà quản lý danh mục cấp cao nhất tại Fivestar Asset Management, nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư cá nhân Nhật Bản chảy vào trái phiếu và cổ phiếu nước ngoài và tôi không nghĩ việc chấm dứt chính sách lãi suất dưới 0 của BoJ sẽ thay đổi xu hướng này”.

Trong một thập kỷ vừa qua, tiền của các nhà đầu tư Nhật Bản đã chuyển sang Mỹ và Quần đảo Cayman để kiếm lợi nhuận cao hơn nhờ chênh lệch lãi suất giữa các quốc gia.

Trong hai tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư Nhật Bản đã mua tổng cộng 3,5 nghìn tỷ yen (23,5 tỷ USD) trái phiếu nước ngoài, sau khi thu về 18,9 nghìn tỷ yen vào năm 2023, mức đầu tư ra nước ngoài cao nhất trong ba năm gần đây. Đặc biệt, hoạt động các nhà đầu tư cá nhân mua vào tài sản nước ngoài đã liên tục tăng.

Các thành viên hội đồng BoJ sẽ thảo luận về việc liệu có nên chấm dứt chính sách lãi suất siêu lỏng (lãi suất âm) kéo dài gần hai thập kỷ vừa qua tại cuộc họp đầu tuần này.

73% những người tham gia thăm dò của MLIV Pulse dự đoán đến cuối năm BoJ sẽ tăng lãi suất ngắn hạn từ 0,01% đến 0,5%, từ mức - 0,1% hiện nay. Nhưng ngay trong trường hợp khi lãi suất chính sách tăng lên 0,5% vào cuối năm 2024, thì lãi suất của Nhật Bản vẫn sẽ thấp hơn khoảng 400 điểm cơ bản so với lãi suất ở Mỹ. Đây chính là nguyên nhân khiến đồng yen liên tục trượt giá trong những năm gần đây.

Trong năm 2023, đồng yen đã mất giá khoảng 10% so với đồng USD, giảm nhiều nhất nhất trong số 16 loại tiền tệ chính được Bloomberg theo dõi, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương bên ngoài Nhật Bản thắt chặt chính sách một cách mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, BoJ lại chờ đợi các dấu hiệu cho thấy lạm phát ổn định ở mức 2% hoặc trên 2%, nhờ mức lương cao hơn.

Trong số những người được MLIV Pulse thăm dò ý kiến, có 69% cho biết tỷ giá đồng yen vào cuối năm nay sẽ ở mức từ 120-140 yen/USD. Trong phiên giao dịch 15/3, đồng tiền này được giao dịch là 149 yen/USD.

Sự tăng giá ở mức hạn chế của đồng yen sẽ là điều tích cực đối với chứng khoán Nhật Bản. Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 đã đạt được kỷ lục trong năm nay nhờ đồng yen yếu, chính sách tiền tệ phù hợp và nỗ lực cải thiện quản trị doanh nghiệp của thị trường chứng khoán Tokyo.

Những người tham gia khảo sát cũng tương đối lạc quan về chứng khoán Nhật Bản, với 45% trong số họ nói rằng giá trị cổ phiếu nội địa vẫn có cơ cấu rẻ.

"Thị trường sẽ có sự sụt giảm nhưng tôi không nghĩ điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ bước vào một xu hướng giảm,” ông Ayako Sera, chiến lược gia thị trường tại Ngân hàng Sumitomo Mitsui Trust, cho biết. “Nếu tỷ giá yen/USD tăng lên khoảng 120 yen/USD, giá cổ phiếu sẽ bị ảnh hưởng nhưng điều đó khó có thể xảy ra”./.

Nguyễn Tuyến (P/v TTXVN tại Tokyo)