Tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam-Luxembourg
Hà Nội (TTXVN 2/5/2023) Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 5/5/2023. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Luxembourg phát triển tốt đẹp.
* Mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Luxembourg
Nằm ở trung tâm Tây Âu, Luxembourg là đất nước năng động, bình yên với niềm tự hào là “trái tim xanh của châu Âu”. Trong những năm qua, Luxembourg luôn là một trong các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong EU và nợ công thấp nhất trên thế giới. Với các thế mạnh về thương mại, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, Luxembourg là trung tâm đầu tư lớn thứ hai trên thế giới và trung tâm ngân hàng tư nhân quan trọng nhất khu vực Eurozone. Thu nhập GDP đầu người đứng đầu thế giới.
Việt Nam và Luxembourg thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/11/1973. Nhiều người Việt Nam vẫn nhớ sự ủng hộ của nước bạn Luxembourg trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Thời đó, ở Luxembourg có “Ủy ban ủng hộ Việt Nam”. Ngày nay, Luxembourg mong muốn phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác ưu tiên về hợp tác phát triển tại châu Á. Luxembourg đã tích cực ủng hộ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU và phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư hai nước. Còn Việt Nam luôn ưu tiên tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với Luxembourg trong tổng thể quan hệ với Liên minh châu Âu (EU).
Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp, hai nước hợp tác, triển khai hiệu quả cơ chế Ủy ban Đối tác Việt Nam-Luxembourg và duy trì trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao. Tháng 11/2011, quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Luxembourg đã có những có bước tiến quan trọng với chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Đại Công tước Henri trên cương vị người đứng đầu Đại Công quốc Luxembourg.
Tháng 6/2012, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có chuyến thăm Đại Công quốc Luxembourg, chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam kể từ năm 1994 - đánh dấu tiến triển mới trong quan hệ hai nước.
Tháng 6/2018, Bộ trưởng Ngoại giao và châu Âu Luxembourg Jean Asselborn cũng có chuyến thăm chính thức Việt Nam, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương giữa hai nước.
Gần đây nhất là chuyến thăm chính thức Luxembourg của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tháng 12/2022. Chuyến thăm đã góp phần mở rộng, nâng cao hiệu quả và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác với Luxembourg, tạo không khí hữu nghị hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023)
Hai nước đã ký nhiều Hiệp định, chương trình hợp tác, bao gồm: Hiệp định Khung về hợp tác, Hiệp định tránh đánh thuế trùng, Chương trình hợp tác định hướng giai đoạn 2002-2005, Hiệp định hợp tác Văn hóa, Giáo dục, Nghiên cứu khoa học, Thông tin đại chúng, Thanh niên và Thể thao, Chương trình trao đổi Văn hóa Giáo dục, Nghiên cứu khoa học, Thông tin đại chúng, Thanh niên và Thể thao giai đoạn 2006-2010 (gia hạn đến 31/12/2012), Chương trình Hợp tác định hướng giai đoạn 2006-2010, Chương trình Hợp tác định hướng giai đoạn 2011-2015.
Bên cạnh hợp tác song phương, hai nước còn phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và khu vực, như: Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) và Cộng đồng Pháp ngữ...
* Quan hệ thương mại, đầu tư có nhiều bước tiến
Trong những năm qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Luxembourg đã có những bước tiến, đặc biệt, thương mại song phương giữa hai nước tăng nhanh kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực. Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, song kim ngạch thương mại song phương năm 2021 vẫn đạt trên 181 triệu USD, tăng 64% so với năm 2020. Năm 2022 kim ngạch thương mại song phương đạt trên 187 triệu USD và 3 tháng đầu năm 2023 đạt 42,5 triệu USD. Nhân chuyến thăm chính thức Luxembourg của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tháng 12/2022, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy, tăng cường và phát triển quan hệ thương mại và đối thoại doanh nghiệp giữa Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (Bộ Công Thương) và Phòng Thương mại Luxembourg.
Về đầu tư, tính đến 20/4/2023, Luxembourg có 61 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn là 2,62 tỷ USD, đứng thứ 17/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư của Luxembourg vào Việt Nam tập trung vào một số lĩnh vực như: truyền thông, xây dựng, bất động sản tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu...
Về hợp tác phát triển, Luxembourg chính thức viện trợ cho Việt Nam từ năm 1993. Trước năm 2002, mỗi năm Luxembourg viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoảng 5-6 triệu Euro/năm. Sau đó, Việt Nam và Luxembourg đã ký 3 Chương trình hợp tác định hướng: giai đoạn 2002-2005 (35 triệu Euro); giai đoạn 2006-2010 (50 triệu Euro); giai đoạn 2011-2015 (42 triệu Euro). Từ năm 2015 đến nay đạt 29,211 triệu Euro. Lĩnh vực tài trợ của Luxembourg thay đổi phù hợp với nhu cầu, mục tiêu phát triển của Việt Nam theo giai đoạn như phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, phát triển y tế và đào tạo nghề, hỗ trợ trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và giáo dục. Các chương trình dự án sử dụng nguồn viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Luxembourg đã phát huy hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
* Đưa hợp tác trong tài chính xanh thành trụ cột hợp tác giữa hai nước
Cùng với hợp tác về kinh tế, hai bên hiện đang trao đổi, thúc đẩy khả năng hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong chuyến thăm chính thức Luxembourg của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tháng 12/2022, hai bên nhất trí sớm thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược về tài chính xanh, nhằm tận dụng thế mạnh của Luxembourg về nguồn vốn đầu tư, nhất là tài chính xanh, để hỗ trợ Việt Nam triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc thực hiện các cam kết đã đưa ra tại COP 26. Hai bên cũng nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực an ninh quốc phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, chuyển đổi số, văn hóa, du lịch, giáo dục-đào tạo, giao thông vận tải.
Riêng về hợp tác kinh tế, hai Thủ tướng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), đẩy mạnh kết nối về logistics, thiết lập hệ thống kho ngoại quan tại mỗi nước nhằm thúc đẩy thương mại, làm cửa ngõ vào thị trường EU và ASEAN; đồng thời thúc đẩy ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Luxembourg tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường Luxembourg và EU, nhất là các sản phẩm nông, lâm và thủy sản có thế mạnh của Việt Nam; khuyến khích các doanh nghiệp Luxembourg đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, công nghệ dược phẩm...
Thủ tướng Luxembourg nhấn mạnh các tập đoàn, doanh nghiệp Luxembourg ngày càng quan tâm đến Việt Nam có ổn định chính trị và môi trường đầu tư-kinh doanh thuận lợi; sẵn sàng thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, ngân hàng, chứng khoán, tài chính khí hậu và đặc biệt là đưa hợp tác trong tài chính xanh, lĩnh vực thế mạnh của Luxembourg, thành trụ cột hợp tác giữa hai nước./.
Minh Duyên (tổng hợp)
- Từ khóa:
- Luxembourg
- Việt Nam-Luxembourg