Tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết chặt chẽ, hợp tác toàn diện giữa Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam
Nhân vật liên quan
Hà Nội (TTXVN 3/12/2023) Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 4 đến 7/12/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ dự Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ nhất tổ chức tại Lào. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục triển khai chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng trong thúc đẩy hợp tác với Lào và Campuchia trên kênh hợp tác nghị viện. Đồng thời, tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị, đoàn kết chặt chẽ, hợp tác toàn diện; thúc đẩy việc trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm lập pháp, giám sát và thực tiễn giữa ba Quốc hội CLV.
* Hợp tác láng giềng Campuchia-Lào-Việt Nam phát triển tốt đẹp
Quan hệ đặc biệt giữa ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam bắt nguồn từ cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, được vun đắp và phát triển qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng. Đó là tình đoàn kết thủy chung, là niềm tin về lòng chân thành, trong sáng mà ba dân tộc dành cho nhau, là sự giúp đỡ hết lòng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ba dân tộc.
Từ khi có sự ra đời và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Nhân dân Campuchia, mối quan hệ giữa ba nước ngày càng phát triển và được nâng lên về chất. Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Nhân dân Campuchia đã đoàn kết lãnh đạo nhân dân ba nước làm nên những thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển của ba nước ngày nay.
Thực tiễn đời sống quan hệ quốc tế cho thấy, các quốc gia đều dành sự quan tâm thỏa đáng trong việc xử lý mối quan hệ với các nước láng giềng có chung đường biên giới. Bởi đây là mối quan hệ tác động trực tiếp đến vấn đề bảo đảm ổn định an ninh, chính trị và sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, trong quá trình đổi mới tư duy đối ngoại theo hướng rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, đồng thời xác định rõ, đây là vấn đề chiến lược, tác động trực tiếp đến lợi ích quốc gia-dân tộc; tác động đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việc củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với Lào và Campuchia luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sánh đối ngoại của Việt Nam đối với các nước láng giềng. Trải qua hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong quan hệ với hai nước láng giềng truyền thống.
Đối với Lào, thành tựu lớn nhất chính là sự xuyên suốt và nhất quán trong nhận thức, quan điểm và chủ trương về việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Lào. Hai bên luôn trân trọng, gìn giữ và khắc ghi giai đoạn cách mạng mà hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã từng đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh bên nhau, cùng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Đây là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng mỗi nước, là tài sản chung vô giá của hai dân tộc. Trong hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, hai nước luôn xác định tập trung vào những lĩnh vực có thể phát huy được thế mạnh và điều kiện thuận lợi căn bản của mỗi bên, kết hợp thỏa đáng tập quán và thông lệ quốc tế với tính chất đặc biệt của mối quan hệ Việt Nam-Lào.
Đối với Campuchia, với phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trong những năm qua, mối quan hệ láng giềng, hữu nghị Việt Nam-Campuchia không ngừng được củng cố và phát triển. Nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng và quyết tâm củng cố quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia, thời gian qua hợp tác trên lĩnh vực chính trị tiếp tục được duy trì, giữ vai trò nòng cốt, định hướng quan hệ giữa hai nước. Hợp tác quốc phòng-an ninh và đối ngoại tiếp tục được thúc đẩy ngày càng chặt chẽ và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước.
Những thành tựu đạt được trong quan hệ với Lào và Campuchia đã góp phần tích cực vào quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với khu vực và thế giới. Và quan trọng hơn là góp phần tạo lập, giữ vững môi trường khu vực và quốc tế hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kể từ cuộc gặp cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tại Hà Nội (ngày 26/9/2021), mối quan hệ giữa ba đảng, ba nước tiếp tục được củng cố trên các lĩnh vực, vì lợi ích của nhân dân ba nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Ba đảng đều coi trọng vai trò của quan hệ song phương và đa phương.
Đặc biệt, trong năm 2022, ba nước đã tổ chức thành công “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam” và “Năm hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam” với nhiều hình thức phong phú, qua đó tạo sự lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, hiểu sâu sắc hơn về mối quan hệ Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia. Ba nước đang tiếp tục triển khai các cơ chế hợp tác ba bên của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành và đoàn thể, góp phần không ngừng thúc đẩy quan hệ hợp tác ba nước.
Gần đây, ngày 6/9/2023, tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Samdech Techo Hun Sen và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tiếp tục có Cuộc gặp cấp cao Việt Nam-Campuchia-Lào. Tại đây, ba bên nhất trí, trong bối cảnh tình hình hiện nay, ba Đảng, ba nước cần tăng cường đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau, phát huy hiệu quả các cơ chế hiện có, nghiên cứu thiết lập một số cơ chế hợp tác mới nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa ba Đảng, ba nước vì lợi ích của nhân dân của ba nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới…
* Dấu mốc lịch sử trong hợp tác nghị viện ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam
Trong tổng thể quan hệ rất tốt đẹp trên các kênh Đảng và Nhà nước, quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Lào và Quốc hội Campuchia cũng luôn được chú trọng, góp phần quan trọng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa ba nước.
Thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng trong quan hệ với hai nước bạn, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, các cơ chế hợp tác cấp Ủy ban ba bên giữa ba Quốc hội đã được hình thành và tổ chức định kỳ 2 năm/lần theo hình thức luân phiên gồm: Hội nghị giữa ba Ủy ban Đối ngoại nhằm giám sát, thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác vì sự phát triển chung Khu vực Tam giác phát triển; Hội nghị giữa ba Ủy ban Quốc phòng-An ninh nhằm giám sát, thúc đẩy, bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, an toàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực Tam giác phát triển; Hội nghị giữa ba Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.
Đặc biệt, một dấu mốc lịch sử trong hợp tác nghị viện giữa ba nước là sự kiện Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin và Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane ký Tuyên bố chung thống nhất nâng cấp cơ chế Hội nghị hiện nay giữa các Ủy ban của Quốc hội ba nước thành “Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam”. Tuyên bố được ký trong khuôn khổ của Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43), ngày 20/11/2022, tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia).
Việc thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV Parliamentary Summit) ghi dấu một tầm cao mới nữa của hợp tác nghị viện ba nước trong việc: Tăng cường và củng cố quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết chặt chẽ và hợp tác toàn diện, trọng tâm là phát triển kinh tế-xã hội, hợp tác quốc phòng-an ninh, giao lưu nhân dân vì sự phát triển bền vững của ba nước và của khu vực; Thúc đẩy và giám sát việc thực hiện các thoả thuận, chương trình hành động và các dự án hợp tác mà Chính phủ ba nước đã thống nhất cũng như các thoả thuận đa phương mà ba nước là thành viên; Thúc đẩy việc trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong thực thi các chức năng và nhiệm vụ của Quốc hội CLV; Phân bổ ngân sách và trao đổi các cách thức huy động vốn từ các đối tác trong và ngoài khu vực CLV để thực hiện các chương trình và dự án trong Khu vực Tam giác Phát triển và các lĩnh vực hợp tác khác.
Việc hình thành cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước nhằm thực hiện các cam kết chung và liên tục của ba Quốc hội CLV trong việc tăng cường hơn nữa “quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng tốt đẹp và hợp tác toàn diện, lâu dài” của ba nước, đồng thời thể hiện sâu sắc tinh thần đồng hành của Quốc hội với Chính phủ để cùng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Tuyên bố chung được Chủ tịch Quốc hội ba nước ký kết ngày 21/11/2022, Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước sẽ được tiến hành 2 năm/lần do Chủ tịch Quốc hội ba nước chủ trì trên cơ sở luân phiên theo thứ tự bảng chữ cái, với Hội nghị đầu tiên được Quốc hội Lào chủ trì tổ chức tại Thủ đô Vientiane vào đầu tháng 12/2023 này.
Triển khai thực hiện Tuyên bố chung đã ký kết, Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ nhất diễn ra vào đầu tháng 12/2023, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, nhất là các xung đột vũ trang xảy ra trong thời gian qua, các nước tập trung cao cho phục hồi kinh tế và đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, đa dạng hóa quan hệ. Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn phục hồi chậm, các nền kinh tế lớn gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với một số thách thức mới. Châu Á-Thái Bình Dương và cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị của thế giới với tốc độ phát triển năng động, vừa thu hút sự quan tâm ngày càng nhiều vừa là trọng điểm cạnh tranh của các nước lớn, các nhà đầu tư. ASEAN đẩy mạnh phục hồi kinh tế-xã hội, xây dựng Cộng đồng ASEAN, song đứng trước nhiều thách thức trong việc duy trì đoàn kết và vai trò trung tâm ở khu vực.
Trước thềm hội nghị, ngày 8/11/2023, trong cuộc họp trực tuyến với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lào và Quốc hội Campuchia về công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ nhất, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước CLV lần thứ nhất có chủ đề “Tăng cường vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Campuchia, Lào, Việt Nam”, nhằm tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết chặt chẽ và hợp tác toàn diện, vì sự phát triển bền vững giữa ba nước láng giềng Campuchia-Lào-Việt Nam.
Dự kiến, Hội nghị sẽ có các phiên họp như: Phiên họp Ủy ban Đối ngoại tập trung vào chủ đề “Tăng cường vai trò của Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác, đối tác, đoàn kết và thịnh vượng”; Phiên họp về hợp tác kinh tế và văn hóa-xã hội nhằm tập trung tăng cường hợp tác nghị viện trong việc thúc đẩy kết nối các nền kinh tế Campuchia-Lào-Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm; Phiên họp về các vấn đề quốc phòng và an ninh tập trung vào việc tăng cường vai trò giám sát của nghị viện ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam đối với công tác quốc phòng, an ninh nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định; Phiên họp của Ủy ban soạn thảo./.
Trọng Đức (tổng hợp)