Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng (4/2023)
Nhân vật liên quan
Hà Nội (TTXVN 25/04/2023) Mùa xuân năm 1975, với sự động viên sức người, sức của to lớn của cả nước, quân dân ta trên khắp chiến trường miền Nam mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giành toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 48 năm sau, tiếp nối truyền thống cách mạng với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, với ý chí và nghị lực phi thường, Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phấn đấu không ngừng để xây dựng và phát triển quê hương ngày càng văn minh hiện đại, xứng danh thành phố mang tên Bác.
* Tiên phong, năng động đổi mới để phát triển
Đối với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4/1975, ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất là một sự kiện trọng đại, dấu ấn không thể mờ phai. Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất, kết thúc quá trình 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên mới trên đất nước ta - kỷ nguyên độc lập, tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong chiến thắng huy hoàng đó, Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đã đóng góp công sức rất xứng đáng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Thành phố Hồ Chí Minh có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng vẻ vang. Những cống hiến của thành phố cho đất nước, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc là rất to lớn”.
Ngày 2/7/1976, sau khi non sông thu về một mối, thể theo nguyện vọng toàn dân từ Bắc chí Nam, Quốc hội đã thống nhất lấy tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho thành phố Sài Gòn-Gia Định. Những năm đầu sau giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh đã phải trải qua một giai đoạn đầy khó khăn và phức tạp khi vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế vừa phải giữ vững ổn định chính trị.
Những vị lãnh đạo cao nhất thuộc “đời đầu” của Thành phố Hồ Chí Minh vốn đã được trui rèn trong bao thử thách khốc liệt, được nhân dân đùm bọc đã thẩm thấu lời dạy của Bác Hồ: “độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì…” , “Dân dĩ thực vi Thiên”, “Dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi”, đã mạnh dạn tìm mọi giải pháp để lo cho dân, lo cho sản xuất, kinh doanh, vực Thành phố ra khỏi cơn khủng hoảng. Tiến hành khảo sát thực tế các cơ sở sản xuất kinh doanh, hiệu triệu giai cấp công nhân, nhân dân lao động, viên chức nhà nước phải “tự cứu lấy mình” với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhằm thoát ra khỏi sự trói buộc của cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, duy ý chí, tìm ra những biện pháp xác đáng giải quyết những vấn đề trọng yếu và bức xúc của Thành phố. Một phong trào hành động cách mạng của quần chúng được khơi dậy và ngày càng dâng cao, có người ví như phong trào Đồng Khởi thời kháng chiến.
Sau nhiều nỗ lực, những giải pháp, sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn sau giải phóng đã phát huy tác dụng tích cực trong sản xuất, động viên nhân dân hăng say lao động, góp phần từng bước tháo gỡ những khó khăn. Thành phố đã đi đầu "xé rào","bung ra", góp phần làm thay đổi đường lối phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cơ chế kinh tế mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa phương đi đầu sáng tạo với nhiều mô hình mang tính tiên phong của cả nước, khẳng định tính hiệu quả trên cả lĩnh vực kinh tế và văn hóa-xã hội.
Vào năm 1991, từ đề xuất của Thành phố, Hội đồng Bộ trưởng đã thí điểm cấp giấy phép đầu tư cho Công ty liên danh xây dựng và kinh doanh khu chế xuất Tân Thuận, từ đó, ra đời Khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của cả nước. Đến năm 1992, Khu chế xuất Linh Trung tiếp tục ra đời. Năm 1993, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương thành lập Trung tâm chứng khoán Thành phố, xây dựng thị trường vốn; và đến năm 2000, Chính phủ cho phép thành lập Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh - sở giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam. Cũng trong năm 2000, Khu công viên phần mềm Quang Trung hình thành từ việc chuyển đổi mô hình hội chợ triển lãm thành Công viên phần mềm trên cơ sở nghiên cứu, học hỏi Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và một số nước tiên tiến khác. Đây là nơi tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp phần mềm Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là khu công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của cả nước.
Những năm đầu thế kỷ XXI, từ thực tiễn đổi mới, vận dụng đường lối của Đảng, Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng cùng Trung ương chuyển dần cơ chế chính sách quản lý kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đã có nhiều chính sách được cho phép thí điểm, mang tính đặc thù, cụ thể là Nghị quyết số 20-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2000 về phương hướng, nhiệm vụ, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị định số 93/NĐ/2001/NĐ-CP của Chính phủ năm 2001 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.
* Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay
Trên hành trình 48 năm xây dựng và phát triển, Thành phố luôn nỗ lực giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước. Báo cáo chính trị của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng thể hiện giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố tăng bình quân 6,41%. Thành phố đóng góp 22,2% kinh tế của cả nước, thu ngân sách Thành phố luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước. Thành phố là địa phương có năng suất lao động cao nhất, bằng 2,6 lần cả nước. Thành phố còn là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất cả nước, chiếm 15% công nghiệp và 33% dịch vụ cả nước.
Từ một thành phố còn nhiều khu nhà lụp xụp, kênh rạch phần lớn ô nhiễm, đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho trên 36.000 hộ dân, tạo lại màu xanh trên các dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm, Tàu Hũ-Bến Nghé... Trước đây, khi nói đến Sài Gòn là nói đến quận 1, quận 5, sau này là khu đô thị Phú Mỹ Hưng, còn nay người ta nói về Thủ Thiêm. Từ vùng đất bưng biền đa phần là lau sậy, sình lầy, đò giang cách trở với khu trung tâm thì nay lại đã trở thành đô thị hiện đại bậc nhất Thành phố Hồ Chí Minh với Khu đô thị Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao, làng đại học. Cầu Sài Gòn, Cầu Phú Mỹ, hầm Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm… những công trình đã giúp đánh thức vùng đất gắn với nhiều chiến tích oai hùng thời kháng chiến vươn mình, không chỉ là điểm đến của các nhà đầu tư trong nước mà dòng vốn ngoại cũng đang dồn dập đổ về.
Trong thời gian tới, khi đường Vành đai 2 hoàn thành là có thể kết nối khu Nam, khu Đông, khu Tây thành một vành đai khép kín. Khi ấy, từ đại lộ Đông Tây qua hầm vượt sông Sài Gòn, băng ngang đường vành đai, ra đường cao tốc, kết nối toàn bộ phía Nam và Đông thành phố với nhau.
Đang trên đà phát triển thì đại dịch COVID-19 lần thứ 4 ập đến đã đánh một đòn mạnh đến mức gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, sốc tiêu cực xảy ra ở cả tổng cung lẫn tổng cầu của Thành phố Hồ Chí Minh. Tổn thất thấy rõ ở mỗi cá nhân, hộ gia đình.
Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng bằng nội lực, quyết tâm và sự chung tay của cả nước, Thành phố mang tên Bác đã nhanh chóng vượt qua cơn bão vô hình ấy, từng bước đứng dậy. Các tuyến cao tốc, tuyến đường vành đai, những cây cầu kết nối với tỉnh bạn, với vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng đang được gấp rút triển khai xây dựng...
Hình hài Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay đã có trung tâm đô thị hiện hữu cùng với Thành phố Thủ Đức và các khu đô thị Bắc, Tây, Nam gắn với chuỗi đô thị của vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam…; Thành phố cũng sắp có tuyến Metro, có hệ thống giao thông (đường hầm, đường bộ, đường sông…) kết nối các khu đô thị, kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm.
Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước. Các lĩnh vực văn hóa xã hội có tiến bộ, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao. Các hoạt động đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.
Với tinh thần trách nhiệm “cùng cả nước, vì cả nước”, với kinh nghiệm và bản lĩnh được tôi luyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ luôn đoàn kết, sáng tạo, để vượt qua thử thách, thực hiện được khát vọng bay cao, bay xa, cùng với đất nước, cùng với dân tộc, xứng danh là Thành phố “rực rỡ tên vàng”./.
Diệp Ninh (tổng hợp)