Thành tựu và thách thức của WTO sau 25 năm hoạt động
Hà Nội (TTXVN 1/1/2020) Cách đây 25 năm, ngày 1/1/1995, WTO (Tổ chức Thương mại thế giới) chính thức đi vào hoạt động. Bên cạnh những thành tựu rõ rệt như mang lại một sân chơi thương mại công bằng cho các nước thành viên, tổ chức này sau 25 năm hoạt động cũng đang đối mặt với những thách thức lớn về yêu cầu cải cách để giải quyết những vấn đề khủng hoảng hiện nay.
Thành tựu sau 25 năm hoạt động
Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, trào lưu hình thành một loạt các cơ chế đa biên điều tiết các hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế đã diễn ra sôi nổi, điển hình như Ngân hàng quốc tế tái thiết và phát triển, thường được biết đến như là Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày nay. Trong bối cảnh đó, Hiệp định chung về Thuế quan Thương mại (GATT) cũng đã ra đời vào tháng 1/1948.
Từ đó đến năm 1995, GATT đã tiến hành 8 vòng đàm phán chủ yếu về thuế quan. Tuy nhiên, từ thập niên 70 của thế kỉ XX và đặc biệt là sau vòng đàm phán Urugoay (1986-1994), do thương mại quốc tế không ngừng phát triển nên GATT cũng đứng trước yêu cầu cần phải mở rộng phạm vi hoạt động. Bởi GATT vốn chỉ là một sự thỏa thuận có nội dung hạn chế và chỉ tập trung ở thương mại hàng hóa nên khi phạm vi của hệ thống thương mại đa biên được mở rộng, GATT đã không còn thích hợp. Do đó, ngày 15/4/1994, tại Marrakesh (Maroc), các nước đã ra Tuyên bố Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm kế tục và phát triển sự nghiệp của GATT.
WTO chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/1995 và có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ.
Cơ quan quyền lực cao nhất của WTO là Hội nghị Bộ trưởng, họp ít nhất 2 năm một lần. Dưới Hội nghị Bộ trưởng là Đại hội đồng-thường họp nhiều lần trong một năm tại trụ sở chính của WTO ở Geneva. Nhiệm vụ chính của Đại hội đồng là giải quyết tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên và rà soát các chính sách của WTO. Dưới Đại hội đồng là Hội đồng Thương mại hàng hóa, Hội đồng thương mại dịch vụ và Hội đồng giám sát về các vấn đề liên quan đến quyền Sở hữu trí tuệ (TRIPS)…
Với sứ mệnh là tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại tự do và công bằng, kể từ khi ra đời đến nay, WTO đã thiết lập các tiêu chuẩn và quy tắc chi phối các hiệp định thương mại quốc tế và được coi là trung gian hòa giải các tranh chấp thương mại, đưa các nước ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết mâu thuẫn, thu hẹp bất đồng. Qua đó, thúc đẩy các chuẩn mực dựa trên quy tắc vì lợi ích chung.
Hầu hết các quyết định của WTO đều được thông qua trên cơ sở đồng thuận. Trong một số trường hợp nhất định, khi không đạt được sự nhất trí chung, các thành viên có thể tiến hành bỏ phiếu. Khác với các tổ chức khác, mỗi thành viên WTO chỉ có quyền bỏ một phiếu và các phiếu bầu của các thành viên có giá trị ngang nhau.
Hiện, WTO có 164 thành viên, chiếm tỷ trọng 98% thương mại toàn cầu. WTO đóng vai trò quan trọng tạo nên một sân chơi thương mại công bằng cho các nước thành viên; bảo đảm thương mại quốc tế phát triển theo các quy tắc được quốc tế công nhận. Đối với hàng chục nền kinh tế gia nhập WTO, sau khi tổ chức này được thành lập, việc gia nhập liên quan đến các cải cách sâu rộng và các cam kết mở cửa thị trường đã thúc đẩy thu nhập quốc gia trong dài hạn.
Thách thức cần vượt qua
Không thể phủ nhận những thành công đặc biệt của WTO trong dòng chảy thương mại và pháp lý cuối thế kỷ XX với một hệ thống đồ sộ các hiệp định, thoả thuận, danh mục nhượng bộ thuế quan điều chỉnh các quyền và nghĩa vụ thương mại của 164 quốc gia thành viên. WTO đã có những đóng góp quan trọng nhằm thúc đẩy các chuẩn mực dựa trên quy tắc vì lợi ích công cộng.
Tuy nhiên, nếu như hàng thập kỷ qua, chính phủ các nước trên thế giới đã vận hành với suy nghĩ rằng toàn cầu hóa là một xu hướng không thể ngăn cản. Vì thế, cho dù giữa các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, hay Nga, Anh… tuy còn nhiều sự khác biệt nhưng họ vẫn duy trì chính sách hướng tới toàn cầu hóa, tạo điều kiện cho giao thương toàn cầu mở rộng và dòng tiền đầu tư chảy vào. Thế nhưng, sự đối đầu gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm qua đã khơi mào cho một cuộc bùng nổ chiến tranh thương mại toàn cầu, và đảo ngược xu thế trước đó của thương mại thế giới. Điều này đặt WTO đứng trước nhiều khó khăn và thách thức trong việc giữ vững vai trò để duy trì trật tự thương mại thế giới.
Bên cạnh đó, WTO còn đang đối mặt với thách thức rất lớn trên mặt trận đàm phán. Việc đạt được đồng thuận giữa các nước thành viên như Mỹ, Trung Quốc, Afghanistan, Ấn Độ… trong soạn thảo các hiệp định thương mại dường như là không thể. Đặc biệt, kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO từ ngày 11/12/2001, những căng thẳng giữa các thành viên WTO càng rõ hơn. Trung Quốc với hơn 1 tỷ người tiêu dùng tham gia vào thị trường thế giới đã tạo ra một cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp quốc tế, nhưng cũng là một cú sốc đối với người lao động Mỹ và nhiều nước khác khi phải cạnh tranh với một lực lượng lao động hùng hậu giá rẻ.
Những nước phản đối cho rằng, các quy định của WTO được soạn thảo từ trước khi Trung Quốc gia nhập, nhưng sau đó các quy định này đã thất bại trong việc ngăn Bắc Kinh huy động các doanh nghiệp tư nhân dưới sự hỗ trợ của nhà nước chi phối nền công nghiệp thế giới. Chính quyền của Tổng thống Trump chỉ trích rằng, hiện nay các quy định của WTO đang cho phép Trung Quốc hưởng trạng thái đặc biệt như một quốc gia đang phát triển, mặc dù nước này hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mỹ cũng lên án WTO không nỗ lực ngăn cản Trung Quốc trợ giá sản phẩm, thay vào đó lại phản đối các biện pháp của Washington nhằm ngăn hàng hóa giá rẻ tràn vào nước này…
Trên thực tế, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất phàn nàn về tiến độ giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế chậm chạp của WTO. Một thực trạng hiện nay là nhóm các quốc gia hùng mạnh như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Canada và Australia đang dần biến các cuộc đàm phán của WTO nhằm phục vụ những lợi ích cốt lõi của riêng họ.
Có thể nói, WTO đang phải chứng kiến sự chia rẽ về mặt quan điểm giữa các thành viên, mà nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu không tiến hành cải tổ mạnh mẽ, WTO có thể được đặt tên là "Tổ chức thương mại nhiều bên trên thế giới”, phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ các nước phát triển và đang phát triển. Trước những bất cập đó, cải cách là con đường duy nhất để giải quyết những vấn đề khủng hoảng trong WTO.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, khi vai trò lãnh đạo của WTO bị lu mờ thì cả hệ thống thương mại toàn cầu cũng trong tình trạng nguy hiểm. Việc cải cách để nâng cao hiệu quả hoạt động của WTO chắc chắn không phải là vấn đề đơn giản bởi sẽ ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của các bên liên quan nhưng đây là nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện./.
Trọng Đức (tổng hợp)
- Từ khóa:
- WTO