Thể chế nhà nước và chế độ chính trị của Luxembourg
Luxembourg là một nước quân chủ lập hiến. Đứng đầu quốc gia là Đại Công tước cha truyền con nối. Đại Công tước không tham gia nhiều vào đời sống chính trị của đất nước, nhưng chia sẻ quyền lập pháp với Nghị viện qua quyền đề xuất luật và công bố luật mà Nghị viện đã thông qua, quyền triệu tập các phiên họp đặc biệt của Nghị viện. Đại Công tước cũng chia sẻ quyền hành pháp với Chính phủ, đặc biệt qua việc thi hành luật, qua chức năng là tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang, đại diện cho quốc gia và ký kết các hiệp ước quốc tế. Đại Công tước có quyền giải tán Nghị viện.
Quốc hội Luxembourg chỉ có một Viện, gồm 60 đại biểu, có nhiệm kỳ 5 năm, được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Cuộc bầu cử Quốc hội gần nhất diễn ra vào ngày 14/10/2018. Một số đảng chính trị lớn trong Quốc hội gồm:
+ Đảng Dân chủ (DP, thành lập năm 1955), đảng cánh hữu theo đường lối tự do, là Đảng của Thủ tướng đương nhiệm Xavier Bettel.
+ Đảng Công nhân Xã hội Luxembourg (LSAP, thành lập năm 1945), theo đường lối xã hội dân chủ.
+ Đảng Xanh (déi gréng, thành lập năm 1983) vì môi trường. Sau bầu cử Quốc hội năm 2013, Đảng Xanh đã liên minh cùng các đảng DP và LSAP và Liên minh 3 đảng DP-LSAP-Đảng Xanh đã giành đa số tại bầu cử Quốc hội năm 2018.
+ Đảng Xã hội Thiên chúa giáo (CSV, thành lập năm 1944), đảng cánh hữu ôn hoà và là đảng của cựu Thủ tướng Jean-Claude Junker.
Chính phủ nắm quyền hành pháp và có quyền dự thảo luật. Chính phủ đương nhiệm được thành lập sau cuộc bầu cử ngày 14/10/2018, là chính phủ liên minh giữa đảng Dân chủ DP, LSAP và đảng Xanh. Các thành viên Chính phủ gồm Thủ tướng, 02 Phó Thủ tướng, 14 Bộ trưởng.
Nguồn: Bộ Ngoại giao