Thi đua yêu nước - động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển của đất nước
Trong suốt 75 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, các phong trào thi đua liên tục phát triển sâu rộng ở các cấp, các ngành, các vùng miền, địa phương trên cả nước, với nhiều đổi mới về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức; qua đó góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Trong nhiều năm qua, bên cạnh những phong trào thi đua trọng tâm do Trung ương phát động, như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” và “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, các bộ, ngành, địa phương cũng đã phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề, thi đua cao điểm, thi đua đặc biệt để giải quyết những khó khăn, cấp bách của từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Nội dung các phong trào thi đua luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của cả nước và của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đặc biệt luôn gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... Thông qua các phong trào thi đua, nhiều vấn đề đã được giải quyết, nhiều công trình, mô hình được xây dựng, đời sống nhân dân được nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội.
- Trong phát triển kinh tế
Các phong trào thi đua như “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Công nhân lao động giỏi, lao động sáng tạo”… đã phát triển sâu rộng, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý. Đáng chú ý, liên tiếp trong 4 năm, từ năm 2016-2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Năm 2022, GDP tăng 8,02% và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 4.000 USD/ năm.
Các lĩnh vực kinh tế đều đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ vững vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội cả nước. Cung cầu, giá cả hàng hóa giữ được ổn định, kể cả trong giai đoạn cả nước gặp khó khăn do COVID-19. Lĩnh vực nông nghiệp chuyển biến tích cực, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thành công ở nhiều nơi. Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu được đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho cả thành thị và nông thôn, miền núi.
- Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội
Các phong trào thi đua đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phong trào “Dạy tốt, học tốt” tiếp tục được triển khai sâu rộng, chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. Các phong trào thi đua cũng đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, kiểm soát dịch bệnh, ứng dụng nhiều thành tựu y học tiên tiến của thế giới trong điều trị bệnh, đặc biệt là đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực ghép tạng. Năm 2020, Việt Nam đã phẫu thuật thành công ca ghép chi thể đầu tiên trên thế từ người cho sống; thực hiện thành công ca tách hai bé dính bụng chậu hiếm gặp trên thế giới.
Bên cạnh đó, an sinh xã hội được bảo đảm, thực hiện hiệu quả các chương trình nhân văn, ý nghĩa, như: “Đền ơn, đáp nghĩa”; “Xóa đói, giảm nghèo”, “Mái ấm tình thương”, “Vì Trường Sa thân yêu” ... Qua đó đã phát huy mạnh mẽ truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc... Đặc biệt, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã đóng góp tích cực trong nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam, đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống còn 4,3% năm 2022 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025).
- Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh
Trong nhiều năm qua, các phong trào như “Thi đua Quyết thắng” trong lực lượng Quân đội nhân dân, phong trào“Vì an ninh Tổ quốc”, “Học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” trong lực lượng Công an nhân dân tiếp tục được duy trì và thực hiện có hiệu quả. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Các cơ quan tư pháp, nội chính cũng đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và bảo vệ pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tham mưu nâng cao chất lượng công tác lập pháp, giám sát; vận động nhân dân “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
- Trong lĩnh vực đối ngoại
Các cấp, các ngành đã hướng thi đua vào việc tập trung thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; góp phần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đồng thời vận động sự tham gia đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào sự phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ đất nước.
Với những chính sách đối ngoại đúng đắn và sự đóng góp của các phong trào thi đua yêu nước, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác đối ngoại. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 191/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với trên 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO... Việt Nam cũng tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN…
- Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp và củng cố hệ thống chính trị
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo bước chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, đảng viên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp cùng các địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai và tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua có hiệu quả, góp phần khơi dậy sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” được nhiều bộ, ban, ngành, địa phương tích cực hưởng ứng, bước đầu tạo nên những chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động, hướng tới xây dựng một nền hành chính văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.
Thông qua thực tiễn các phong trào thi đua, đã xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích, làm lợi cho Nhà nước và xã hội hàng nghìn tỷ đồng; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, tác động lan tỏa trong cả nước.
Có thể thấy rằng, 75 năm qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Và trong những thành tựu to lớn đã đạt được đó có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước./.
Minh Duyên (tổng hợp)