Thông cáo chung Việt Nam - Mông Cổ (5/2004)
Hà Nội (TTXVN 26/5/2004) Nhận lời mời của Thủ tướng nước Mông Cổ Nam-ba-rưn En-khơ-bai-ắc, Đoàn đại biểu nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải dẫn đầu đã sang thăm hữu nghị chính thức Mông Cổ từ 24-26/5/2004.
Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến chào Tổng thống Nát-xa-ghi-in Ba-ga-ban-di, hội đàm chính thức với Thủ tướng N. En-khơ-bai-ắc về mối quan hệ và hợp tác giữa hai nước và một số vấn đề quốc tế. Hai Thủ tướng đã gặp gỡ đại biểu các cơ quan truyền thông, báo chí, tham dự khai mạc cuộc gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp hai bên, thăm xí nghiệp len lông mịn "Go-bi", Trường phổ thông trung học số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nông nghiệp Mông Cổ.
Hai bên bày tỏ hài lòng trước sự phát triển có hiệu quả của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Mông Cổ; bày tỏ mong muốn củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước lên một tầm cao mới trong thế kỷ XXI theo tinh thần của Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ký năm 2000.
Hai bên ghi nhận chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2002 của Thủ tướng nước Mông Cổ có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố cơ sở pháp lý trong việc phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Hai bên bày tỏ tin tưởng chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường phát triển sự hợp tác giữa Việt Nam và Mông Cổ trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật v.v...; nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm này diễn ra trong năm kỷ niệm lần thứ 50 ngày lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mông Cổ.
Thủ tướng hai nước nhất trí cho rằng việc duy trì các chuyến thăm và đối thoại cấp cao, thường xuyên trao đổi các đoàn ở các cấp giữa Việt Nam và Mông Cổ giữ vai trò quan trọng trong việc mở rộng và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Hai Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học kỹ thuật trong việc phát triển hợp tác kinh tế-thương mại và các lĩnh vực khác giữa Việt Nam và Mông Cổ; nhất trí cho rằng điều quan trọng là thực hiện thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đạt được tại các phiên họp của Ủy ban.
Xuất phát từ chủ trương tăng cường hợp tác thương mại, kinh tế giữa hai nước, hai bên đã thỏa thuận mở rộng hợp tác trong một số lĩnh vực cụ thể như tẩy lông và thuộc da, chế biến thuốc dân tộc truyền thống, thuốc thú y, trồng và bảo quản rau quả. Ngoài ra, Thủ tướng hai nước thỏa thuận sẽ phối hợp tìm kiếm khả năng hợp tác cụ thể trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng như xây dựng các trạm thủy điện nhỏ, cung cấp thiết bị, phụ tùng cho các trạm thủy điện đó.
Phía Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ Mông Cổ trong việc nghiên cứu kinh nghiệm của Việt Nam về thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm mở rộng và phát triển hợp tác trong ngành thực phẩm, nông nghiệp, cung cấp năng lượng với giá rẻ cho dân cư nông thôn, nghiên cứu kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình thành kinh tế trang trại để giảm nghèo. Hai bên cho rằng, cần mở rộng hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường đại học, cao đẳng; phát triển hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, tăng số học sinh Việt Nam và Mông Cổ lưu học tại mỗi nước; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Hiệp định hợp tác văn hóa ký năm 2001 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mông Cổ.
Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Mông Cổ về hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Mông Cổ về hợp tác trong lĩnh vực đường sắt.
Trường Đại học Nông nghiệp Mông Cổ đã phong tặng Thủ tướng Phan Văn Khải danh hiệu "tiến sĩ danh dự" của trường.
Phía Mông Cổ vui mừng tiếp nhận món quà biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống Việt Nam-Mông Cổ, gồm 300 bộ máy vi tính do Thủ tướng Phan Văn Khải thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam trao tặng.
Phía Việt Nam nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu mà nhân dân Mông Cổ đã giành được trong công cuộc cải tổ, đổi mới, đồng thời bày tỏ tin tưởng nhân dân Mông Cổ sẽ tiếp tục giành được những thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng đất nước Mông Cổ phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
Phía Mông Cổ chúc mừng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân; chúc Việt Nam thực hiện thắng lợi mục tiêu biến Việt Nam thành một nước công nghiệp hiện đại, "dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh".
Hai bên đã trao đổi ý kiến về một số vấn đề quốc tế và khu vực, nhất trí cho rằng, mặc dù tình hình thế giới còn căng thẳng, nhưng xu thế củng cố hòa bình, an ninh quốc tế, giải quyết bằng thương lượng các vấn đề đang đặt ra trước cộng đồng quốc tế và phát triển hợp tác giữa các dân tộc vẫn đang chiếm ưu thế. Hai bên tỏ ý hài lòng về xu thế hòa bình, ổn định ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng như nhịp độ tăng trưởng cao của các nền kinh tế ở khu vực này và cam kết làm hết sức mình để góp phần tăng cường tin cậy, hiểu biết và hợp tác lẫn nhau giữa các nước trong khu vực. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác giữa Việt Nam-Mông Cổ trên diễn đàn ARF cũng như trên các diễn đàn khu vực và quốc tế khác.
Phía Việt Nam bày tỏ sự cảm thông và ủng hộ nguyện vọng của Mông Cổ được gia nhập APEC, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN với Mông Cổ, đồng thời ủng hộ Mông Cổ tham gia đối thoại hợp tác Châu Á và các hoạt động của ASEM. Phía Mông Cổ bày tỏ ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới vào năm 2005.
Về tình hình hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên, hai bên bày tỏ ủng hộ quá trình hòa giải, hòa hợp dân tộc giữa hai miền Nam, Bắc Triều Tiên; ủng hộ việc biến Bán đảo Triều Tiên thành khu vực không có vũ khí hạt nhân và việc giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh ở Bán đảo Triều Tiên thông qua thương lượng hòa bình.
Hai bên ghi nhận tầm quan trọng của việc đẩy nhanh quá trình cải tổ Liên hợp quốc nhằm nâng cao vai trò của tổ chức này trong tình hình quốc tế mới, khẳng định tiếp tục hợp tác, trao đổi ý kiến trong khuôn khổ LHQ, Phong trào không liên kết và các tổ chức quốc tế khác; bày tỏ ủng hộ lẫn nhau trong các cuộc bầu cử Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an LHQ vào các năm 2007 và 2008.
Thủ tướng Phan Văn Khải chân thành cảm ơn Thủ tướng N. En-khơ-bai-ắc, Chính phủ và nhân dân Mông Cổ đã dành cho Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam sự đón tiếp thân tình và đã mời Thủ tướng Mông Cổ sang thăm chính thức Việt Nam vào thời gian thuận tiện. Thủ tướng N. En-khơ-bai-ắc đã vui vẻ nhận lời mời./.
- Từ khóa:
- Việt Nam-Mông Cổ