Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ

Hà Nội (TTXVN 4/7/2007) Theo đặc phái viên TTXVN, 8h30 sáng 4/7/2007 (10h30 giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay Côn-ca-ta (Kolkata), thành phố Côn-ca-ta thuộc bang Tây Ben-gan (Bengal), bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ theo lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Man-mô-han Xinh (Manmohan Singh) và Phu nhân. Đông đảo các quan chức chính quyền bang Tây Ben-gan đã ra tận chân cầu thang máy bay đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân.

Ngay sau lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp thân mật Thủ hiến bang Tây Ben-gan Bu-dát-đép Bơ-hát-cha-ri-a (Budhatdev Bhattcharya) và đoàn đại biểu Hội hữu nghị Ấn Độ-Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiếp Thủ hiến bang Tây Ben-gan Bơ-hát-cha-ri-a, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chuyển tới ngài Thủ hiến lời cảm ơn chân thành nhất trước sự đón tiếp trọng thị của nhân dân Ấn Độ nói chung và nhân dân bang Tây Ben-gan nói riêng trong chặng dừng chân đầu tiên tới Ấn Độ. Thủ tướng nhấn mạnh nhân dân và Chính phủ Việt Nam không bao giờ quên sự ủng hộ vô cùng quý báu của nhân dân Ấn Độ nói chung và nhân dân Tây Ben-gan nói riêng trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc. Hình ảnh hàng chục nghìn người dân Ấn Độ xuống đường hô vang các khẩu hiệu "tên anh là Việt Nam, tên tôi là Việt Nam, tên chúng ta là Việt Nam" luôn còn mãi trong tâm trí của người dân Việt Nam, là hiện thân của tình đoàn kết và hữu nghị truyền thống lâu đời được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Gia-oa-hác-lan Nê-ru (Jawaharlal Nehru) dày công vun đắp. 

Thủ hiến Tây Ben-gan nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm bang và đánh giá cao việc Thủ tướng chọn Tây Ben-gan là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ. Ông nhấn mạnh, bang Tây Ben-gan có quan hệ rất mật thiết với Việt Nam, trong đó bản thân ông đã 3 lần đến thăm Việt Nam và tận mắt chứng kiến những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới. Là bang có nhiều tiềm năng hợp tác nông nghiệp với Việt Nam, ông đề nghị Việt Nam hợp tác với Tây Ben-gan trong lĩnh vực nuôi trồng hải sản và chế biến sữa. Ông cũng mời doanh nghiệp Việt Nam làm đối tác tổ chức hội chợ thương mại hàng năm do Phòng thương mại Tây Ben-gan tổ chức.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác và hoan nghênh các doanh nghiệp Ấn Độ đến Việt Nam kinh doanh trong các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh như công nghệ thông tin, sản xuất thép... 

Cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam do ông Gi-tét Sác-ma (Geetesh Sharma) làm chủ tịch, đã diễn ra trong bầu không khí thắm tình đoàn kết và hữu nghị. Hai bên cùng ôn lại những hình ảnh nhân dân Ấn Độ xuống đường ủng hộ nhân dân Việt Nam trong thời kỳ chiến đấu giành độc lập và thống nhất đất nước. Ông Sác-ma cho rằng bang Tây Ben-gan và Việt Nam có quan hệ sâu đậm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Tây Ben-gan năm 1958; Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hai lần đến thăm bang và được tặng bằng danh dự của Đại học Tây Ben-gan. Đây là thành phố duy nhất của Ấn Độ có tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Tây Ben-gan đã đặt tên con đường chứng kiến các cuộc tuần hành ủng hộ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh là Đại lộ Hồ Chí Minh. Đoàn đã tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một số cuốn sách về Việt Nam do ông Sác-ma và một số hội viên dịch sang tiếng Anh và tiếng Pa-li, trong đó có cuốn sách về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự xúc động sâu sắc trước tình cảm nồng ấm của các bạn Ấn Độ và khẳng định "Chính phủ và nhân dân Việt Nam mãi mãi nhớ ơn sự ủng hộ quý báu của nhân dân Ấn Độ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước; sẽ làm hết sức mình để đưa quan hệ truyền thống tốt đẹp vốn có giữa hai nước lên tầm cao mới, thiết thực và có hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực".

Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ tổ chức với sự tham gia của 400 doanh nghiệp, trong đó có 300 doanh nghiệp Ấn Độ.  

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức diễn đàn này. Sự có mặt của trên 300 doanh nghiệp Ấn Độ đã khẳng định sự quan tâm đầu tư cũng như tình cảm tốt đẹp giữa hai nước. Thủ tướng nêu bật một số thành tựu hợp tác giữa hai nước trong những năm qua, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Năm 1995, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 75 triệu USD và đến năm 2006 đã tăng lên trên 1 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng 20%/năm. Trên lĩnh vực đầu tư, tổng vốn đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam đạt gần 600 triệu USD và mới đây nhất 2 tập đoàn thép của Ấn Độ là Essar hat và Tata đã đưa Ấn Độ đứng thứ 10 trong danh sách gần 80 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam...Thủ tướng đã giới thiệu một số chính sách và những thành tựu trong thu hút đầu tư của Việt Nam, trong đó, năm 2006 Việt Nam đã thu hút được 10 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và 5 tháng đầu năm 2007 đạt con số kỷ lục 5,2 tỷ USD. Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp của Ấn Độ nói chung và bang Tây Ben-gan nói riêng tăng cường đầu tư tại Việt Nam nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho hai bên, đồng thời khẳng định Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện và mở rộng cửa đón các nhà đầu tư Ấn Độ, đặc biệt là các tập đoàn lớn của Ấn Độ đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam như công nghệ thông tin, điện lực, dầu khí, luyện kim, than đá, giao thông vận tải, nông nghiệp, thủy sản, chế biến thực phẩm, y tế và thuốc chữa bệnh.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm tập đoàn thép Tata , một tập đoàn có uy tín và tầm cỡ quốc tế. Phát biểu tại đây, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng tốt đẹp về mô hình của tập đoàn Tata, cho rằng mô hình này giúp bảo đảm sự phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với nâng cao phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường. Thủ tướng mong muốn được chứng kiến một mô hình tương tự như vậy tại Việt Nam khi Tập đoàn Tata triển khai dự án nhà máy thép liên hợp tại Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Chính phủ Việt Nam rất coi trọng dự án này, không chỉ do giá trị kinh tế xã hội lớn của dự án đối với Việt Nam mà còn vì sự đóng  góp tích cực của dự án này vào việc tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ.../.