Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thăm chính thức Việt Nam (30/4-1/5/2022): Đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản lên tầm cao mới

Hà Nội (TTXVN 30/4/2022) Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (Ki-si-đa Phư-mi-ô) thăm chính thức Việt Nam vào ngày 30/4 và 1/5/2022. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của ông Kishida Fumio trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản, diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Kết quả này là thành quả của những nỗ lực của hai nước trong suốt nhiều năm qua trên cơ sở sự tin cậy về chính trị và sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đón Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (5/2022). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

* Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển mạnh mẽ với sự tin cậy cao
Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia có nền văn hóa truyền thống với nhiều nét tương đồng như: cùng thuộc nền văn minh lúa nước, tín ngưỡng đa thần thờ phụng tổ tiên, đạo Phật được truyền bá rộng rãi... Người dân hai nước đều cần cù chịu khó, tự lực tự cường, luôn có nghị lực vươn lên và đã làm nên nhiều thành tựu lớn. Sự tương đồng về văn hóa và những liên hệ lịch sử là chất keo tự nhiên gắn kết hai dân tộc, là nền tảng vững bền cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước.
Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973, đến nay sau 49 năm, hai nước đã trở thành đối tác rất quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung. Khuôn khổ quan hệ liên tục được nâng cấp, từ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” (năm 2002) lên “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (năm 2006), “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (năm 2009) và “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” (năm 2014).
Trong suốt nhiều năm qua, sự tin cậy về chính trị giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản đã không ngừng được củng cố và tăng cường thông qua các cuộc tiếp xúc, giao lưu các cấp, đặc biệt là cấp cao diễn ra thường xuyên. Gần đây nhất là chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 6/2019; tháng 10/2019; tham dự lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito tháng 9/2020); Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản (tháng 11/2021); phía Nhật Bản có chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Suga Yoshihide (tháng 10/2020)... Các chuyến thăm cũng như các cuộc gặp gỡ thường xuyên của lãnh đạo hai nước bên lề các hội nghị quốc tế và khu vực đã góp phần củng cố quan hệ tin cậy giữa lãnh đạo hai nước, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển có hiệu quả trong quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Đặc biệt, mới đây trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 11/2021), Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định quan hệ hai nước phát triển vượt bậc những năm gần đây và đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử. Ông Kishida hy vọng phát triển hơn nữa quan hệ song phương với Việt Nam, đồng thời cho biết ông sẽ phối hợp với Thủ tướng Phạm Minh Chính để phát triển mối quan hệ này.
Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chúc mừng ông Kishida Fumio đắc cử chức Thủ tướng, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng điều này sẽ mang lại tương lai tươi sáng cho tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. 
Hai Thủ tướng đã nhất trí về phương hướng lớn và các biện pháp nhằm mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản.
Hai nước hiện đang duy trì hiệu quả các cơ chế đối thoại, như: Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch từ năm 2007 (đã họp được 11 lần); Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản về ngoại giao-an ninh-quốc phòng cấp Thứ trưởng ngoại giao từ năm 2010 (đã họp 7 lần); Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt-Nhật cấp Thứ trưởng từ tháng 11/2012 (đã họp 7 lần); Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng từ tháng 11/2013 (đã họp 6 lần); Ủy ban hỗn hợp về thương mại, năng lượng và công nghiệp từ năm 2014 (đã họp 3 lần); Đối thoại Nông nghiệp cấp Bộ trưởng từ năm 2014 (đã họp 5 lần); Đối thoại chính sách biển Việt Nam-Nhật Bản cấp Bộ trưởng (thành lập từ tháng 12/2019 nhưng chưa họp).
Cùng với đó, hai bên cũng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, như Liên hợp quốc, các hội nghị ASEAN+, APEC, ASEM… đóng góp ngày càng tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, hai nước đã hợp tác tích cực vào thành công của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng (tháng 11/2017) và thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

* Hợp tác kinh tế-thương mại mang lại hiệu quả cao
Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 (Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới) đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư thứ 3, đối tác du lịch thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 40 tỷ USD; năm 2021 đạt 42,7 tỷ USD và trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 11,2 tỷ USD (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021). Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn các mặt hàng thủy sản, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến… mà Việt Nam có thế mạnh; ngược lại, Nhật Bản xuất khẩu chủ yếu máy móc, phụ tùng, thiết bị… sang Việt Nam. Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999.
Về đầu tư, Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 3 ở Việt Nam (sau Hàn Quốc và Singapore) với 4.828 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 64,410 tỷ USD. Riêng năm 2021, Nhật Bản có 9 dự án cấp mới và 8 lượt góp vốn mua cổ phần, đứng thứ 4 với tổng vốn đăng ký 200 triệu USD.
Nhật Bản cũng là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, với tổng giá trị vốn vay cho đến tháng 12/2019 là 2.578 tỷ Yên (tương đương khoảng 23,76 tỷ USD, chiếm 26,3% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ).
Hợp tác nông nghiệp giữa hai nước có bước đột phá từ năm 2014, hai nước đã ký "Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác Nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản" (tháng 9/2015), ký lại Tầm nhìn chung sửa đổi vào tháng 5/2018, đang triển khai "Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác về nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn 2 giai đoạn 2020-2024". Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA những năm gần đây cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.

* Hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực khác
Ngoài hợp tác kinh tế, thương mại, hai nước cũng hợp tác hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục-đào tạo, y tế, du lịch, hợp tác giữa các địa phương, lao động… Trong đó, hợp tác giáo dục-đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức. Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện đạt hơn 51 nghìn người. Nhật Bản đang hợp tác để nâng cấp 4 trường đại học của Việt Nam đạt đại học chất lượng cao (gồm Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng, Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học Nông nghiệp Hà Nội); đang hợp tác xây dựng Trường Đại học Việt-Nhật nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ; hỗ trợ Việt Nam dạy tiếng Nhật tại một số trường tiểu học, phổ thông cơ sở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh...
Về giao lưu văn hóa, các lễ hội thường niên, như Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, Lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam và Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản tại Việt Nam… luôn được đông đảo nhân dân hai nước đón nhận.
Nhật Bản còn là đối tác du lịch lớn của Việt Nam với lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam năm 2019 đạt 951,9 nghìn người, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 3 trên thị trường quốc tế có lượng khách đến Việt Nam nhiều nhất.
Về hợp tác lãnh sự, Nhật Bản đã mở Tổng lãnh sự quán tại TP Hồ Chí Minh, Văn phòng lãnh sự tại Đà Nẵng (tháng 1/2020). Việt Nam mở Tổng Lãnh sự quán tại Osaka (tháng 3/1997) và Fukuoka (tháng 4/2009). Tháng 6/2010, hai Tổng Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại thành phố Nagoya (tỉnh Aichi) và thành phố Kushiro (Hokkaido) đã được bổ nhiệm.
       Nhật Bản cũng đã thực hiện việc nới lỏng quy chế cấp thị thực nhiều lần (từ ngày 30/9/2014 và nới lỏng hơn từ ngày 15/2/2016) và thị thực một lần (từ 20/11/2014) cho công dân Việt Nam; đơn giản hóa thủ tục xin visa ngắn hạn dành cho người có vị trí trong xã hội (cán bộ, công chức cơ quan nhà nước, nhân viên doanh nghiệp tư nhân, nhà tri thức-văn hóa) từ ngày 1/3/2019.
Từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã khiến hai nước phải hủy/hoãn một số hoạt động đối ngoại; hợp tác lao động, du lịch chịu tác động mạnh mẽ. Tuy nhiên, hai nước vẫn duy trì trao đổi cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt.
Tích cực trao đổi và phối hợp trong các công tác liên quan đến dịch COVID-19, Nhật Bản đã viện trợ không hoàn lại hơn 7,4 triệu liều vaccine, hơn 4 tỷ Yên để cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện hệ thống y tế. Trong khi Chính phủ, Quốc hội và địa phương của Việt Nam đã hỗ trợ hơn 1,2 triệu khẩu trang cho Nhật Bản... 
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có hơn 450 nghìn người. Người Việt hiện sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố của Nhật Bản, trong đó chủ yếu tập trung tại tỉnh Aichi, Tokyo, Osaka, Saitama, Chiba; Fukuoka…
Với những kết quả đạt được trong quan hệ song phương thời gian qua, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 30/4 và 1/5/2022 tiếp tục mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản./.
            

An Ngọc (tổng hợp)