Thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện, hướng đến nâng tầm khuôn khổ quan hệ song phương

Hà Nội (TTXVN 7/5/2024) Ngày 8/5/1989, Việt Nam và Brazil chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua chặng đường 35 năm, tình hữu nghị và đoàn kết giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, với nền tảng là mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Hai nước đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong nhiều lĩnh vực, hướng tới nâng tầm khuôn khổ quan hệ song phương, đồng thời củng cố vai trò đối tác chủ chốt của nhau ở hai khu vực Đông Nam Á và Mỹ Latinh.

Tổng thống Brazil Lula da Silva chủ trì lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Brazil (Brasilia, 2023). Ảnh: Dương Giang-TTXVN

* 35 năm hợp tác chặt chẽ và tin cậy

Việt Nam và Brazil tuy ở cách xa nhau nhưng người dân hai nước có nhiều đặc tính tương đồng như sự chân tình, lòng mến khách, thắm tình hữu nghị và cởi mở. Mối liên hệ gần gũi giữa hai nước đã bắt đầu từ rất lâu trước khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngay trong thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ XX, khi nhân dân Việt Nam đang tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, nhân dân Brazil đã có nhiều hoạt động bày tỏ đoàn kết và ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Ngày 8/5/1989, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra thời kỳ hợp tác lâu dài và ổn định cho quan hệ song phương. Quan hệ hai nước được nâng lên thành Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm chính thức Brazil của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 5/2007).

Việt Nam luôn coi trọng vị thế quốc tế ngày càng gia tăng của Brazil và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Brazil chủ trương đẩy mạnh chính sách đa dạng hóa quan hệ, trong đó coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Brazil ngày càng chặt chẽ và tin cậy thể hiện qua kết quả các chuyến thăm, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp bộ, ngành hai nước. Đáng chú ý có chuyến thăm chính thức Brazil của: Chủ tịch nước Lê Đức Anh (tháng 10/1995); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (tháng 11/2004); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (tháng 3/2006); Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 5/2007); Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (tháng 7/2018); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Lula da Silva nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima (Nhật Bản) (tháng 5/2023); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira tại Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại Pháp (tháng 6/2023); Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức (tháng 9/2023)…

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva chứng kiến Lễ ký Bản ghi nhớ về việc thành lập Uỷ ban hỗn hợp giữa Chính phủ hai nước trong chuyến thăm chính thức Việt Nam (2008). Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN

Về phía Brazil có các chuyến thăm chính thức Việt Nam của: Tổng thống Lula da Silva (tháng 7/2008), trở thành nguyên thủ đầu tiên và duy nhất của Brazil từng đến Việt Nam; Bộ trưởng Ngoại giao Antonio de Aguiar Patriota (tháng 7/2012); Bộ trưởng Ngoại giao Aloysio Nunes Ferreira (tháng 9/2017; tháng 5/2018); Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira (tháng 4/2024)…

Gần đây nhất, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Brazil (tháng 9/2023) là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Đây là chuyến thăm Brazil lần thứ 5 của lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1989 và là chuyến thăm cấp cao đầu tiên sau 16 năm. Trong chuyến thăm, hai bên ra Thông cáo chung, thống nhất các biện pháp tăng cường hợp tác chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, văn hóa du lịch, giao lưu nhân dân, cũng như nhất trí sớm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược. Cũng trong chuyến thăm này, 4 văn kiện quan trọng được ký kết liên quan đến lĩnh vực ngoại giao, giáo dục-đào tạo, quốc phòng, nông nghiệp, góp phần khai thác triệt để các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh.

Trước đó, hai nước đã ký nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác như: Hiệp định về hợp tác văn hoá; Thoả thuận về hợp tác giữa hai Phòng Thương mại; Thoả thuận về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao; Hiệp định về Hợp tác y tế; Hiệp định Hợp tác khoa học và công nghệ; Hiệp định về hợp tác vận tải đường biển, hàng không dân dụng...

Việt Nam và Brazil duy trì hợp tác chặt chẽ tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ngoài ra, hai bên cũng phối hợp thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Việt Nam ủng hộ Brazil trở thành Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) nhiệm kỳ 2011-2016 và thành viên Ủy ban Luật quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2012-2016; Brazil đã sớm ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, hay gần đây nhất là Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025...

* Đối tác thương mại quan trọng của nhau

Sự kiện "Cà phê cùng Đại sứ - phiên bản Việt Nam" được tổ chức nhằm tôn vinh các đối tác có quan hệ hợp tác thương mại với Brazil cũng như mở ra cơ hội kết nối doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Brazil (2023). Ảnh: TTXVN phát

Brazil là quốc gia có uy tín, vị thế và vai trò quan trọng ở khu vực Mỹ Latinh và trên thế giới; là thành viên tích cực tại nhiều tổ chức, cơ chế đa phương như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20), Khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS)…

Brazil hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh. Trong những năm qua, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Brazil tăng nhanh, từ 1,53 tỷ USD năm 2011 lên 6,78 tỷ USD năm 2022; hơn 7,1 tỷ USD năm 2023; 2 tháng đầu năm 2024 đạt 1,52 tỷ USD. Với điểm sáng trong quan hệ song phương là kinh tế-thương mại, hai bên cùng khẳng định cam kết phấn đấu nâng kim ngạch song phương lên 10 tỷ USD năm 2025 và 15 tỷ USD năm 2030.

Chế biến cá tra phi lê tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai xuất khẩu sang thị trường Đức, Anh, Brazil, Saudi Arabia... Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Việt Nam xuất khẩu sang Brazil chủ yếu là thủy sản, cao su, dệt may, giày dép, sắt thép; và nhập khẩu từ Brazil các mặt hàng đậu tương, lúa mì, ngô, thức ăn gia súc và nguyên liệu, bông các loại...

Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị cho biết việc củng cố quan hệ hợp tác với Brazil nói riêng và các quốc gia tại khu vực nói chung, nhất là các quốc gia trong khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy khởi động đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) giữa Việt Nam và khối này. Hiệp định sẽ tạo động lực tăng cường hợp tác kinh doanh, thương mại và đầu tư, mang lại kết quả thực chất cho doanh nghiệp và người dân của Việt Nam và các nước thành viên MERCOSUR, đồng thời tăng cường các mối liên kết kinh tế liên khu vực.

Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 4/2024, Brazil có 7 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 3,85 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn và bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ.

Ngoài hợp tác kinh tế-thương mại, hai nước còn mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, du lịch, thể thao… Trong đó, du lịch là một trong những lĩnh vực tiềm năng mà hai bên có rất nhiều dư địa để khai thác. Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị cho biết Việt Nam và Brazil đều là hai quốc gia có những di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc. Số lượng du khách Brazil tới Việt Nam tăng dần đều trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp lữ hành Brazil rất quan tâm khai thác thị trường Việt Nam và ngược lại.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira thăm chính thức Việt Nam (2024). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Mới đây, trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira (ngày 9 đến 11/4/2024), hai Bộ trưởng đều nhất trí cho rằng còn rất nhiều tiềm năng để hai nước có thể cùng hợp tác, nhất là các lĩnh vực ứng phó chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, sản xuất thực phẩm tiêu chuẩn Halal…; nhất trí hai bên tiếp tục phát huy nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp để thúc đẩy hợp tác cả về song phương và đa phương một cách sâu sắc, mạnh mẽ hơn nữa, hướng tới thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược vì lợi ích Nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở hai khu vực.

Hai bên thống nhất tiếp tục phát huy hiệu quả các phiên họp Ủy ban hỗn hợp, Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao và triển khai thỏa thuận đã ký kết giữa hai Học viện Ngoại giao, phối hợp trong các hoạt động kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; tích cực phối hợp triển khai chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao trong thời gian tới.

Kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (8/5/1989-8/5/2024) và 17 năm Đối tác toàn diện (5/2007-5/2024), Việt Nam và Brazil có nhiều hoạt động đa dạng và ý nghĩa như: Tuần lễ phim Brazil tại Việt Nam, Tuần lễ phim Việt Nam tại Brazil, triển lãm tranh, ảnh… Trong năm nay, Brazil cũng là một trong hai nước được Chính phủ Việt Nam chọn là nước để tổ chức sự kiện Ngày Việt Nam với các chương trình văn hoá-nghệ thuật đặc sắc, nghệ thuật truyền thống và đương đại. Các hoạt động này góp phần tăng cường hơn nữa tình cảm đoàn kết giữa chính phủ và nhân dân hai quốc gia./.  

An Ngọc (tổng hợp)