Tôn vinh lực lượng gìn giữ hoà bình quốc tế

Hà Nội (TTXVN 29/5/2023) Được sống trong hòa bình là khát vọng của toàn nhân loại. Ngày 29/5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế lực lượng gìn giữ hòa bình, nhằm ca ngợi tính chuyên nghiệp, sự cống hiến và lòng dũng cảm của các binh lính gìn giữ hòa bình vốn phải hoạt động trong những điều kiện vô cùng khó khăn. Là một thành viên tích cực của Liên hợp quốc, những năm qua, Việt Nam đã có đóng góp đáng kể vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình thế giới của Liên hợp quốc.

 

* Vinh danh lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Ngày 1/10/2018, tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ xuất quân Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Nam Sudan. Ảnh: TTXVN

Khái niệm và mục tiêu về hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được các nghị quyết của Hội đồng bảo an xác định: “Hoạt động gìn giữ hòa bình là sự phối hợp đa dạng các hoạt động từ lĩnh vực dân sự đến lĩnh vực quân sự của các nước, các tổ chức quốc tế (cao nhất là Liên hợp quốc), khu vực trên phạm vi toàn thế giới dưới sự chỉ huy của Liên hợp quốc nhằm kiến tạo hòa bình ở những nơi xung đột, giải quyết tranh chấp, bất đồng giữa các bên xung đột thông qua biện pháp hòa bình”.

Hiến chương Liên hợp quốc cũng ghi rõ, sứ mệnh gìn giữ hòa bình và ổn định trên Trái Đất là mục tiêu tối cao và xuyên suốt của Liên hợp quốc và người thực hiện mục tiêu này không ai khác ngoài 193 quốc gia thành viên của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này.

Trên cơ sở đó, những người lính thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình đầu tiên của Liên hợp quốc đã có mặt tại Palestine vào năm 1948. Kể từ đó đến nay, lực lượng gìn giữ hòa bình đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong nhiệm vụ duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Hình ảnh những người lính ‘mũ nồi xanh” tại các vùng xung đột trên thế giới đã không còn quá xa lạ tại hầu hết các điểm nóng trên thế giới như Đông Timor, Haiti, nhưng chủ yếu vẫn là ở châu Phi và Trung Đông. Đó là những người lính, những cảnh sát dân sự, các bác sỹ, kỹ sư hoặc quan sát viên quân sự. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ người dân, tuần tra, giám sát việc chấp hành lệnh ngừng bắn giữa các bên xung đột, rà phá bom mìn, chất nổ, huấn luyện cảnh sát quốc tế, hỗ trợ xây dựng hệ thống tư pháp.

Kể từ khi bắt đầu được thành lập năm 1948, các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã chứng minh là một trong những công cụ hiệu quả nhất để cộng đồng quốc tế xử lý các cuộc xung đột phức tạp đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Sau 75 năm phát triển, hiện lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ có hơn 95 nghìn quân đóng tại 13 phái bộ tại các điểm nóng chiến sự trên toàn cầu, điều phối cứu trợ nhân đạo cho hàng triệu người, đặc biệt là trẻ em cũng như bảo vệ quyền con người cho người dân ở khắp nơi trên thế giới. Những con số này phản ánh niềm tin của cộng đồng quốc tế vào các giá trị của các hoạt động gìn giữ hòa bình để bảo đảm an ninh chung.

Tại những điểm nóng trên thế giới, sự hiện diện của các lực lượng “mũ xanh” đa quốc gia (dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc), thực sự là nhân tố đảm bảo môi trường an ninh thuận lợi cho các quá trình chuyển giao chính trị và hỗ trợ cho các thể chế nhà nước còn non trẻ. Ghi nhận sự nỗ lực và những thành tích to lớn đó, năm 1988, Ủy ban Nobel Na Uy đã trao giải Nobel Hòa bình cho Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc tế Lực lượng gìn giữ hòa bình (1948-2023), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh trong bối cảnh căng thẳng, xung đột leo thang ở nhiều khu vực trên thế giới, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được xem là điểm tựa an toàn và hy vọng của người dân tại nhiều quốc gia và là biểu tượng của chủ nghĩa đa phương. Trong 75 năm triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, hơn 4.200 quân nhân, nhân viên dân sự của nhiều quốc gia đã hy sinh vì sứ mệnh hòa bình quốc tế cao cả, nhưng không vì thế mà các binh sỹ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc từ bỏ sứ mệnh duy trì hòa bình và an ninh quốc tế của mình.

* Việt Nam đóng góp tích cực, hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao Quân kỳ Quyết thắng cho Trung tâm, ngày 27/5/2014. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, với truyền thống quật cường, bất khuất, nhân dân ta đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh để bảo vệ nền độc lập, tự do, sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trải qua đau thương chiến tranh, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam luôn quý trọng, yêu chuộng hòa bình và hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi Đại hội đồng Liên hợp quốc khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với những mục tiêu của Liên hợp quốc và bày tỏ mong muốn được góp sức vào công việc chung. Từ sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn “… thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.” Năm 2013, Bộ Chính trị đã phê duyệt “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”.

Ngày 25/5/2014, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Đề án “Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo”. Triển khai đề án này, Trung tâm Giữ gìn hòa bình Việt Nam (nay là Cục Giữ gìn hòa bình Việt Nam) đã được thành lập.

Tháng 6/2014, hai sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên đã lên đường làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Sudan, đánh dấu sự tham gia chính thức hoạt động giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam. Từ đó, số lượng sĩ quan được Việt Nam cử đi theo hình thức cá nhân tăng cả về số lượng và lĩnh vực, nhiệm vụ tham gia; và đã được Liên hợp quốc, chỉ huy phái bộ và sĩ quan các nước đánh giá cao cả về trình độ chuyên môn, khả năng tổ chức làm việc và ý thức kỷ luật... Nhiều sĩ quan đã được Liên hợp quốc tặng thưởng huân chương. Các sĩ quan Việt Nam hiện đang hướng tới ứng tuyển vào những vị trí cao hơn ở phái bộ cũng như các vị trí chỉ huy khác nhau.

Tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc tế Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ngày 25/5/2023, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định việc Việt Nam tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2014 đến nay là một chủ trương, quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước trong quá trình hội nhập, đồng thời phản ánh thế và lực mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Kết quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam trong gần 10 năm qua không chỉ đóng góp thiết thực vào công cuộc bảo vệ hòa bình, an ninh thế giới mà còn góp phần không nhỏ nâng cao vị thế và uy tín của các Lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, tin cậy và trách nhiệm. Có được những thành tích đáng tự hào đó là nhờ công lao, đóng góp của tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan và trực tiếp nhất là sự cố gắng, hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình cũng như tại trụ sở Liên hợp quốc.

Đặc biệt, tại buổi lễ Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã thay mặt Nhà nước Việt Nam tiếp nhận Huân chương Dag Hammarskjold do Tổng Thư ký Liên hợp quốc trao tặng cho liệt sĩ, Trung tá Đỗ Anh - sĩ quan gìn giữ hòa bình đầu tiên của Việt Nam hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại Cộng hòa Trung Phi đầu năm 2022./.

An Ngọc (tổng hợp)