Tổng Bí thư Hà Huy Tập với cao trào vận động dân chủ (1936-1939)

Trong những năm 1936-1939, Đảng ta đã ra hoạt động công khai và tiến hành vận động, tổ chức một cao trào cách mạng quần chúng sôi nổi chống những chính sách phản động của chế độ thuộc địa, đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Thành quả cách mạng quan trọng này gắn liền với những nỗ lực hoạt động không mệt mỏi và khéo léo của các chiến sĩ cộng sản ưu tú, trung kiên, trong đó đặc biệt là đồng chí Hà Huy Tập - người đảm đương trọng trách Tổng Thư ký (Tổng Bí thư) Đảng từ tháng 7-1936 đến tháng 3-1938.

* Soạn thảo đường lối thực hiện việc chuyển hướng về chỉ đạo chiến lược

Sau Hội nghị tháng 7-1936, để hoàn thiện đường lối chính sách, thúc đẩy nhanh chóng sự chuyển hướng về chỉ đạo chiến lược của Đảng; căn cứ vào tình hình thế giới và trong nước; vận dụng nghị quyết Đại hội VII Quốc tế cộng sản, đồng chí Hà Huy tập đã chỉ đạo việc soạn thảo và chủ trì các Hội nghị Ban chấp hành Trung ương thông qua nhiều văn kiện quan trọng. Thông cáo ngày 20-3-1937; Chủ trương tổ chức mới của Đảng (20-3-1937); Nghị quyết của khoảng đại hội nghị của toàn thể Ban chấp hành Trung ương của Đảng cộng sản Đông Dương (9-1937); Nghị quyết của toàn hội nghị Ban trung ương Đảng cộng sản Đông Dương (3-1938) là những văn kiện thể hiện ba mảng vấn đề lớn của sự chuyển hướng về chỉ đạo chiến lược.

Một là, nhiệm vụ chính trị chiến lược của cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương là đánh đổ đế quốc Pháp giành độc lập dân tộc, xóa bỏ chế độ phong kiến, thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng. Nhiệm vụ đó không hề thay đổi “nhưng chưa phải là nhiệm vụ trực tiếp lập tức của Mặt trận nhân dân phản đế trong lúc hiện tại ở Đông Dương mà nó là mục đích cuối cùng của Mặt trận phản đế”. Yêu cầu cấp thiết trước mắt của “Mặt trận nhân dân chống đế quốc là tập hợp tất cả quần chúng của đất nước chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh đế quốc, vì hòa bình, tự do, cơm gạo”.

Hai là, Đảng chủ trương lập Mặt trận dân chủ Đông Dương bao gồm không những các tầng lớp quần chúng cơ bản mà phải thu hút các tầng lớp trên, thậm chí phải thu hút các phần tử thực dân tán thành đấu tranh chống phát xít, tán thành cải cách thuộc địa. Thông cáo 20-3-1937 cũng nêu rõ: “Chủ trương của Đảng ta là lập Mặt trận rất rộng rãi bao hàm được đại đa số nhân dân (cả những người bản xứ và người Pháp) chung quanh một chương trình hành động tối thiểu, chứ không chỉ cùng với vài tốp, nhóm người liên hiệp hành động mà gọi là đủ…”

Ba là, thời kỳ 1930-1931 phương thức hoạt động là bí mật, bất hợp pháp, trong hoàn cảnh mới 1936-1939, Đảng chủ trương tranh thủ mọi thuận lợi đấu tranh đưa Đảng ra hoạt động công khai hợp pháp, nửa công khai hợp pháp kết hợp với bí mật “Chủ trương mới của Đảng hoạt động và tổ chức theo lối công khai và bán công khai”, “Đảng không những tranh đấu công khai và bán công khai, mà còn liên lạc với bí mật”.

* Tổ chức, chỉ đạo thực hiện chủ trương mới của Đảng về đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ

Ngay sau Hội nghị đại biểu Trung ương Đảng và Ban Chỉ huy ở ngoài tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào tháng 7-1936, Tổng Bí thư Hà Huy Tập trở về nước chắp nối các cơ sở cách mạng. Ngày 12-10-1936, đồng chí đã triệu tập và chủ trì Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên cơ sở Ban Chấp hành Trung ương được tái lập, hệ thống tổ chức Đảng ở các xứ và tỉnh, thành, địa phương dần dần được khôi phục. Đến tháng 9-1937, Xứ uỷ Bắc Kỳ và Nam Kỳ đã được lập lại. Tại Trung Kỳ tạm thời chưa lập được Xứ uỷ mà có liên tỉnh uỷ Thanh Hoá - Nghệ An - Hà Tĩnh. Ở Nam Kỳ, 18 trong số 20 tỉnh có tổ chức Đảng; ở Trung Kỳ, 8 trong số 15 tỉnh có tổ chức Đảng; ở Bắc Kỳ, 7 trong số 24 tỉnh có tổ chức Đảng.

Việc Trung ương Đảng được lập lại và hệ thống tổ chức Đảng được thống nhất từ Trung ương xuống các địa phương chính là điều kiện tiên quyết để Đảng phát động phong trào cách mạng quần chúng sôi nổi trong những năm 1936-1939. Khi về đến Nam Kỳ, đồng chí Hà Huy Tập đặc biệt chú ý đến sáng kiến của nhà trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh về triệu tập một đại hội toàn Đông Dương để thảo ra một bản dân nguyện gửi tới Quốc hội Pháp.

Đồng chí đã thay mặt Trung ương Đảng gửi đến các đảng phái, tổ chức và nhân dân Đông Dương bức thư ngỏ Đảng Cộng sản Đông Dương và Đông Dương Đại hội (tháng 8-1936). Trong thư đồng chí khẳng định sự ủng hộ nhiệt liệt của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với việc triệu tập một đại hội toàn Đông Dương và kêu gọi các đảng phái đoàn kết lại để đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ cho toàn dân Đông Dương được thể hiện trong 12 nguyện vọng chung như: Lập ra một nghị viện được những người bình dân Pháp và Đông Dương bầu ra, có quyền quyết định tất cả những vấn đề kinh tế và chính trị liên quan đến đất nước; mọi người từ 18 tuổi có quyền ứng cử và bầu cử, có quyền bình đẳng; tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhất là báo chí bằng tiếng bản xứ, tự do đi lại trong nước, tự do lập hội, tự do hội họp; ban hành luật ngày làm 8 giờ, thực hiện bảo hiểm xã hội; ân xá tù chính trị; giảm thuế, miễn thuế cho người nghèo; cứu trợ thất nghiệp, tăng tiền công, giảm giờ làm; chống việc chiếm đoạt ruộng đất và tịch thu tài sản những người chưa có điều kiện nộp thuế; tự do giáo dục, sửa đổi quy chế học đường, áp dụng giáo dục bắt buộc bằng tiếng mẹ đẻ; phụ nữ phải được hưởng quyền lợi kinh tế và chính trị bình đẳng với nam giới...

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hà Huy Tập, phong trào đấu tranh đòi các quyền dân chủ và cải thiện đời sống của công nhân, nông dân, tiểu thương, tiểu chủ, công chức, học sinh…phát triển sôi nổi. Chỉ tính 6 tháng cuối năm 1936 đã có 361 cuộc đấu tranh, trong đó 236 cuộc đấu tranh của công nhân. Sang năm 1937, đã có gần 400 cuộc đấu tranh của công nhân, trên 150 cuộc đấu tranh của nông dân. Do sức ép của Mặt trận bình dân Pháp và phong trào đấu tranh lên cao của nhân dân ta, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã phải thi hành một số chính sách cải thiện các quyền dân sinh, dân chủ, như quy định thời gian lao động của công nhân không quá 10 giờ một ngày kể từ ngày 1-11-1936, không quá 9 giờ một ngày kể từ ngày 1-1-1937, không quá 8 giờ một ngày kể từ ngày 1-1-1938; người lao động được nghỉ chủ nhật, nghỉ phép vẫn được hưởng lương hàng năm, cấm bắt phụ nữ, trẻ em làm việc đêm; quy định chế độ học nghề, tiền lương tối thiểu, cấm cúp phạt bằng tiền, quy định chế độ nghỉ đẻ, nuôi con trong thời gian làm việc,... Đặc biệt, chính quyền thuộc địa đã buộc phải trả lại tự do cho trên 1.500 tù chính trị, trong đó phần lớn là các chiến sĩ cộng sản.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hà Huy Tập, các chiến sĩ cách mạng đã khéo léo vượt qua những rào cản khắt khe của bọn phản động thuộc địa và xuất bản công khai nhiều tờ báo cách mạng như: Hà thành thời báo, Thời thế, Nhành lúa, Kinh tế tân văn, Sông Hương tục bản, Rassemblement (Tập hợp), En avant (Tiến lên), Le Travail (Lao động), L'Avant garde (Tiền phong), Le Peuple (Nhân dân),... Đồng chí trực tiếp làm Tổng Biên tập hai tờ báo L'Avant garde và Le Peuple. Cùng với việc phổ biến, tuyên truyền các sách báo cách mạng, phong trào học quốc ngữ cũng phát triển mạnh mẽ và rộng khắp….

Những năm lãnh đạo cao trào cách mạng dân chủ là một giai đoạn đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, đội ngũ đảng viên của Đảng đã được rèn luyện và trưởng thành trong thực tiễn cách mạng về cả số lượng và chất lượng; phong trào cách mạng của quần chúng phát triển về cả chiều rộng và chiều sâu. Cao trào vận động dân chủ là một giai đoạn thể hiện sâu sắc, sinh động tài năng và những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Hà Huy Tập đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam./.

Thúy Hằng (tổng hợp)