Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc (30/10 - 1/11/2022): Hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam và Trung Quốc không ngừng phát triển

Hà Nội (TTXVN 30/10/2022) Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) từ ngày 30/10 đến 1/11/2022. Chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ giữa hai Đảng làm định hướng cho quan hệ hai nước trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác kinh tế, thương mại.

          * Hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam và Trung Quốc không ngừng phát triển

          Việc xây dựng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đã tạo ra môi trường quan hệ hợp tác chính trị tốt đẹp, ổn định, góp phần tạo động lực và nền tảng quan trọng cho việc hợp tác phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển thương mại song phương. Việc hai bên duy trì thường xuyên các cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương đã kịp thời giải quyết các vấn đề trong quan hệ thương mại giữa hai nước, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương phát triển ngày càng ổn định theo hướng cân bằng, bền vững hơn.

          Từ năm 2016, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới vào năm 2020.

          Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và những biến động địa-chính trị trên thế giới song quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển, đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận và là một trong những điểm sáng trong quan hệ song phương. Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với quy mô đạt 55,9 tỷ USD.

          Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc không ngừng được mở rộng. Trung Quốc trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất đối với nông lâm thủy sản Việt Nam. Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam từ hoa quả đến thực phẩm chế biến đang tạo ra chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc. Mặt hàng sầu riêng là loại quả thứ 10 được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Hiện Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng mạnh nhất, khoảng 4,2 tỷ USD/năm, tăng trưởng hàng năm 2 con số. Gần đây nhất, mặt hàng chanh leo Việt Nam đã được thí điểm xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc kể từ tháng 7/2022.

          Trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới...

          Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 165,9 tỷ USD, tăng 24,6% so với năm 2020. Trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt-Trung đạt 117,4 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021.

          Ngoài ra, ở lĩnh vực đầu tư, Việt Nam cũng là một thị trường hấp dẫn. Hiện Trung Quốc xếp thứ 6/139 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đến nay đạt 22,42 tỷ USD. Riêng 8 tháng của năm 2022, Trung Quốc đứng thứ 4/94 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 143 dự án, tổng vốn đạt 1,4 tỷ USD.

          Theo Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-ASEAN Từ Ninh Ninh, doanh nghiệp phản ánh là môi trường đầu tư của Việt Nam được cải thiện rất đáng kể. Đó là thủ tục giải quyết nhanh gọn, pháp luật đầu tư ngày càng hoàn thiện, cơ sở hạ tầng ngày càng tốt, uy tín trên trường quốc tế ngày càng cao. Rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc hào hứng tìm hiểu để đầu tư.

          Còn Giáo sư Lưu Thụy, Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định: “Trung Quốc xem ASEAN là trọng điểm. Việt Nam là nền kinh tế năng động, mạnh hàng đầu ASEAN. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam luôn nằm trong top đầu. Do đó, Trung Quốc và Việt Nam càng có nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác với nhau".

          Bên cạnh đầu tư xây dựng nhiều trung tâm logistics, mở rộng, nâng cấp các cửa khẩu, Trung Quốc cũng đã mở nhiều tuyến đường sắt từ nhiều tỉnh, thành phố đi Việt Nam để tăng cường trao đổi hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển giữa hai nước. Đây là một trong nhiều nền tảng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hai nước.

           * Nhiều dư địa hợp tác

          Trong cuộc điện đàm tháng 9/2022 với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị hai bên tích cực phối hợp để đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định, cân bằng; đề nghị phía Trung Quốc tạo thuận lợi về thông quan, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam; phối hợp triển khai và tận dụng tốt cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do đa phương.

          Thủ tướng cũng đề nghị Trung Quốc tăng cường đầu tư chất lượng cao trong các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam; tích cực trao đổi, giải quyết vấn đề tồn đọng tại một số dự án hợp tác giữa hai nước; sớm mở thêm các chuyến bay thương mại giữa hai nước; nâng tầm hợp tác, ứng phó có hiệu quả với các thách thức mới nổi lên, cùng nhau hợp tác bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, tăng cường trao đổi kinh nghiệm về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

          Thủ tướng Lý Khắc Cường đánh giá cao, bày tỏ coi trọng và đồng tình với những ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, nhất là mở cửa hơn nữa thị trường cho nông sản Việt Nam; phối hợp thúc đẩy giải quyết các dự án hợp tác quan trọng còn tồn đọng kéo dài...

          Thủ tướng Lý Khắc Cường đề nghị hai bên tăng cường kết nối chiến lược, thúc đẩy hợp tác về kinh tế-thương mại, đầu tư, nhất là trong lĩnh vực chế tạo, nông nghiệp, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, phát huy ưu thế của mỗi bên để cùng mở rộng khai thác thị trường thế giới.

          Gần đây nhất, tại Kỳ họp Kỳ họp lần thứ 11 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Trung Quốc (ngày 25/10/2022, hình thức trực tuyến), Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Lý Phi khẳng định, Bộ Thương mại Trung Quốc rất coi trọng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam. Đồng thời, đánh giá cao thành quả hai bên thời gian qua.

          Cùng đó, đề xuất một số phương hướng, biện pháp thúc đẩy hơn nữa quy mô thương mại song phương như khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng tại Trung Quốc như Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc, Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN, tăng cường hợp tác đảm bảo thuận lợi hóa thương mại tại các cửa khẩu biên giới...

          Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phòng vệ thương mại, thương mại điện tử; trao đổi ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng Trung-Việt; tăng cường hợp tác trong khuôn khổ đa phương; thúc đẩy giải quyết một số vướng mắc trong hợp tác thương mại, công nghiệp song phương…

          Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đưa ra một số đề xuất nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn và khôi phục thông quan tại các cửa khẩu biên giới; tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải đường sắt giữa hai nước và hoạt động quá cảnh Trung Quốc đi nước thứ ba.

          Mặt khác, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường Trung Quốc đối với nông sản, thủy sản Việt Nam; hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động xúc tiến thương mại và tăng cường hợp tác về quản lý thị trường.

          Việt Nam và Trung Quốc cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hai nước chuyển từ biên mậu sang xuất khẩu chính ngạch.

          Lợi thế vị trí địa lý là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên triển khai các hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa. Hình thức vận chuyển hàng hóa đa dạng, thông qua đường bộ, đường biển, hàng không và đường sắt, là trợ thủ đắc lực, giúp hai nước đẩy mạnh thương mại./.

Phương Anh (tổng hợp)