Tổng thống Pháp thăm cấp nhà nước tới Đức: Củng cố quan hệ giữa hai "đầu tàu" EU

Hà Nội (TTXVN 29/5/2024) Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước 3 ngày đến Đức (từ 26 đến 28/5/2024) nhằm nhấn mạnh mối quan hệ bền chặt giữa hai nền kinh tế hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU). Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Pháp đến Đức sau 24 năm, kể từ chuyến thăm của Tổng thống Jacques Chirac năm 2000.

 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier tại cuộc gặp ở Berlin ngày 26/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

* Duy trì động lực cho sự phát triển của EU

Trong lịch sử châu Âu vài thập niên qua, có thể thấy mối quan hệ Pháp-Đức có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của EU, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh của khối. Hai nước luôn nỗ lực hết mình vì một châu Âu ổn định, thống nhất và đoàn kết.

Chuyến thăm của Tổng thống Macron lần này là chuyến thăm đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh Đức kỷ niệm 75 năm Hiến pháp hậu Chiến tranh thế giới lần thứ II, và mặc dù từ khi trở thành tổng thống Pháp đến nay, Tổng thống Macron vẫn thường xuyên tới Đức song chuyến thăm lần này là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ Pháp tới Đức trong 24 năm kể từ khi cựu Tổng thống Jacques Chirac đến Đức vào năm 2000.

Vốn là hai nền kinh tế lớn nhất EU, Đức và Pháp từ lâu luôn được coi là động lực của hội nhập châu Âu mặc dù giữa hai nước vẫn có những khác biệt về chính sách và một số vấn đề. Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz được biết đến là những người có phong cách lãnh đạo rất khác nhau và đã có những bất đồng từ chiến lược quốc phòng của khối đến phản ứng của khối này trước cuộc khủng hoảng năng lượng, và thậm chí cả chính sách tài chính. Gần đây, hai nước còn bất đồng liên quan đến cách thức hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Tuy nhiên, gần đây, hai nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa hiệp trên nhiều lĩnh vực, từ cải cách tài chính đến trợ cấp thị trường, cho phép EU đạt được các thỏa thuận và thể hiện một mặt trận đoàn kết hơn.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc họp báo chung ở Meseberg, Đức, ngày 28/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

* Khẳng định quan hệ láng giềng bền chặt

Chuyến thăm cấp nhà nước đến Đức trong 3 ngày của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Đức (từ 26 đến 28/5/2024) được cho là cơ hội để Pháp và Đức, hai thành viên có ảnh hưởng lớn nhất trong EU, củng cố quan hệ giữa lúc EU  đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là khi EU sắp bước vào cuộc bầu cử Nghị viện căng thẳng (dự kiến vào ngày 6 đến 9/6 tới).

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Macron đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier, cùng Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tham dự lễ  kỷ niệm 75 năm ngày ra đời Luật Cơ bản - được xem như bản Hiến pháp của Đức sau thời kỳ Quốc xã và đưa đến hình thành nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức (chiều ngày 26/5); phát biểu tại thành phố Dresden ở phía Đông nước Đức (chiều 27/5); đến thành phố Muenster (Münster) ở phía Tây nước Đức (ngày 28/5)…

Chương trình đáng chú ý nhất là cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Pháp-Đức do Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz chủ trì cùng sự tham dự của các bộ trưởng của hai nước, diễn ra tại nhà khách chính phủ tại Meseberg, ngoại ô Berlin (ngày 28/5). Hội nghị này nhằm thu hẹp bất đồng giữa hai nước trong vấn đề năng lực quốc phòng và khả năng cạnh tranh. Trong vấn đề này, hiện hai nước đang tồn tại bất đồng khi Pháp, quốc gia có vũ khí hạt nhân, đã thúc đẩy một châu Âu tự chủ hơn về các vấn đề quốc phòng, không đồng tình trước việc Đức mua phần lớn thiết bị của Mỹ nhằm tạo ra "lá chắn phòng không" theo Sáng kiến Sky Shield của châu Âu vào mùa Thu năm 2022, trong đó Pháp không tham gia. Đức lý giải rằng nước này không có giải pháp thay thế nào đáng tin cậy hơn việc sử dụng vũ khí Mỹ, và châu Âu không có thời gian chờ đợi ngành công nghiệp quốc phòng trong nước chuẩn bị sẵn sàng cho các mối đe dọa như mối đe dọa.

Tại hội nghị, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một chương trình nghị sự hướng tới tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) trong đó việc thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) ở châu Âu đóng một vai trò quan trọng. Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đã thống nhất rằng châu Âu cần hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế và ngành công nghiệp để có thể bắt kịp sự cạnh tranh của Trung Quốc và Mỹ. Ngoài AI, công nghệ lượng tử, du hành vũ trụ và đổi mới công nghệ xanh cũng là trung tâm của “chính sách công nghiệp đầy tham vọng” ở châu Âu.

Trong cuộc họp báo chung tại lâu đài Meseberg, nhà khách chính phủ liên bang gần Berlin, ngày 28/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã thông báo những phác thảo tổng quát về chiến lược kinh tế của mình với châu Âu. Cả Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đều nhấn mạnh tới sự đoàn kết nhất trí và khẳng định sự lãnh đạo trong EU, mà theo đó "sự song hành Pháp-Đức có ý nghĩa rất quan trọng".

Ngoài ra trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nước đã ký một số thỏa thuận nhằm mở rộng hợp tác song phương trong các lĩnh vực công nghệ trong tương lai. Hiệp hội Fraunhofer, tổ chức gồm 76 viện nghiên cứu khắp nước Đức, mỗi viện tập trung vào một lĩnh vực khoa học ứng dụng cụ thể, và tổ chức nghiên cứu CEA của Pháp muốn bắt đầu các dự án chung trong lĩnh vực vi điện tử và công nghệ lượng tử, công nghệ hydro và pin…

Theo các nhà phân tích, việc hai nước Pháp-Đức củng cố mối quan hệ đặc biệt thông qua chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức lần này của Tổng thống Pháp Macron sẽ tiếp tục tạo động lực trong chính sách đối ngoại của hai quốc gia, đồng thời là động lực đối với sự nhất thể hóa của EU. Chuyến thăm được cho là góp phần thổi luồng sinh khí mới vào mối quan hệ lịch sử trong nỗ lực tìm tiếng nói chung cho chương trình nghị sự sắp tới của EU. Theo dự kiến, Nghị viện châu Âu sẽ tiến hành bầu cử vào ngày 6 đến 9/6/2024, với khoảng 400 triệu cử tri từ 27 nước EU sẽ chọn ra 720 thành viên nghị viện, những người sẽ quyết định mọi chính sách của khối. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy liên minh chính trị theo trường phái trung dung của ông Macron đang thất thế trước các nhóm cánh hữu. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với chính trường Đức, khi ba đảng trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đều có tỷ lệ ủng hộ thấp hơn đảng cánh hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD)./.

 Trọng Đức (tổng hợp)