Trận Ấp Bắc (2/1/1963)
Ấp Bắc là một ấp nhỏ với 600 dân, nằm liền kề với ấp Tân Thới, cách thị xã Mĩ Tho 16 km, cách lộ 4 (nay là quốc lộ 1) 5 km. Địa hình xung quanh là cánh đồng bằng phẳng, có hệ thống kênh rạch và đường đất rộng chạy ngang dọc nối liền các xóm ngõ; ven ấp là các vườn cây trái và những gò đống nhô ra, thuận tiện cho ta bố trí hỏa lực khống chế, ngăn chặn địch. Ấp Bắc cùng với xã Tân Phú Trung là vùng giải phóng, đã được xây dựng thành ấp chiến đấu cỏ hệ thống hầm hào, công sự, trận địa khá vững chắc. Được tin địch đang tập trung lực lượng để càn quét vào vùng giải phóng thuộc 2 huyện Cai Lậy, Châu Thành, Quân khu 8 điều Đại đội 1 Tiểu đoàn 261 (chủ lực Quân khu 8), Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 (tỉnh Mĩ Tho), 1 trung đội huyện Châu Thành, 1 khẩu đội súng cối, do Nguyễn Văn Điều (Hai Hoàng) Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 261 chỉ huy, về Ấp Bắc cùng nhân dân và dân quân du kích địa phương chuẩn bị đánh địch càn quét. Phát hiện lực lượng ta đang bố trí tại Ấp Bắc, địch cấp tốc điều động lực lượng, phương tiện, tổ chức cuộc hành quân Đức Thắng 1/13 càn quét vào khu vực này; lực lượng gồm 3 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn Bộ binh 7, 1 tiểu đoàn dù, 2 đại đội biệt động quân, 3 đại đội bảo an, 3 đại đội dân vệ, 13 xe thiết giáp MI 13, 13 tàu chiến, 32 máy bay, các trận địa pháo của Sư đoàn 7 ở lộ 4, Long Định, Phước Mĩ, do Đại tá Bùi Đình Đàm, Tư lệnh Sư đoàn 7 và Trung tá Mĩ Giôn Pôn Van (John Paul Vann), cố vấn trường Sư đoàn 7 chỉ huy.
Rạng sáng 2.1.1963, địch bắt đầu hành quân, chia làm nhiều mũi, bằng đường bộ, đường thủy đồng loạt tiến công vào Ấp Bắc. Từ hướng lộ 4, hai đại đội bảo an xung phong vào xóm Hội Đồng Vàng (xã Tân Phú Trung). Chờ cho đại đội đi đầu lọt vào trận địa phục kích, ta bất ngờ nổ súng diệt nhiều địch, một số khác sa xuống hố chông, vướng mìn, cạm bẫy; số còn lại lùi ra xa tìm nơi ẩn nấp. Một mũi tiến công khác từ cầu Sao bí mật tiếp cận khu vực chùa Thầy Lơ định thọc vào bên sườn trận địa ta cũng bị đẩy lùi. Bị chỉ huy thúc ép, địch lại liều chết xông lên, đợi cho địch đến cách 40 m, Trung đội huyện Châu Thành nổ súng diệt một số, bộ phận còn lại bị đánh bật ra cánh đồng; Đại đội 1 (Tiểu đoàn 261) cho 1 trung đội vận động ra đánh vào bên sườn, phía sau diệt nhiều địch, số sống sót rút chạy về chùa Thầy Lơ cố thủ. Mũi tiến công đường thủy gồm 13 tàu chiến chở 2 đại đội biệt động quân theo kênh Nguyễn Tấn Thành đánh vào phía sau đội hình phòng ngự của ta cũng bị du kích và 2 đội công binh săn tàu của Tiểu đoàn 261 dùng thủy lôi tự tạo đánh chìm 1 chiếc, phá hỏng 1 chiếc khác, số còn lại phải rút lui. Sau đợt tiến công bằng đường bộ, đường thủy không thành công, địch quyết định sử dụng chiến thuật trực thăng vận, lúc 7 giờ 30 phút dùng 10 máy bay trực thăng CH-21 đổ 1 tiểu đoàn bộ binh xuống phía sau Ấp Bắc. Đúng lúc máy bay trực thăng địch đang hạ cánh, ta bất ngờ nổ súng bắn rơi 1 chiếc tại xóm Bàu Rô, 1 chiếc khác bị hỏng nặng cố bay về căn cứ nhưng đã rơi xuống cánh đồng Cà Dăm. Địch vội cho 5 máy bay trực thăng vũ trang UH-1A đến yểm trợ thì 2 chiếc bị bắn rơi; 1 chiếc CH-21 khác đổ quân xong cũng bị ta bắn hạ. Sau 2 đợt tiến công không thành, địch tập trung 3 tiểu đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 7 tại Miếu Hội; lúc 12 giờ 15 phút chia làm 2 mũi tiến công vào ấp Tân Hội, nơi bố trí của Đại đội 1 (Tiểu đoàn 514). Đợi cho địch lọt hẳn vào trận địa, bộ đội và du kích mới bất ngờ nổ súng diệt khoảng 1 trung đội, số còn lại rút chạy. Để phối hợp với quân và dân Ấp Bắc, tỉnh Mĩ Tho cho Đại đội 2, Tiểu đoàn 514 tiến công trường bắn Tân Hiệp, kìm chân địch trên lộ 4; trung đội trinh sát khống chế sân bay Thân Cửu Nghĩa; Đại đội 2 (Tiểu đoàn 514) chốt giữ ngã ba chùa Phật Đá, sẵn sàng chi viện cho Ấp Bắc.
Sau 3 đợt tiến công liên tiếp bị thất bại, địch cho máy bay, pháo binh bắn phá dồn dập vào Ấp Bắc, ấp Tân Hội, dọn đường cho 1 tiểu đoàn bộ binh và 13 xe thiết giáp M113 mở cuộc tiến công lần 4 vào Ấp Bắc, đánh thẳng vào trận địa của Đại đội 1 (Tiểu đoàn 261). Khi tốp địch đi đầu vào đúng tầm bắn, các loại hỏa lực của ta gồm đại liên, súng cối, súng phóng lựu, súng trường, mìn chôn sẵn... đồng loạt phát hỏa, diệt 1 xe MI 13, phá hỏng 1 chiếc khác. Lợi dụng lúc 2 khẩu đại liên của ta bị hóc, 4 xe M113 và 1 toán bộ binh địch đột nhập trận địa của Tiểu đội 3. Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Đừng cho tiểu đội tập trung bắn yểm trợ để cùng 2 chiến sĩ khác xung phong, dùng bộc phá, lựu đạn diệt 1 xe M113 và anh dũng hi sinh. Đợt tiến công bị đẩy lùi, chỉ huy địch cố đốc thúc quân lính đột phá một số lần nữa cũng không thành công, buộc phải lui ra chờ quân tiếp viện. Địch quyết định tăng cường 1 tiểu đoàn dù, 1 đại đội súng cối 106,7 mm tiếp tục tiến công vào Ấp Bắc. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn Lê Văn Tỵ và Tư lệnh quân Dù Trần Thiện Khiêm xuống trực tiếp chỉ huy đợt tiến công. 17 giờ ngày 2.1, địch cho 7 máy bay vận tải C-47 chở Tiểu đoàn dù 8 thả xuống ấp Tân Hội, rơi đúng vào khu vực trận địa mai phục của Đại đội 1 (Tiểu đoàn 514). Bộ đội và du kích ta kịp thời đón đánh ngay khi lính dù còn lơ lưng trên không hay vừa chạm đất; một số lớn bị tiêu diệt số còn lại rút chạy tìm nơi ấn nấp, chờ trời tối rút lui. Ở hướng Đại đội 1 (Tiểu đoàn 261), các xe M113 còn lại cố tập trung hóa lực tiếp tục tiến công, chiếm được 1 đoạn hào chừng 30 m. Ta dùng súng phóng lựu diệt 1 xe và toàn bộ lính trên xe, buộc số xe còn lại phải lùi ra khỏi khu vực trận địa. Thấy quân dù đổ xuống ấp Tân Hội cũng như lực lượng bộ binh và thiết giáp tiến công vào Áp Bắc đều bị tổn thất nặng, tinh thần chiến đấu sút kém, chỉ huy địch ra lệnh cho quân lính trên các hướng rút ra vòng ngoài tổ chức trú quân, đợi sáng hôm sau tiếp tục tiến công. Qua một ngày chiến đấu thắng lợi, 22 giờ ngày 2.1.1963, bộ đội và du kích ở Áp Bắc bí mật rút khỏi vòng vây về căn cứ Đồng Tháp Mười an toàn. Phối hợp với Áp Bắc, ngày 2-3.1.1963, du kích và nhân dân hai bên lộ 4 và các thị trấn Tân Hiệp, Cai Lậy, Cái Bè đã kết hợp tiến công và nổi dậy diệt hơn 150 quân địch, bắn rơi 2 máy bay trực thăng, phá hủy 16 xe quân sự các loại. Lực lượng chính trị của quần chúng cũng được huy động phối hợp đấu tranh: nhân dân các xã Tân Phú Trung, Điềm Hi, Tân Hội kéo lên lộ 4 làm ách tắc đường tiến quân của địch, một bộ phận tiến vào thị trấn Cai Lậy, đấu tranh đòi địch chấm dứt càn quét; trưa 2.1, khi địch tập trung lực lượng mở đợt tiến công thứ 3 vào Ấp Bắc, hơn 700 người ở các xã Mĩ Hạnh Đông, Mĩ Hạnh Trung, Mĩ Phước Tây kéo đến khu trù mật Phước Mĩ bao vây các trận địa pháo, phản đối việc bắn pháo vào xóm làng, làm gián đoạn việc chi viện bằng pháo binh của địch...
Kết quả, trong trận Ấp Bắc ta loại khỏi chiến đấu 450 quân địch (có 11 cố vấn và nhân viên kĩ thuật Mĩ), bắn rơi 5 trực thăng, phá hủy 3 xe thiết giáp M113, đánh chìm 1 tàu chiến; đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân càn quét lớn của địch. Thắng lợi Áp Bắc thể hiện tinh thần dũng cảm, quyết tâm cao, trình độ, khả năng tác chiến ngày càng hoàn thiện của các lực lượng vũ trang giải phóng; là kết quả của sự vận dụng đúng đấu tranh chính trị và binh vận; lần đầu tiên đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mĩ và quân đội Sài Gòn, báo hiệu sự phá sản không tránh khỏi của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ; mở ra phong trào “thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công” trên toàn miền Nam Việt Nam. Với chiến công này, Tiểu đoàn 261 được tặng danh hiệu “Tiểu đoàn Hirôn” và Tiểu đoàn 514 được tặng danh hiệu “Tiểu đoàn Ấp Bắc”; liệt sĩ Nguyễn Văn Đừng được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)