Trận Bạch Đằng 938
Tháng 10.938, trước tình hình vua Nam Hán chuẩn bị đem đại quân tiến công xâm lược, Ngô Quyền gấp rút đưa quân từ Châu Ái (Thanh Hoá) ra Bắc tiến đánh thành Đại La (Hà Nội), tiêu diệt Kiều Công Tiễn cùng lực lượng phản động trong nước và nhanh chóng tổ chức, triển khai thế trận đón đánh quân địch. Trên cơ sở đánh giá tình hình và hướng tiến công của địch, Ngô Quyền quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt cánh quân thủy binh Nam Hán do Lưu Hoằng Thao chỉ huy trên vùng cửa sông Bạch Đằng, theo đó bố trí trận địa mai phục với những cọc gỗ bịt sắt nhọn đóng ngầm dưới nước để càn phá thuyền giặc, kết hợp giữa vận động tiến công và mai phục, đợi khi nước Triều Lên sẽ khiêu chiến nhử địch vào trận địa cọc ngầm sau đó tiên công tiêu diệt địch khi nước triều xuống.
Cuối 12.938, đoàn thuyền binh Nam Hán do Lưu Hoàng Thao chỉ huy từ Quảng Đông (Trung Quốc) vượt biển tiến vào nước ta. Khi những chiếc thuyền chiến đầu tiên của quân Nam Hán vừa đến vùng cửa biển Bạch Đằng, Ngô Quyền lệnh cho đội quân khiêu chiến do tướng Nguyễn Tất Tố chỉ huy sử dụng những chiếc thuyền nhẹ bất ngờ tiến ra chặn đánh và khéo léo nhử quân địch vào khu vực trận địa phục kích. Quân ta chiến đấu quyết liệt, vừa kìm chân địch chờ cho nước Triều lên cao, vừa không để chúng nghi ngờ nhằm giữ bí mật tuyệt đối cho trận địa mai phục. Thấy quân ta ít lại đang tìm cách rút chạy, Lưu Hoằng Thao lệnh đuổi theo tiêu diệt; càng đuổi quân Nam Hán càng tiến sâu vào cửa sông và lọt vào trận địa mai phục của quân ta. Vào thời điểm đoàn chiến thuyền của quân Nam Hán vượt qua vùng cửa sông Bạch Đằng thì nước triều cũng bắt đầu rút xuống. Chờ lúc toàn bộ đội hình địch đã lọt vào trận địa mai phục, đội quân khiêu chiến của ta được lệnh đánh quật trở lại, cầm cự với giặc tới khi nước thuỷ triều rút xuống thấp nhất; đồng thời Ngô Quyền đích thân chỉ huy đại quân từ 3 phía đổ ra, tiến đánh quyết liệt. Trận tiến công bất ngờ và mãnh liệt của thuỷ quân ta từ thượng lưu đánh xuống chặn đầu, kết hợp với quân thuỷ bộ mai phục ở hai bên bờ sông đánh vào bên sườn đội hình quân địch. Thuyền chiến của ta nhỏ nhẹ, dề cơ động, lại xuôi theo dòng nước triều lao thẳng vào đội hình thuyền chiến của địch, khiến chúng không kịp chống đỡ, tinh thần rối loạn. Đồng thời, các cánh quân của các tướng Dương Tam Kha, Đồ Cảnh Thạc, Ngô Xương Ngập, Nguyễn Tất Tố phối hợp với các đội dân binh đồng loạt tiến công. Toàn bộ đạo binh thuyền Nam Hán lọt vào vòng vây, bị đánh chặn phía trước và liên tiếp bị tiến công từ hai bên sườn đội hình buộc địch phải quay đầu rút chạy. Vào thời điểm đó nước thuỷ triều xuống thấp, trận địa cọc gỗ ngầm như một chướng ngại vật lớn ngăn chặn đoàn thuyền chiến địch; khiến toàn bộ chiến thuyền của địch bị vỡ, bị đắm và bị bắt; quân Nam Hán phần bị giết, phần chết đuối, số còn lại bị bắt, Hoằng Thao tử trận. Trận chiến đấu diễn ra và kết thúc trong vòng một ngày, trong đó thời gian chiến đấu ác liệt nhất là lúc nước triều xuống mạnh. Toàn bộ đạo quân xâm lược Nam Hán với hàng vạn quân và hàng trăm chiến thuyền đã bị tiêu diệt. Trận chiến diễn ra nhanh chóng, triệt để đến mức vua Nam Hán đang đóng quân ở sát biên giới không kịp tiếp ứng. Thất bại nặng nề trên sông Bạch Đằng khiến vua Nam Hán buộc phải ra lệnh rút quân về nước, từ bỏ ý đồ xâm lược.
Chiến thắng Bạch Đằng nói lên sự lớn mạnh của quân và dân Đại Việt đã biết kết hợp lối đánh du kích với đánh chính quy, không những đánh thắng trên bộ mà đánh thắng cả bằng thuỷ chiến. Đó là một điển hình về mưu trí sáng tạo, sự tính toán chính xác trong nghệ thuật quân sự của dân tộc ta, tiêu biểu là người anh hùng dân tộc Ngô Quyền, chỉ bằng một trận quyết chiến chiến lược đã đập tan hoàn toàn âm mưu xâm lược của quân Nam Hán. Đại tướng Kổ Nguyên Giáp nhận xét: “Trận thuỷ chiến này, với thuyền chiến và cọc gồ bịt sắt, với lối đánh dũng cảm và mưu trí, đánh dấu sức mạnh chiến đấu và trình độ phát triển của quân đội dân tộc ta thời đó”.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)