Trận Bạch Đằng 981
Cuối năm 980, sau khi được triều thần suy tôn lên ngôi vua (mở đầu Triều Tiền Lê), Lê Hoàn gấp rút chuẩn bị lực lượng và thế trận đối phó với âm mưu xâm lược của Nhà Tống. Trước thế giặc mạnh, ngày 10.12.980, Lê Hoàn sai người mang cống vật và chiếu thư xin Vua Tống phong vương để có thêm thời gian hòa hoãn và chuẩn bị lực lượng kháng chiến. Chiếu thư bị Vua Tống Thái Tông cự tuyệt, đồng thời lúc bấy giờ các đạo quân xâm lược của Nhà Tống đã trên đường tiến sang Giao Châu (Việt Nam). Trước tình hình đó, cùng với việc cử tướng Phạm Cự Lạng và một số tướng lĩnh khác đem quân trấn giữ những nơi hiểm yếu, Lê Hoàn thân chinh dẫn đại quân từ kinh đô Hoa Lư theo đường thủy tiến lên vùng Đông Bắc, triển khai lực lượng dọc theo tuyến sông Bạch Đằng và sông Kinh Thầy, kéo dài cho đến vùng Lục Đầu Giang, trong đó tập trung lực lượng cao nhất xây dựng trận địa ở vùng cửa sông Bạch Đằng và vùng Lục Đầu Giang là nơi hợp điểm các cánh quân thủy bộ của quân Tống. Đặc biệt, tại vùng cửa biển sông Bạch Đằng, theo kinh nghiệm của Ngô Quyền đánh quân Nam Hán (Trung Quốc) năm 938, Lê Hoàn cho quân đóng cọc gỗ tại nhiều vị trí trên sông, kết hợp các đạo quân thủy bộ ngăn chặn, không cho quân Tống từ biển tiến vào theo đường sông Bạch Đằng.
Ngày 24.1.981, cánh thủy binh chủ lực quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy tiến vào cửa sông Bạch Đằng. Mặc dù bị các đạo quân thủy bộ của ta chặn đánh quyết liệt, nhưng do có lực lượng lớn hơn, quân Tống giành được lợi thế, vượt qua trận địa cọc, chiếm được khu vực cửa sông Bạch Đằng và các làng mạc xung quanh. Tuy gặp thất bại trận đánh đầu tiên ở vùng cửa sông Bạch Đằng, với tổn thất hơn 1 nghìn quân và khoảng 200 chiến thuyền, nhưng quân và dân Đại Cồ Việt vẫn quyết tâm chiến đấu, từng bước ngăn chặn bước tiến của quân Tống trên các hướng, trong đó cánh quân bộ do Tôn Toàn Hưng chỉ huy từ Ung Châu tiến sang bị quân chủ lực và dân binh địa phương của ta liên tục chặn đánh gây nhiều thiệt hại, đến ngày 30.1.981, mới đến được Hoa Bộ (nay thuộc Thủy Nguyên, Hải Phòng), nhưng lại án binh bất động tại đây, không dám tiến quân để hợp điểm với cánh quân Hầu Nhân Bảo đánh chiếm thành Đại La và Hoa Lư theo kế hoạch.
Sau hơn 2 tháng tiến công xâm lược, tháng 3.981 (tháng 2 năm Tân Tị), cả hai cánh quân Tống do Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng chỉ huy đều lâm vào tình trạng khó khăn, do liên tục bị quân chủ lực của ta và dân binh các làng xã bao vây, tập kích, quấy rối khiến cho lực lượng bị tiêu hao, tinh thần binh lính suy giảm. Trước tình hình đó, trung tuần tháng 3.981, mặc dù chưa hợp điểm được với cánh quân Tôn Toàn Hưng, đồng thời lực lượng viện binh của Lưu Trừng và Trần Khâm Tộ cũng chưa kịp đến phối hợp, nhưng Hầu Nhân Bảo vẫn quyết định đem toàn bộ lực lượng từ sông Bạch Đằng lên sông Luộc để phá thành Bình Lỗ (vị trí hiện nay chưa xác định: có thuyết cho rằng thành Bình Lỗ là khu vực giữa sông Cầu và sông Cà Lồ, thuộc huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) rồi đánh chiếm kinh đô Hoa Lư. Tuy nhiên, mọi ý đồ tiến công của Hầu Nhân Bảo đều không thực hiện được, ngược lại còn bị đánh thiệt hại nặng, nhất là tại khu vực Lỗi Giang trên sông Lục Đầu Giang, buộc Hầu Nhân Bảo phải rút quân trở lại sông Bạch Đằng trong tình thế tiến thoái lưỡng nan và bị cô lập, không liên lạc được với các cánh quân khác.
Nắm chắc tình hình địch, Lê Hoàn chỉ đạo tiếp tục bao vây, ngăn chặn không cho các cánh quân Tống phối hợp được với nhau, đồng thời tập trung lực lượng mở trận quyết chiến tiêu diệt cánh quân của Hầu Nhân Bảo tại vùng cửa sông Bạch Đằng. Thực hiện kế hoạch trên, một mặt Lê Hoàn viết thư cho Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng giả vờ xin hòa hoãn, khiến cho quân Tống chủ quan không đề phòng, mặt khác bí mật tổ chức bố trí trận địa mai phục tại khúc sông hiểm yếu phía trên vùng cửa sông Bạch Đằng, sẵn sàng chờ thời cơ tiêu diệt quân địch. Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị, ngày 28.4.981 (tháng 3 năm Tân Tị), Lê Hoàn sử dụng một đạo thủy binh tiến đánh cánh quân Hầu Nhân Bảo rồi giả thua chạy; Hầu Nhân Bảo vội đem toàn bộ chiến thuyền truy đuổi, với hi vọng thay đổi thế trận, tiêu diệt quân chủ lực đối phương và “thừa thắng” giành lại quyền chủ động tiến công trên chiến trường. Chờ khi toàn bộ cánh quân Hầu Nhân Bảo lọt vào trận địa mai phục, Lê Hoàn lập tức tổ chức phản công. Từ các vị trí mai phục kết hợp quân ở khắp mọi hướng tiến về sông Bạch Đằng, các cánh quân ta tiến công quyết liệt, khiến cho quân Tống không thể chống đỡ, nhiều chiến thuyền bị đánh chìm cùng với phần lớn quân sĩ bị tiêu diệt, trong đó có cả chủ tướng Hầu Nhân Bảo. Nghe tin lực lượng thủy binh của Hầu Nhân Bảo bị đánh thiệt hại nặng trên sông Bạch Đằng, cánh quân của Tôn Toàn Hưng đang đóng ở Hoa Bộ và cánh quân của Trần Khâm Tộ ở Tây Kết (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên) hoảng sợ rút chạy, bị quân ta truy kích tiêu diệt đến quá nửa.
Kết quả, Trận Bạch Đằng 981 đã đập tan cánh quân chủ yếu của quân Tống, đánh chìm nhiều chiến thuyền, diệt nhiều quân sĩ trong đó có chủ tướng Hầu Nhân Bảo và nhiều tướng khác như Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân, buộc số quân còn lại phải hoảng loạn rút chạy. Thắng lợi của trận đánh góp phần quyết định vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Đại Cồ Việt thời Tiền Lê; đồng thời làm suy sụp tinh thần và ý chí xâm lược của vua quan Nhà Tống, mặc dù triều đại Nhà Tống ở Trung Quốc lúc bấy giờ đang thời kì cường thịnh. Về nghệ thuật quân sự: trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đây là trận quyết chiến chiến lược lần thứ hai của quân và dân ta diễn ra trên sông Bạch Đằng, thể hiện sự tiếp nối truyền thống và đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong quá trình đấu tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, với những bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật chủ động bố trí thế trận, khả năng tận dụng địa hình và lựa chọn khu vực tác chiến có lợi cho ta, bất lợi cho địch cũng như nghệ thuật sử dụng lực lượng và dùng mưu kế đánh địch phù hợp với điều kiện của một nước nhỏ chống lại cuộc xâm lược của một đế chế phong kiến lớn mạnh.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)