Sau chiến thắng Đồng Xoài, Quân ủy Trung ương và Bộ tư lệnh Miền chủ trương mở chiến dịch tiến công địch ở khu vực Dầu Tiếng trong đông xuân (1965-66), nhằm tiêu diệt một bộ phận quân chủ lực Quân đội Sài Gòn, hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ Dầu Một và mở rộng vùng giải phóng ở bắc Sài Gòn. Trong khi ta đang gấp rút chuẩn bị triển khai kế hoạch tác chiến chiến dịch, đêm 10.11, trinh sát phát hiện Lữ đoàn Bộ binh 3 (thuộc Sư đoàn Anh cả đỏ) của Mĩ đang triển khai lực lượng giải tỏa khu vực Dầu Tiếng; trong đó 2 tiểu đoàn bộ binh theo quốc lộ 13 xuống khu vực phía nam ấp Bàu Bàng, 1 tiểu đoàn bộ binh, 1 chi đoàn thiết giáp và 1 đại đội pháo 105 mm cùng sở chỉ huy nhẹ Lữ đoàn 3 đóng quân ở bãi trống phía tây bắc ấp Bàu Bàng, tiểu đoàn còn lại và 1 chi đoàn thiết giáp đóng ở phía nam ấp chiến lược Đồng Sổ (cách Bàu Bàng hơn 1 km về phía nam). Nhận được báo cáo của trinh sát, Đảng ủy và chỉ huy Sư đoàn 9 quyết định chuyển sang thực hiện phương án 2 (chủ động phản công nếu địch tiến công trước). Kế hoạch, sư đoàn sử dụng Trung đoàn Bộ binh 2 được tăng cường 2 tiểu đoàn bộ binh của các trung đoàn 1, 3 và toàn bộ hoả lực của sư đoàn, vận động tập kích cụm quân Mĩ ở phía tây bắc ấp Bàu Bàng ngay trong đêm 11.11; nếu gặp khó khăn thì chuyển sang đánh ban ngày với quyết tâm dứt điểm. Ngoài ra, sư đoàn còn bố trí Tiểu đoàn 9 chặn địch từ Đồng Sổ lên, đồng thời sử dụng Tiểu đoàn 7 làm lực lượng dự bị, sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị tiến công. 22 giờ ngày 11.11, quân Mĩ lại bất ngờ thay đổi bố trí lực lượng, trong đó cụm 1 chuyển về bãi đất trống phía tây nam Bàu Bàng, cụm 2 chuyển lên khu vực rừng cao su sát quốc lộ 13. Trước tình hình đó, Sư đoàn trưởng Hoàng Cầm quyết định sử dụng toàn bộ lực lượng đánh tiêu diệt cả hai cụm quân Mĩ. Cụ thể, Trung đoàn 2 sử dụng Tiểu đoàn 4 đột kích từ hướng bắc, Tiểu đoàn 6 vận động đánh xuống từ hướng đông bắc, đồng thời tổ chức một mũi vu hồi đánh chia cắt từ phía đông sang tây, phối hợp với Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 1) đột kích từ hướng tây sang đông tiêu diệt cụm 1; Trung đoàn 3 (thiếu Tiểu đoàn 7 và các đại đội 5,6 của Tiểu đoàn 8) được tăng cường Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 2) tiêu diệt cụm 2 (cụm phía nam); Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 3) làm lực lượng dự bị. 

Trận Bàu Bàng (12/11/1965)

Theo kế hoạch, 5 giờ 3 phút ngày 12.11, Tiểu đoàn 1 nổ súng phá vỡ tuyến công sự vòng ngoài, tiêu diệt một bộ phận quân Mĩ ở phía tây cụm 1, nhưng đến 5 giờ 45 phút bị cụm cơ giới địch bắn ngăn chặn, phải dừng lại để củng cố đội hình; phối hợp với Tiểu đoàn 1, vào lúc 5 giờ 15 phút, Tiểu đoàn 9 bắt đầu tiến công từ phía tây nam cụm 2 lên, chọc thủng đội hình bố trí của địch. Quân địch bị đánh bất ngờ và bị chia cắt, sau ít phút mới tổ chức lực lượng cơ giới ngăn chặn. Tận dụng thời cơ pháo binh địch ở Lai Khê bị đại đội cối 81 mm của Trung đoàn 2 kiềm chế không hoạt động được, đồng thời địch chưa kịp điều máy bay đến đánh phá, các mũi đột kích của ta tăng tốc độ tiến công. Trên hướng Tiểu đoàn 1, sau khi củng cố lực lượng, đơn vị tổ chức đánh vào cạnh sườn đội hình xe tăng địch, rồi chọc thẳng ra quốc lộ 13, phối hợp với Đại đội 11 của Tiểu đoàn 6 từ hướng đông bắc đánh xuống; cùng thời gian đó, Tiểu đoàn 4 từ hướng bắc Bàu Bàng nhanh chóng vận động tiến công, sử dụng hỏa lực ĐKZ và súng máy 12,7 mm diệt cơ giới và bộ binh địch ở phía bắc cụm 1, nhưng không xung phong vào tung thâm hiệp đồng cùng các đơn vị bạn. 6 giờ 10 phút, Tiểu đoàn 6 từ hướng đông bắc Bàu Bàng vận động xuống đánh thẳng vào cụm 1; sau khi chọc thủng tuyến công sự vòng ngoài của địch, tiểu đoàn sử dụng Đại đội 11 đánh vào sườn phía đông sang phía tây, thực hiện chia cắt địch, phối hợp với Đại đội 2 (Tiểu đoàn 1) đánh trận địa pháo cối, rồi phát triển đánh vào Sở chỉ huy địch. Tiểu đoàn 5 đột kích qua quốc lộ 13 chia cắt hai cụm quân Mĩ, sau đó đưa Đại đội 7 phát triển lên hướng bắc phối hợp với Tiểu đoàn 1 và Đại đội 11 (Tiểu đoàn 6) diệt địch ở cụm 1; đồng thời sử dụng một bộ phận nhỏ phát triển xuống phía nam phối hợp với Tiểu đoàn 9 đánh chia cắt địch ở cụm 2. Sau hơn 1 giờ chiến đấu, do các đơn vị của ta phát triển tiến công không đều, lực lượng cơ giới địch đã kịp tổ chức lại thành các cụm nhỏ, dùng hoả lực ngăn chặn. Chỉ huy sư đoàn gấp rút điều chỉnh lại đội hình tiến công, theo đó tiến hành chia cắt địch ở cụm 1 ra làm nhiều cụm nhỏ, tạo thế xen kẽ đánh gần nhằm hạn chế hỏa lực pháo binh và không quân địch; đến 8 giờ 30 phút, ta đã cơ bản tiêu diệt lực lượng quân địch. Tại cụm 2, Tiểu đoàn 9 sử dụng Đại đội 7 là lực lượng dự bị của Tiểu đoàn 8 cùng với các đại đội 12 và 13 tổ chức tiến công dọc theo quốc lộ 13 lên phía bắc, phối hợp với lực lượng dự bị của Tiểu đoàn 5 lần lượt tiêu diệt từng bộ phận quân địch; 7 giờ 50 phút, chỉ huy sư đoàn tiếp tục đưa thêm lực lượng dự bị vào chiến đấu, đến 8 giờ 40 phút, trận đánh kết thúc. Kết quả, ta đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn bộ binh, 2 chi đoàn thiết giáp và 1 đại đội pháo, loại khỏi chiến đấu khoảng 1 nghìn quân Mĩ, bắn cháy và phá hủy 39 xe quân sự, 8 pháo 105 mm, 2 cối 106,7 mm, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự; ta hi sinh 109, bị thương 200 người.

Quân Mĩ bị thương vong trong Trận Bàu Bàng

Trận Bầu Bàng là trận đánh then chốt mở đầu chiến dịch, góp phần quan trọng vào thắng lợi Chiến dịch Bàu Bàng - Dầu Tiếng; lần đầu tiên trong kháng chiến chống Mĩ, ta tổ chức trận đánh quy mô cấp sư đoàn, phát huy cách đánh vận động tập kích táo bạo bất ngờ, chia cắt và đánh gần để hạn chế điểm mạnh của địch. Sư đoàn 9 đã thể hiện quyết tâm chiến đấu cao, vận dụng cách đánh sáng tạo, tổ chức chiến đấu và xử lí các tình huống kịp thời, chính xác, tận dụng được yếu tố bất ngờ; đó là kết quả của quá trình xây dựng ý chí và rèn luyện kỉ luật, phát huy tinh thần chủ động tiến công, hiệp đồng chiến đấu của bộ đội ta trong tác chiến với quân Mĩ trên chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)