Trận Chân Mộng - Trạm Thản (17/11/1952)

Thu - Đông 1952, bị quân và dân ta tiến công mạnh trên chiến trường Tây Bắc, quân Pháp đối phó lại bằng cách mở cuộc hành quân càn quét lớn, dài ngày mang tên Loren (Loraine) ở Phú Thọ, nhằm kìm chân bộ đội chủ lực, đánh phá hậu phương kháng chiến của ta. Trước việc địch hành quân càn quét Phú Thọ, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh vẫn giữ vững quyết tâm tập trung lực lượng thực hiện mục đích chiến dịch Tây Bắc, đánh địch ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, đồng thời tăng cường Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) cho Mặt trận Phú Thọ. Trung đoàn 36 gồm 3 tiểu đoàn bộ binh và một số đại đội binh chủng (công binh, hoả lực, thông tin, vận tải), Trung đoàn trưởng Phạm Hồng Sơn, Chính ủy Lê Linh. Khi trung đoàn đang tham gia Chiến dịch Tây Bắc, ngày 10.11 được lệnh quay trở lại Phú Thọ phối hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ chống phá cuộc hành quân Loren, ngăn chặn địch tiến sâu vào hậu phương ta, bảo vệ cơ quan công xưởng, kho tàng và nhân dân. Đêm 16.11, Trung đoàn 36 chuẩn bị đánh đồn Chân Mộng thì phát hiện quân Pháp đang rút lui khỏi Đoan Hùng. Trung đoàn nhanh chóng triển khai phương án đánh vận động phục kích trên quốc lộ 2 đoạn Chân Mộng - Trạm Thản. Từ Chân Mộng - Năng Yên, Trạm Thản (dài hơn 1 km) chạy qua vùng đồi núi thuộc dãy điểm cao 207 và 212, có đoạn hai bên đường là rừng cây rậm rạp rất thuận lợi cho triển khai lực lượng phục kích đánh địch. Đoạn km 35 đến km 40, hai bên đường dốc đứng (cao 0,4-6 m), xen kẽ là những ruộng lầy. Trận địa phục kích chính được xác định từ km 36 + 500 đến km 38 + 800. Kế hoạch phục kích: Tiểu đoàn 80 làm nhiệm vụ chặn đầu, Tiểu đoàn 89 làm nhiệm vụ khoá đuôi và đánh xuyên sườn từ phía nam đồn Chân Mộng. 5 giờ ngày 17.11, các tiểu đoàn 80 và 89 chiếm lĩnh xong vị trí chiến đấu. Tiểu đoàn 84 bố trí 1 đại đội kiềm chế đồn Chân Mộng, các đại đội còn lại làm lực lượng dự bị.
Sáng 17.11, địch bắt đầu rút khỏi Đoan Hùng, đi đầu là Binh đoàn cơ động 4 (GM4), có xe tăng hộ tống, tiếp đến là GM1, GM3 và GM5. 7 giờ ngày 17.11, đơn vị đi đầu của địch đến đồn Chân Mộng, vừa đi vừa sục sạo hai bên đường, bắt được 2 chiến sĩ ta mặc dù không khai thác được tin tức gì, song địch rút quân rất thận trọng về phía Phú Hộ, Việt Trì. Trên hướng Năng Yên (trận địa của Tiểu đoàn 80), quân Pháp sục sạo và bắn phá khắp nơi. Khu vực trận địa của Tiểu đoàn 89 bị đại bác địch bắn phá dữ dội, làm cho một số cán bộ, chiến sĩ ta thương vong; tuy vậy, đơn vị vẫn giữ bí mật, ổn định đội hình chiến đấu. Khi bộ phận đi đầu của địch lọt vào trận địa phục kích, ta không nổ súng, tiếp tục đợi thời cơ (khi địch đi qua trận địa phục kích, ta được lệnh tiến sát trục đường).   

Trận Chân Mộng - Trạm Thản ( 17/11/1952)

Lực lượng đi sau của địch gồm hàng chục xe cơ giới và bộ binh, đội hình kéo dài hàng kilômét, tiến vào khu vực trận địa phục kích; địch chủ quan vì bộ phận đi đầu đã thông đường an toàn. 9 giờ 43 phút, khi đội hình chủ yếu của địch lọt vào khu vực phục kích, ta đồng loạt nổ súng tiến công vào đội hình hành quân của Pháp trên đoạn đường dài gần 2 km. 1 xe của quân Pháp trong tốp đi đầu, trúng đạn, đổ nghiêng trên đường, tạo thành vật cản làm cho địch bị ùn lại, binh lính hoảng loạn, một số chui vào gầm xe, một số liều mạng tản ra; chống cự khá quyết liệt. Tận dụng thời cơ, từ các vị trí phục kích trên các sườn đồi, ta đồng loạt xung phong, chặn đầu, khoá đuôi, đánh giáp lá cà diệt và bắt phần lớn địch, sau đó tiếp tục truy kích diệt thêm một số, buộc quân Pháp ở đồn Chân Mộng hoảng sợ bỏ đồn rút chạy. Sau 30 phút chiến đấu, nhận thấy mục tiêu đã hoàn thành, Ban chỉ huy Trung đoàn lệnh rút quân. Đơn vị thu chiến lợi phẩm, áp giải tù binh, nhanh chóng rời khỏi trận địa, tản vào các khu rừng lân cận về vị trí tập kết an toàn.

Tù binh Pháp bị bắt trong Trận Chân Mộng - Trạm Thản

Kết quả, ta phá hủy 44 xe quân sự, trong đó có 17 xe tăng, xe thiết giáp, diệt 400, bắt 84 địch, làm tan rã GM4 và một phần GM1; ta thương vong 30 người. Trận đánh đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, làm thất bại một bước cuộc hành quân Loren của Pháp, giải phóng một khu vực quan trọng, đồng thời góp phần bảo đảm cho quân ta thực hiện chiến dịch Tây Bắc theo đúng kế hoạch.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)