Trận chiến đấu phòng không 17/10/1972
Từ cuối tháng 9.1972, lực lượng không quân Mĩ đưa 2 đại đội máy bay F-111A đầu tiên thuộc Liên đội không quân 47 sang sân bay Tắc Li (Thái Lan), nhằm tăng cường hoạt động đánh phá miền Bắc Việt Nam. Đây là loại máy bay cường kích chiến thuật hiện đại của không quân Mĩ, có khả năng hoạt động ở địa hình phức tạp (độ cao hoạt động từ 200 m trở lên, tốc độ bay lớn nhất gấp 2,5 lần tốc độ âm thanh), mang được hơn 8 tấn vũ khí. Ngoài ra, máy bay F-111A còn được trang bị máy gây nhiễu điện tử hiện đại, gây nhiễu ở các dải tần khác nhau, chống lại sự phát hiện cùa các loại rađa. Đặc biệt, máy bay F-111A còn có cánh cụp, cánh xoè để tăng, giảm tốc độ và thiết bị tự động bay ở độ cao thấp và rất thấp. Với tính năng kĩ thuật rất hiện đại, máy bay F-111A được không quân Mĩ sử dụng chủ yếu hoạt động đánh phá ban đêm. Để tránh bị phát hiện, phi công Mĩ thường áp dụng thủ đoạn bay thấp, lợi dụng các lõng núi, trục đường giao thông, sông ngòi vào đánh phá mục tiêu. Thủ đoạn hoạt động bay thấp, đánh đêm, đột nhập bất ngờ của máy bay F-111A đã gây nhiều khó khăn cho lực lượng phòng không của ta trong việc phát hiện và đánh trả.
Trong thời gian này, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Huyện ủy và UBND Huyện, Huyện đội Yên Lãng chủ trương củng cố và phát triển lực lượng phòng không địa phương vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, phối hợp với các đơn vị bạn bảo vệ mục tiêu trên địa bàn. Dân quân xã Tiền Châu được giao nhiệm vụ làm lực lượng thường trực phòng không, phối hợp với các đơn vị phòng không trong khu vực, chủ yếu tập trung đánh máy bay địch bay thấp. Xã Tiền Châu thuộc địa hình trung du Bắc Bộ, phía bắc giáp xã Sơn Lôi, phía đông giáp xã Đạo Đức cách sân bay Nội Bài 10 km về phía đông, cách dãy núi Tam Đảo 50 km về phía bắc - đông bắc, có đường quốc lộ 2 và đường sắt tuyến Hà Nội - Lào Cai chạy qua, sông Cà Lồ chia xã thành 2 phần. Đây là nhũng vật chuẩn không quân địch có thế lợi dụng địa hình để bay thấp và làm điểm kiểm tra trên đường vào đánh phá mục tiêu như sân bay Nội Bài, cầu Thịnh Kì và các kho tàng. Thực hiện nhiệm vụ được giao, xã đội Tiền Châu nhanh chóng triển khai xây dựng trận địa phục kích ở khu Đồng Cao, phía bác thôn Thịnh Kì, là vị trí thuận lợi đón lõng đường bay bay thấp của địch. Lực lượng tham gia gồm 9 dân quân, trang bị 3 súng đại liên và một số súng trường K44, được tổ chức thành 1 trung đội, với 3 khẩu đội bố trí cách nhau khoảng 70 m, trong đó mỗi khẩu đội có 3 người, trang bị 1 khẩu đại liên. Hàng ngày, các khẩu đội thường xuyên tiến hành huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu, củng cố ngụy trang công sự, đồng thời luân phiên trực ban chiến đấu liên tục ngày đêm. Những ngày đầu trực chiến, đơn vị đã vài lần nồ súng khi máy bay địch bay qua trận địa. nhưng chưa đạt kết quả; đơn vị nghiêm túc tổ chức rút kinh nghiệm để tìm nguyên nhân và đề ra biện pháp khắc phục.
0 giờ ngày 17.10, ngay sau khi có lệnh báo động và một số trận địa phòng không ở khu vực sân bay Nội Bài đã nổ súng đánh trả máy bay địch (đây là điều kiện thuận lợi để đơn vị xác định được đường bay thấp của máy bay địch), các chiến sĩ dân quân xã Tiền Châu vào vị trí chiến đấu. Với bài học kinh nghiệm rút ra từ những trận đánh trước đó, đồng thời qua theo dõi hướng đạn pháo phòng không của các đơn vị bạn, sau ít phút theo dõi chiến sĩ trinh sát của trung đội đã phát hiện chính xác 1 chiếc máy bay địch bay thấp từ hướng bắc lao vào trận địa. Theo lệnh của Trung đội trưởng Can, các khẩu đội nhanh chóng bám sát mục tiêu và chớp thời cơ đồng loạt nổ súng; máy bay địch trúng đạn, rơi tại khu vực đầm Cuội, cách trận địa khoảng 3 km.
Trận đánh diễn ra nhanh gọn, đạt hiệu suất chiến đấu cao, với 50 viên đạn súng bộ binh, trung đội dân quân xã Tiền Châu đã bắn rơi tại chỗ 1 máy bay F-111A của không quân Mĩ, đồng thời bảo đảm đơn vị an toàn. Đây là chiếc máy bay F-111A đầu tiên của không quân Mĩ bị lực lượng dân quân tự vệ bắn rơi tại chỗ bằng súng bộ binh, đồng thời là chiếc máy bay thứ 4 nghìn của không quân Mĩ bị bắn rơi trên miền Bấc. Chiến công của dân quân xã Tiền Châu thể hiện sức mạnh của lực lượng phòng không ba thứ quân trong cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không ở Việt Nam, mặc dù trang bị vũ khí kém hơn, nhưng đã tích cực góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng lực lượng không quân hiện đại của quân đội Mĩ. Trận đánh để lại nhiều bài học kinh nghiệm tốt cho việc tổ chức, xây dựng và phối hợp hoạt động chiến đấu của lực lượng dân quân tự vệ với các đơn vị phòng không chủ lực trong cuộc chống chiến tranh phá hoại, đặc biệt là việc đối phó với thủ đoạn bay thấp đánh đêm của loại máy bay F-111A trong những tháng cuối năm 1972.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)