Trận chiến đấu Phòng Không 24-27.7.1965 (Trận Suối Hai)

Từ tháng 5.1965, Mĩ mở rộng chiến tranh phá hoại leo thang đánh phá toàn bộ miền Bắc Việt Nam. Để đối phó với lực lượng phòng không và không quân Việt Nam, không quân Mĩ đã áp dụng nhiều thủ đoạn như: sử dụng máy bay bay trên độ cao trung bình để tránh hỏa lực pháo phòng không, tăng cường máy bay tiêm kích hộ tống đánh chặn máy bay MiG, đồng thời sử dụng nhiễu ngoài đội hình và chế áp lực lượng phòng không trên các hướng để tạo thuận lợi cho các tốp máy bay cường kích vào đánh phá mục tiêu nằm sâu trong nội địa. Trước yêu cầu mới của tình hình chiến trường, Bộ tổng tham mưu quyết định đưa lực lượng tên lửa phòng không vào chiến đấu, nhằm nâng cao sức mạnh của hệ thống hoả lực phòng không, kịp thời đối phó với âm mưu và thủ đoạn hoạt động của không quân Mĩ.
Đầu tháng 7.1965, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân gấp rút triển khai kế hoạch tác chiến, giao nhiệm vụ cho Trung đoàn Tên lửa 236 (thành lập ngày 7.1.1965) sử dụng 2 tiểu đoàn tên lửa 63 và 64, tổ chức trận địa đánh máy bay Mĩ tại khu vực Suối Hai, đồng thời điều 2 trung đoàn pháo phòng không (224, 234 và 1 đại đội pháo phòng không 37 mm của Trung đoàn 250); Tiểu đoàn 3 pháo phòng không 57 mm của Quân chủng Phòng không - Không quân; 1 tiểu đoàn súng máy phòng không 14,5 mm; 2 đại đội pháo phòng không 37 mm của Trường sĩ quan phòng không; các đại đội rađa 26A, 37,18, 21; 10 trận địa súng máy phòng không và các tổ bắn máy bay bay thấp của các địa phương tỉnh Hà Tây và lực lượng dân quân tự vệ các huyện Ba Vì, Tùng Thiện, Quảng Oai, tạo thành cụm tác chiến phòng không nhiều tầng, với nhiều loại hoả lực có thể hỗ trợ hiệu quả cho nhau. Cụ thể, đội hình chiến đấu của lực lượng pháo phòng không được chia thành 3 cụm liên hoàn bao quanh trận địa tên lửa, trong đó cụm 1 (cụm A) bố trí ở đồi chùa Ghề, làm nhiệm vụ bảo vệ trận địa Tiểu đoàn Tên lửa 63, tiêu diệt máy bay địch dọc theo trục sông Đà, sông Hồng và đỉnh núi Lưỡi Hái; cụm 2 (cụm B) ở Vô Khuy, làm nhiệm vụ bảo vệ trận địa Tiểu đoàn Tên lửa 64, tiêu diệt máy bay địch từ đỉnh núi Lưỡi Hái, Ba Vì bay vào; cụm 3 (cụm trung tâm) ở trung tâm, làm nhiệm vụ tiêu diệt máy bay địch từ xa để bảo vệ lực lượng trong toàn cụm. Ngoài ra, các đại đội rađa 26A, 37, 18, 21 làm nhiệm vụ phát hiện và bám sát các tốp máy bay địch trên vùng trời Tây Bắc, kịp thời hỗ trợ cho các đơn vị trong quá trình chiến đấu.

Trận chiến đấu Phòng Không ( 24-27/7/1965)

Chiều 24.7, phát hiện nhiều tốp máy bay địch từ hướng tây Hà Nội bay vào khu vực trận địa, sở chỉ huy Tiền phương Quân chủng lệnh cho các đơn vị vào vị trí chiến đấu, hạ quyết tâm tiêu diệt. Khoảng 15 giờ 50 phút khi máy bay địch bay vào vùng hoả lực, các tiểu đoàn tên lửa 63, 64 xử lí phần tử chính xác, mỗi tiểu đoàn được lệnh phóng 2 tên lửa tiêu diệt gọn tốp máy bay 3 chiếc F-4C ở độ cao 7 nghìn mét (1 chiếc rơi tại chỗ), bắt 1 phi công. Ngay trong đêm 24.7, các tiểu đoàn tên lửa được lệnh bí mật cơ động sang trận địa mới tại xã Kim Đái (Tùng Thiện) và Thượng Thụy (huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội); đồng thời tại các trận địa cũ ta bố trí 2 bộ khí tài tên lửa giả làm bằng tre và cót để nhử địch, tạo điều kiện cho các cụm pháo phòng không tiêu diệt.
Ngày 26.7, địch sử dụng máy bay không người lái tầm cao BQM- 34A và máy bay RF-101 vào trinh sát khu vực trận địa, bị Tiểu đoàn Tên lửa 64 bắn rơi (2 máy bay). Bị đánh thiệt hại nặng, từ 14 giờ 10 phút ngày 27.7 sau khi tiếp tục dùng máy bay RF-101 trinh sát phát hiện mục tiêu, địch huy động 50 máy bay các loại (gồm 36 máy bay cường kích F-105, một số máy bay tiếp dầu KC-135, máy bay trực thăng HH-53 và AD-6 hộ tống) tổ chức 3 đợt đánh phá trong đó tập trung tiêu diệt các trận địa tên lửa của ta. Tuy nhiên, do ta làm tốt công tác nghi binh, giữ bí mật nên máy bay địch chủ yếu đánh phá các trận địa tên lửa giả ở đồi chùa Ghề và Vô Khuy. Tận dụng cơ hội trên, các đơn vị pháo phòng không phối hợp đánh trả quyết liệt, sau 40 phút chiến đấu liên tiếp bắn rơi 5 máy bay (2 chiếc rơi tại chỗ, bắt 3 phi công), trong đó Trung đoàn 234 bắn rơi 3 chiếc F-105, Trung đoàn 224 bắn rơi 1 chiếc AD-6 và 1 chiếc F-105.
Kết quả toàn trận đánh, ta bắn rơi 10 máy bay Mĩ (tên lửa bắn rơi 5 chiếc, pháo phòng không bắn rơi 5 chiếc), trong đó có chiếc máy bay Mĩ thứ 400 bị bắn rơi trên miền Bắc; ta hi sinh 2, bị thương 6 chiến sĩ. Trận đầu ra quân thắng lợi của bộ đội Tên lửa Phòng không nhân dân Việt Nam, đồng thời là trận đánh hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng phòng không đạt hiệu suất chiến đấu cao. Trận đánh để lại nhiều bài học kinh nghiệm về tổ chức lực lượng, thực hành tác chiến hiệp đồng binh chủng của các lực lượng phòng không, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp đánh bại mọi thủ đoạn đánh phá của không quân Mĩ. Đặc biệt với trận đánh này, ta đã sớm hình thành cụm tác chiến phòng không trong nghệ thuật tác chiến của bộ đội Phòng không nhân dân Việt Nam, được vận dụng hiệu quả trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mĩ ở miền bắc Việt Nam sau này. Ngày 24.7 trở thành ngày truyền thống của bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)