Trận chiến đấu Phòng Không 5/8/1964
Thực hiện âm mưu mở rộng chiến tranh ra miền Bắc nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam, cứu vãn sự thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ ở chiến trường miền Nam, từ đầu 1964, Mĩ và quân đội Sài Gòn đã tăng cường các hoạt động trinh sát, tung biệt kích phá hoại gây rối ở miền Bắc. Đặc biệt ngày 2 và 4.8.1964, hải quân Mĩ liên tiếp đưa tàu khu trục Mađôc và tàu khu trục Tơcnơ Gioi tiến sâu vào hải phận miền Bắc Việt Nam, tiến hành các hoạt động khiêu khích và dựng lên Sự kiện vịnh Bắc Bộ (8.1964), nhằm tạo cớ mở các cuộc tiến công “trả đũa” bằng không quân và hải quân ra miền Bắc Việt Nam. Trên cơ sở đó, ngày 4.8.1964 Tổng thống Mĩ Giônxơn ra lệnh mở cuộc tập kích đường không mang tên hành quân Mũi tên xuyên, đánh phá các mục tiêu thuộc một số tỉnh ven biển miền Bắc Việt Nam.
Đầu tháng 3.1964, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh quyết định chuyển một bộ phận lực lượng vũ trang miền Bắc từ trạng thái thời bình sang thời chiến. Theo đó, từ cuối tháng 6.1964, các quân chủng hải quân, phòng không - không quân, bộ đội biên phòng và các binh đoàn chủ lực cơ động của quân đội nhân dân Việt Nam được lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao; các đơn vị tăng thời gian học chiến thuật phục kích bắn máy bay địch bay thấp và luyện tập hiệp đồng với dân quân tự vệ và nhân dân vây bắt biệt kích, phi công Mĩ nhảy dù... Đặc biệt, lực lượng phòng không đã xây dựng được 12 trung đoàn và 2 tiểu đoàn pháo phòng không (trang bị đủ các loại pháo phòng không từ 37 mm đến 100 mm), 5 trung đội súng máy phòng không 14,5 mm cùng hệ thống báo động phòng không và các tổ, đội dân quân tự vệ bắn máy bay tầm thấp.
Ngày 5.8.1964, theo lệnh của Tổng thống Mĩ, lực lượng không quân thuộc Hạm đội 7 sử dụng 64 lần chiếc máy bay A-1, A-4, F-4, F-8 cất cánh từ 2 tàu sân bay Conxtelâysân (Constellation) và Taiconđơrôgơ (Ticonderoga) tiến công đánh phá các mục tiêu quân sự, dân sự ở một số vùng ven biển miền Bắc Việt Nam như khu vực cảng sông Gianh (Quảng Bình), Bến Thủy (Vinh), Lạch Trường (Thanh Hóa), Bãi Cháy (Quảng Ninh).
Tại khu vực Vinh - Bến Thủy, 12 giờ 25 phút địch sử dụng 8 máy bay cường kích (loại A-4, F-8U, AD-6) cất cánh từ tàu sân bay Taiconđơrôgơ dùng thủ đoạn bay thấp vào đánh phá kho xăng, trận địa pháo và tàu hải quân của ta ở Cửa Hội. Trung đội súng máy 14,5 mm thuộc Trung đoàn Pháo phòng không 280 đóng trên núi Quyết là đơn vị đầu tiên phát hiện bằng mắt thường và kịp thời nổ súng; tiếp đó, các đơn vị của Trung đoàn 280, Tàu hải quân 187 cũng nhanh chóng phối hợp đánh địch. Bằng cách đánh tập trung vào 1 mục tiêu, sau 30 phút chiến đấu, Trung đoàn 280 cùng các lực lượng phòng không khu vực Vinh - Bến Thủy bắn rơi 2 máy bay địch.
Tại Thanh Hóa, từ 14 giờ 30 phút đến 15 giờ 30 phút, lực lượng không quân Mĩ gồm 6 chiếc F-8U, 2 chiếc AD-6, 2 chiếc A-4D xuất phát từ tàu sân bay Conxtelâysân, bay thấp dọc theo ven biển lên phía bắc, lợi dụng núi cao làm vật che khuất để tiếp cận công kích các tàu hải quân Việt Nam ở cửa sông Lạch Trường. Được vọng quan sát rađa bố trí ở mỏm núi sầm Sơn kịp thời phát hiện và thông báo mục tiêu từ xa, khẩu đội súng máy phòng không 14,5 mm của Đại đội rađa 15 thực hiện bắn đón chính xác, bắn rơi 1 máy bay Mĩ. Tiếp đó, các tàu hải quân cùng dân quân Lạch Trường chiến đấu kiên cường, bắn rơi 1 máy bay Mĩ. Cùng thời gian, không quân Mĩ sử dụng 2 tốp máy bay (8 chiếc), theo hướng các đảo phía Cửa Giữa bay vào công kích các tàu hải quân đang neo đậu ở cảng Hòn Gai, Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh.
Tại đây, tiểu đội súng máy phòng không 14,5 mm của Tiểu đoàn 217 (Trung đoàn 240) do Trung đội phó Trương Thanh Luyện chỉ huy kịp thời đánh trả, bắn rơi tại chỗ 1 máy bay A-4, phi công Anvaret nhảy dù bị tự vệ và dân quân bắt làm tù binh, là phi công Mĩ đầu tiên bị bắt trên chiến trường miền Bắc trong kháng chiến chống Mĩ (1954-75). Trong khi đó, các tàu hải quân 134, 227 vừa bắn trả địch, vừa cơ động ra ngoài vịnh Hạ Long phối hợp với các đơn vị pháo phòng không của Tiểu đoàn 217 (Trung đoàn 240) và dân quân tự vệ chiến đấu bắn rơi thêm 1 máy bay. 16 giờ 30 phút, nhiều tốp máy bay Mĩ tiếp tục đánh phá một số mục tiêu ở đèo Ngang, cảng sông Gianh và thành phố Vinh, trong đó tại thành phố Vinh Trung đoàn 280 bắn rơi 1 chiếc.
Kết quả, với tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao, quân dân miền Bắc đã bẻ gãy nhiều đợt tiến công đánh phá của lực lượng không quân Mĩ, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương 1 chiếc khác, lần đầu tiên bắt sống phi công Mĩ. Chiến thắng ngày 5.8.1964 góp phần cổ vũ mạnh mẽ tinh thẩn chiến đấu, củng cố niềm tin dám đánh và quyết đánh thắng Mĩ của quân dân cả nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Kinh nghiệm trận đầu đánh thắng không quân Mĩ được vận dụng hiệu quả trong tổ chức lực lượng phòng không ba thứ quân chống chiến tranh phá hoại của Mĩ trên miền Bắc, đồng thời chứng minh bộ đội phòng không vẫn có thể bắn rơi được nhiều máy bay hiện đại của Mĩ bằng những loại vũ khí thông thường, bảo vệ vững chắc miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)