Trận Đắk Pơ (24/6/1954)
Tại Liên khu 5, cuối tháng 6.1954, phát hiện nhiều dấu hiệu địch có thể rút khỏi một số nơi, thu hẹp địa bàn chiếm đóng, nhằm tập trung bảo vệ những địa bàn quan trọng, Bộ tư lệnh Liên khu đã chỉ thị cho Trung đoàn 96 nắm chắc tình hình, sẵn sàng phục kích tiêu diệt địch rút khỏi An Khê. Sáng 23.6, phán đoán địch có khả năng rút khỏi An Khê, Trung đoàn 96 hạ quyết tâm tổ chức trận địa phục kích tiêu diệt địch tại khu vực Đắk Pơ trên quốc lộ 19 (đoạn từ An Khê đi Pleiku). Lực lượng địch rút quân gồm toàn bộ Binh đoàn cơ động 100 (GM 100) với 3 tiểu đoàn, cùng 1 tiểu đoàn pháo binh, Tiểu đoàn khinh quân 520 và một số đơn vị đóng ở An Khê. Lực lượng ta tham gia trận đánh gồm: Trung đoàn 96 (3 tiểu đoàn bộ binh 79, 40, 30) và 2 đại đội trợ chiến (6 cối 81 mm, 1 súng phóng bom và 14 SKZ 60 mm), được tăng cường 2 đại đội của Trung đoàn 120 và 1 đại đội của Tiểu đoàn 79 đang hoạt động ở Quy Nhơn; do Nguyễn Minh Châu làm Trung đoàn trưởng.
Toàn bộ lực lượng phục kích được bố trí ở dãy đồi phía bắc, cách đường khoảng 1 km, gồm: Tiểu đoàn 79 (2 đại đội), làm nhiệm vụ tiêu diệt quân địch trên đoạn đường 800 m ở phía đông cầu Đắk Pơ, Tiểu đoàn 79 sử dụng Đại đội 223 làm nhiệm vụ khoá đuôi; Tiểu đoàn 40 được tăng cường 1 đại đội của Trung đoàn 120, có nhiệm vụ tiêu diệt địch trên đoạn đường 400 m ở phía tây cầu Đăk Pơ, tiểu đoàn sử dụng 1 trung đội của đại đội địa phương làm nhiệm vụ chặn đầu; ngoài ra, trung đoàn còn sử dụng 1 đại đội của Tiểu đoàn 40 làm lực lượng đối diện, bố trí ở các quả đồi phía nam đường, 1 đại đội (thiếu) của Tiểu đoàn 40 làm lực lượng dự bị; hoả lực của trung đoàn chủ yếu tăng cường cho các tiểu đoàn, chỉ giữ lại bộ phận cối 81 mm để chi viện chung.
Trận địa phục kích trên đoạn đường dài khoảng 1.200 m, từ khu vực phía tây cầu Đắk Pơ 400 m đến phía đông cầu Đắk Pơ 800 m, thuộc xã Hà Tam, huyện An Túc (nay là huyện An Khê, tỉnh Gia Lai). Đây là đoạn đường hẹp, nhiều dốc, quanh co, khúc khuỷu; phía bắc có nhiều dãy đồi cao liên tiếp, dốc thoải đến mặt đường, đôi chỗ tạo thành vách đứng (ta luy) cao từ 2-3 m, trên đồi có nhiều cây xen kẽ, cỏ tranh rậm rạp; từ mặt đường ra 50 m, cây cối bị phát quang. Phía nam, ngay lề đường là dốc đứng, vách sâu, cả đoạn đường hơn 1 km chỉ có vài chỗ có thể lên xuống được; cách đường khoảng 1 km là những quả đồi độc lập có thể bố trí lực lượng đối diện.
Đêm 23.6, Trung đoàn được lệnh hành quân chiếm lĩnh xây dựng trận địa phục kích, đến 7 giờ ngày 24.6 đã triển khai lực lượng đúng vị trí theo kế hoạch; 10 giờ ngày 24.6, trinh sát Trung đoàn phát hiện lực lượng địch rất đông, đi thành hàng dọc trên đường, xe pháo đi giữa, bộ binh đi hai bên, đang hành quân từ An Khê về hướng trận địa của trung đoàn. Khi bộ phận đi đầu của địch gần tới trận địa, các đơn vị của Trung đoàn được lệnh vận động tiếp cận ra mặt đường và chuẩn bị tiến công. 13 giờ ngày 24.6, đại bộ phận quân địch (khoảng 3 tiểu đoàn) đã lọt vào trận địa phục kích, Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu phát lệnh nổ súng; hoả lực của các đơn vị bắn cháy một số xe làm đội hình địch ùn tắc, các toán quân trên xe hoảng loạn, không kịp chống đỡ; bộ đội ta từ trên cao, được sự chi viện của hoả lực, tiến công mãnh liệt vào đội hình địch, chia cắt tiêu diệt từng bộ phận quân địch. Trận đánh kéo dài đến 15 giờ cùng ngày, toàn bộ số quân địch lọt vào trận địa cùng với bộ chỉ huy cuộc rút quân cơ bản bị diệt và bị bắt; lực lượng địch ở phía sau bị mất chỉ huy, đến 15 giờ 30 phút mới tổ chức được lực lượng phản kích vào trận địa của ta. Đại đội 223 cùng lực lượng dự bị của Trung đoàn đã tổ chức đánh bại 3 đợt phản kích của địch, diệt thêm nhiều địch; trong đêm 24 và sáng 25.6, Trung đoàn tiếp tục truy quét tàn binh địch, diệt và bắt thêm một số địch; đến 12 giờ ngày 25.6, trận đánh kết thúc. Kết quả, ta diệt và bắt gần 2 nghìn quân địch, trong đó có trên 700 lính Âu - Phi, đại tá chỉ huy trưởng cùng toàn bộ ban tham mưu Binh đoàn 100 (GM100), thu và phá huỷ 229 xe quân sự (có 1 xe tăng), trên 20 pháo cùng hàng nghìn súng các loại.
Thắng lợi của Trận Đắk Pơ là một trong những chiến công vang dội của quân và dân Liên khu 5 diễn ra trong những ngày cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, tạo điều kiện cho lực lượng Cách mạng Liên khu 5 làm chủ quốc lộ 19, giải phóng An Khê và phần lớn tỉnh Gia Lai, bao vây thị xã Pleiku, góp phần đập tan âm mưu co cụm của quân Pháp ở Tây Nguyên, đẩy quân Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng. Trận Đắk Pơ giành thắng lợi lớn là do chỉ huy trung đoàn chọn trận địa phục kích ở nơi địch không ngờ tới, tận dụng được thế hiểm của địa hình, bố trí đội hình chiến đấu hợp lí, tổ chức chiến đấu chặt chẽ; bộ đội ta chiến đấu dũng cảm, sáng tạo, trong khi quân Pháp đang trong thời điểm dao động, sau thất bại nặng ở Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, trong trận đánh cũng còn bộc lộ một số thiếu sót về nắm địch, về đánh địch ngoài khu vực phục kích và về tổ chức đánh địch phản kích, do vậy trận đánh kéo dài, gây thương vong cho bộ đội.
Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)