Trận Đắk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972)

Cuối tháng 2.1972, phát hiện Sư đoàn 320 và lực lượng làm đường 70B của ta ở phía tây sông Pô Kô qua Võ Định, Bộ chỉ huy lực lượng vũ trang Sài Gòn cho rằng đây là hướng tiến công chủ yếu của ta, đồng thời do không tin vào khả năng phòng thủ của Quân đoàn 2, nên điều thêm lực lượng dự bị chiến lược lên tăng cường cho Tây Nguyên và hình thành hệ thống phòng ngự theo tuyến dọc hai trục đường 14 và 19, trong đó lấy hai khu vực thị xã Kon Tum và ĐắkTô - Tân Cảnh làm hai trung tâm phòng ngự mạnh. Cụm phòng ngự Đắk Tô - Tân Cảnh (bắc - tây bắc thị xã  Kon Tum 37 km) gồm hệ thống các cứ điểm phòng ngự ở thị trấn Tân Cảnh (căn cứ 42 - Tân Cảnh), quận lị Đắk Tô (Đắk Tô 1) và căn cứ Phượng Hoàng (Đắk Tô 2). Lực lượng Quân đội trang Sài Gòn ở đây gồm sở chỉ huy tiền phương Sư đoàn 22 và 2 trung đoàn bộ binh (42, 47), một số tiểu đoàn độc lập, 2 tiểu đoàn pháo binh, Thiết đoàn 14 và 6 đại đội bảo an; hướng phòng ngự chủ yếu là bắc và tây bắc, đồng thời sở chỉ huy của cụm phòng ngự trong căn cứ 42 cũng nằm sâu về hướng đông (hướng tương đối sơ hở). Đến đầu tháng 4.1972, sau khi Quân giải phóng tiến công Thượng Đức và Bình Long, Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn nhận định Tây Nguyên không phải là hướng tiến công chiến lược chủ yếu mặc dù tuyến phòng thủ phía tây sông Pô Kô đã bị Quân giải phóng chọc thủng, nên đã rút Sư đoàn Dù và Lữ đoàn Dù 2 vào ứng cứu Bình Long.

 

Phát hiện lực lượng phòng thủ nòng cốt của địch suy yếu, không có khả năng phản kích, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Đắk Tô - Tân Cảnh, thực hiện trận then chốt đầu tiên của chiến dịch. Lực lượng sử dụng gồm Sư đoàn 2 (thiếu Trung đoàn 31) được tăng cường Trung đoàn Bộ binh 66, Đại đội Xe tăng 7, một tiểu đoàn đặc công, 1 đại đội cối 120 mm, 1 đại đội tên lửa chống tăng B72, một đại đội pháo phòng không 57 mm xe kéo, hai đại đội súng máy phòng không 12,7 mm và 14,5 mm, có pháo binh chiến dịch chi viện. Trung đoàn 66 được tăng cường Tiểu đoàn Đặc công 37 và các đơn vị tăng thiết giáp, phòng không có nhiệm vụ tiêu diệt căn cử 42, sau đó phát triển đánh chiếm thị trấn Tân Cảnh. Trung đoàn 1 (thiếu) được tăng cường Tiểu đoàn Đặc công 10 (Sư đoàn 2) có nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Đắk Tô 2. Trung đoàn 141 có nhiệm vụ bao vây tiêu diệt địch ở quận lị Đắk Tô. Tiểu đoàn 40 là dự bị của Sư đoàn. Lực lượng pháo binh, pháo phòng không của Sư đoàn bố trí thành 3 cụm hỏa lực hỗn hợp trên 3 hướng cùng pháo binh chiến dịch che áp địch, chi viện bộ binh, xe tăng.
Ban đầu, Bộ tư lệnh Chiến dịch và Bộ tư lệnh Sư đoàn 2 dự kiến đánh theo cách bóc vỏ từ ngoài vào trong. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu cách tổ chức phòng ngự của lực lượng vũ trang Sài Gòn và điều kiện bào đảm vật chất của ta, nhất là lương thực không đủ, Sư đoàn thực hiện theo phương án: bí mật mở đường theo sườn phía đông dãy núi Ngọc Linh để đưa xe tăng, pháo binh và cao xạ có xe kéo bất ngờ đánh thẳng vào căn cứ 42 bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng từ phía đông, hướng địch sơ hở nhất. Để thực hiện được phương án này, ta phải nghi binh làm cho cơ quan tham mưu địch vẫn tin ta sẽ tiến công Đắk Tô từ hướng đông đường 18. Do đó, Bộ tư lệnh Chiến dịch thống nhất với Bộ tư lệnh Sư đoàn tiến hành trận đánh theo hai bước.
Bước 1, sử dụng một số đơn vị của hai trung đoàn 1 và 141, tập kích các mục tiêu vòng ngoài để kéo địch ra, tiêu hao sinh lực. Ngày 3.4, đặc công tập kích sở chỉ huy Trung đoàn 47 ở Đắk Tô 2. Khi địch đưa 3 tiểu đoàn đổ bộ xuống Ngọc Tụ và các điểm cao 810, 812, 750 (cách Đắk Tô 2 từ 2-7 km về phía tây bắc) nhằm giảm sức ép của ta, 2 trung đoàn 2 và 141 lập tức tổ chức bao vây, tiến công. Ngày 17-19.4, lực lượng vũ trang Sài Gòn đưa thêm Tiểu đoàn Dù 9 và Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 42) ra Ngọc Tụ, Đồi Tranh nhưng đều bị tiêu diệt hoặc đánh lui. Đồng thời với các đòn tiến công ờ vòng ngoài và các hoạt động nghi binh khác, công binh đã hoàn thành đường 50A từ phía tây sông Pô Kô sang phía đông đường 14.
Khi toàn bộ bước 1 đã hoàn thành, Sư đoàn chuyển sang thực hiện bước 2. Từ chiều tối 23.4, pháo binh chiến dịch bắn phá hoại vào căn cứ Tân Cảnh; tên lửa B72 lần đầu xuất hiện gây hoảng loạn cho binh lính địch. Lợi dụng thời cơ đó, lực lượng tăng-thiết giáp, pháo xe kéo tiến ra đường 14, vượt sông Pô Kô vào chiếm lĩnh trận địa; các đơn vị bộ binh, đặc công vượt đường 14 vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công.
4 giờ 30 phút ngày 24.4, tại Tân Cảnh, sau 20 phút pháo bắn chuẩn bị hỗ trợ cho lực lượng của các đại đội 3 và 6 (Trung đoàn 66) làm nhiệm vụ mở cửa trên hướng đông và hướng bắc căn cứ 42. Từ vị trí tạm dừng bí mật ở khu vực ngầm Pô Kô Hạ, 9 xe tăng T54 thuộc Đại đội 7 xuất kích chạy dọc theo đường 14, vượt qua thị trấn Tân Cảnh (quận lị Đắk Tô) tiến về hướng căn cứ 42 đúng thời gian quy định. Sự xuất hiện của lực lượng lớn bộ binh ta ở hướng đông cùng với mũi vu hồi của xe tăng đã khiến cho bộ chỉ huy địch ở đây hết sức bất ngờ và lập tức điều máy bay và pháo binh bắn chi viện; đồng thời yêu cầu lực lượng đóng giữ trong căn cứ 42 tăng cường chống cự, gây một số thương vong cho ta trong khi cơ động và trong quá trinh chiếm lĩnh trận địa xuất phát xung phong, mở cửa mở. Tuy nhiên, các đơn vị thuộc Trung đoàn 66 và Tiểu đoàn Đặc công 37 cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao theo kế hoạch. 5 giờ 10 phút ngày 24.4, từ các hướng bộ binh và xe tăng ta đồng thời phối hợp tiến công, Tiểu đoàn 7 đánh chiếm đầu cầu, xe tăng bắn mạnh vào hai bên sườn đội hình phản kích của địch, tạo điều kiện cho bộ binh xung phong vào bên trong, nhanh chóng thọc sâu đánh vào trung tâm sở chỉ huy Sư đoàn 22, Trung đoàn 42 và khu cố vấn Mĩ (riêng Tiểu đoàn Đặc công 37 gặp khó khăn chưa vào được bên trong cửa mở). Địch sử dụng giàn phóng chất độc hoá học bắn hơi ngạt, hơi cay ngăn chặn các mũi tiến công của ta, nhưng bộ đội ta đã được chuẩn bị sẵn khăn mặt, khẩu trang, nên kịp thời khắc phục. Chỉ huy Trung đoàn 66 lệnh cho Tiểu đoàn 37 vượt qua cửa mở của Tiểu đoàn 7 phối hợp các đơn vị bạn nhanh chóng đánh địch; đồng thời Đại đội 29 bắn 5 tên lừa B72 yểm hộ cho 2 xe tăng và lực lượng ta tiến công chia cắt địch trong căn cứ 42 thành từng cụm để tiêu diệt, không cho địch ứng cứu, hỗ trợ cho nhau. Đến khoảng 11 giờ trưa ngày 24.4, ta cơ bản làm chủ trận địa, diệt và bắt toàn bộ quân địch (Đại tá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 22 Lê Đức Đạt bị giết; Đại tá, Sư đoàn phó Vi Văn Bình bị bắt).
Cùng thời gian Trung đoàn 66 tiến công căn cứ 42, Tiếu đoàn 60 (Trung đoàn 1) và Tiểu đoàn Đặc công 10 mở xong cửa mở vào căn cứ Đắk Tô 2. Lúc Trung đoàn 66 đã phát triển vào tung thâm căn cứ 42, Sư đoàn điều 1 trung đội xe tăng từ căn cứ 42 theo đường 18 tăng cường cho Trung đoàn 1, cùng với pháo binh chiến dịch chuyển làn bắn dồn dập vào Đắk Tô 2, chi viện bộ binh xung phong. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 47 lực lượng vũ trang Sài Gòn định dùng kế trá hàng để tìm đường rút chạy. Tương kế tựu kế, Trung đoàn 1 vờ chấp nhận để tạo thế bất ngờ xung phong vào căn cứ. Khi địch chuẩn bị tháo chạy thì từ hai hướng đông, tây, quân ta đồng loạt bất ngờ xung phong. Đại đội 5 đánh thẳng vào sở chỉ huy, trận địa pháo; Đại đội Đặc công 3 khép chặt không cho địch tháo chạy qua sông Pô Kô. Trên mũi đánh chiếm sân bay, Đại đội 7 bắn cháy 2 xe tăng địch, 2 chiếc còn lại bị xe tăng ta tiêu diệt. Chỉ huy Trung đoàn 47 chui vào hầm ngầm chống cự, bị bộ đội dùng bộc phá tiêu diệt. Đến 10 giờ ngày 24.4, Trung đoàn 1 hoàn toàn làm chủ căn cứ Đắk Tô 2. Chớp thời cơ trên, Trung đoàn 141 nhanh chóng tổ chức tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch và làm chủ quận lị Đăk Tô. Chỉ trong một thời gian ngắn ( chưa đầy 1 ngày), toàn bộ khu vực phòng ngự then chốt của trung tâm phòng ngự Đắk Tô- Tân Cảnh đã bị ta tiêu diệt. Kết quả, ta đánh quỵ Sư đoàn 22, loại khỏi chiến đấu gần 2 nghìn quân địch, bắn rơi 8 máy bay, thu 9 xe tăng và xe thiết giáp, 8 pháo, gần 100 xe Quân sự, làm tan rã phần lớn lực lượng kìm kẹp của địch trong vùng. Trận Đắk Tô - Tân Cảnh giành thắng lợi góp phần quan trọng vào thắng lợi nhiệm vụ đợt 1 Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, giải phóng hơn 25 nghìn đồng bào các dân tộc đang sống trong các trại tập trung và ấp chiến lược dọc hai bên đường 14 và đường 18, đoạn Võ Định lên Tân Cảnh và Đắk Tô về Đắk Mót. Đây là trận chiến đấu đầu tiên Lực lượng Vũ trang Tây Nguyên tiến công địch bằng hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, có tốc độ nhanh đã đánh quỵ một sư đoàn, đập tan cụm phòng ngự then chốt và vững chắc nhất trong hệ thống phòng thủ của Quân đội Sài Gòn ở Bắc Tây Nguyên; đồng thời mở ra khả năng đánh tiêu diệt lớn, tiến tới giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)