Mùa thu 1958, Ban quân sự miền Đông đề nghị với Xứ ủy cho đánh một trận lớn vào chi khu Dầu Tiếng, nhằm cổ vũ phong trào đấu tranh của quần chúng, đồng thời tạo điều kiện lấy vũ khí và cơ sở vật chất của địch trang bị cho các đơn vị vũ trang tập trung của ta đang phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Quận lị Dầu Tiếng, nằm giữa vùng tiếp giáp hai căn cứ Dương Minh Châu và Chiến khu Đ của ta, cách thị xã Thủ Dầu Một khoảng 40 km về hướng tây bắc. Lực lượng địch bố trí 1 tiểu đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 13 đóng ở trại Nguyễn Huệ và 1 đại đội cảnh sát hiến binh trong khu vực dinh quận trưởng; ngoài ra, 1 đại đội bảo an đóng ở đồn Bến Củi thường xuyên phối hợp càn quét, đàn áp phong trào Cách mạng ở Dầu Tiếng. Do lực lượng tương đối đông (khoảng 900 quân), trang bị vũ khí mạnh (có 4 súng cối 81 mm, 2 ĐKZ 57 mm, 5 súng đại liên và nhiều trang bị kĩ thuật khác), đặc biệt chưa bị tiến công lần nào, nên quân địch ở chi khu Dầu Tiếng rất chủ quan, sơ hở nhất về ban đêm; việc canh gác, tuần tra lỏng lẻo, chỉ bố trí 1 đại đội trực chiến, số còn lại nghỉ theo chế độ thời bình, vũ khí tập trung cất trong kho tiểu đoàn.
Sau thời gian trinh sát nắm tình hình, Ban chỉ huy trận đánh xác định phương án: lợi dụng sự chủ quan sơ hở của địch, bí mật tiềm nhập áp sát, đồng loạt tiến công các mục tiêu trong chi khu và đồn Bến Củi, không cho địch kịp đối phó và ứng cứu lẫn nhau. Lực lượng tham gia trận đánh tương đương 2 tiểu đoàn (1.500 người); gồm 2 đại đội (60, 70) thuộc Ban quân sự miền Đông, Đại đội 20 (liên quân Cao Đài Tây Ninh) và lực lượng Bình Xuyên li khai Tỉnh Thủ Dầu Một. Nhiệm vụ của các đơn vị: 2 đại đội 60 và 70 thực hiện nhiệm vụ tiến công tiêu diệt tiểu đoàn địch ở trại Nguyễn Huệ, sau đó phát triển đánh chiếm các mục tiêu trong chi khu, phối hợp với lực lượng Bình Xuyên li khai tiêu diệt lực lượng cảnh sát hiến binh và khu hành chính quận; Đại đội 20 liên quân Cao Đài Tây Ninh đảm nhiệm tiến công đồn Bến Củi.

Trận Dầu Tiếng 11/8/1958

0 giờ ngày 11.8, các đơn vị bí mật áp sát mục tiêu theo kế hoạch: mở đầu trận đánh, mũi tiến công của Đại đội 70 phát hiện địch chi có 1 vọng gác ở cổng ra vào trại Nguyễn Huệ, chớp thời cơ nổ súng diệt lính gác và đồng loạt xung phong đánh chiếm các vị trí trong trại; tiếp sau đó, Đại đội 60 cũng kịp thời nổ súng phối hợp tiến công. Bị đánh bất ngờ, quân địch không kịp phản ứng và tổ chức chống cự, một số bỏ chạy, số còn lại đầu hàng. Sau khi nhanh chóng làm chủ trại Nguyễn Huệ, 2 đại đội 60 và 70 tiếp tục phối hợp đánh sang khu nhà sở cao su Dầu Tiếng, bắt được chủ đồn điền Ăngđeolanh và giám đốc Vôgen. Trong thời gian đó, mũi tiến công của lực lượng Bình Xuyên li khai bị lạc đường do hiệp đồng với bộ phận dẫn đường không chặt chẽ nên nổ súng chậm, đã để cho quận trưởng Đào Sanh Huê và cảnh sát trưởng “Bảy gà lôi” chạy thoát. Trên hướng đồn Bến Củi, Đại đội 20 liên quân Cao Đài Tây Ninh khi nghe tiếng súng nổ ở chi khu đồng thời nhanh chóng tổ chức 2 mũi tiến công địch từ hướng bắc và tây bắc, sau hơn 30 phút chiến đấu làm chủ đồn. Đến 2 giờ 30 phút ngày 11.8, trận đánh kết thúc thắng lợi. Kết quả, ta làm chủ toàn bộ chi khu quân sự - quận lị Dầu Tiếng và đồn Bến Củi, diệt 200, bắt 30 quân, thu hơn 650 súng các loại (có 4 súng cối 81 mm, 2 DKZ 57 mm, 5 đại liên, 15 trung liên), hơn 2 tấn đạn, 5 xe ô tô vận tải, 2 xe Gip, cùng nhiều lương thực, thực phẩm; ta hi sinh 2 chiến sĩ.
Trận đánh giành thắng lợi nhanh chóng trước hết là do ta biết tận dụng triệt để yếu tố bí mật bất ngờ, đánh đúng lúc địch chủ quan sơ hở, đồng thời biết vận dụng cách đánh thích hợp, cùng lúc tiến công các mục tiêu, khống chế không cho địch tổ chức ứng cứu chi viện được cho nhau, khiến cho quân địch đóng ở 20 đồn bốt xung quanh Dầu Tiếng hoảng sợ phải rút chạy hoặc đầu hàng.
Trận Dầu Tiếng là một trong những trận thắng lớn đầu tiên, đồng thời cũng là chiến công đầu tiên của lực lượng vũ trang Cách mạng miền Đông Nam Bộ đánh chiếm được một chi khu quân sự - quận lị của chính quyền và quân đội Sài Gòn kể từ sau năm 1954. Thắng lợi của trận đánh gây chấn động dư luận toàn miền Nam, góp phần làm thất bại một bước kế hoạch bình định của Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở Thủ Dầu Một, đồng thời có tác dụng hỗ trợ tích cực cho phong trào đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân ở miền Đông Nam Bộ. Đặc biệt, với số lượng vũ khí trang bị và lương thực, thực phẩm thu được của địch trong trận đánh đã góp phần quan trọng giải quyết một phần khó khăn, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)