Cứ điểm Đồi A1 nằm trong hệ thống các điểm cao phòng ngự phía đông tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp, tuy chỉ cao khoảng 40 m so với mặt đất (trong khi các đồi E, DI cao khoảng 70 m) nhưng có vị trí đặc biệt quan trọng do ở sát khu trung tâm, chỉ cách sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm 300 m. Đây vốn là một đồn cũ do Pháp lập nên trước năm 1940, năm 1945 được Nhật tu sửa thêm, đến cuối năm 1953 được quân Pháp tập trung xây dựng thành cứ điểm vững chắc gồm nhiều tuyến chiến hào, công sự, lô cốt, ụ súng, hầm trú ẩn có nắp dày, chịu được đạn pháo, cối; trên đỉnh cao nhất có 1 hầm ngầm, vốn là hầm rượu cũ, được quân Pháp cải tạo thành hầm trú ẩn tương đối kiên cố (trước trận đánh ta chưa phát hiện được). Cứ điểm được cấu trúc thành 3 tuyến phòng thủ: bên ngoài là tuyến chống cự chủ yếu; tuyến giữa là trận địa hỏa lực; trong cùng ở mỏm cao nhất là tuyến cố thủ và sở chỉ huy. Bảo vệ vòng ngoài có 5 lớp rào dây thép gai và bãi mìn (dày hơn 100 m). Lực lượng phòng ngự cứ điểm gồm: Tiểu đoàn 1 (thiếu 1 đại đội) thuộc Trung đoàn 4 Marôc (4èRTM), 1 đại đội của Tiểu đoàn dù 1 lê dương (1erBEP); được trang bị 4 súng cối, 2 ĐKZ, 5 trọng liên, nhiều đại liên, trung liên, súng phun lửa. Ngoài ra còn có hỏa lực pháo binh của tập đoàn cứ điểm chi viện trực tiếp; được lực lượng cơ động gồm Tiểu đoàn Dù 6 xung kích (lê dương, 6èBPC), Tiểu đoàn Dù 5 Việt Nam (5èBPViệt Nam), 1 đại đội của Tiểu đoàn Dù 8 xung kích (lê dương, 8èBPC) và một số đại đội người Thái từ Mường Thanh sẵn sàng phản kích, ứng cứu.
Nhận nhiệm vụ tiến công cứ điểm Đồi A1, Trung đoàn 174 được phối thuộc 1 đại đội súng cối 120 mm, 1 đại đội sơn pháo 75 mm và được 1 đại đội lựu pháo 105 mm chi viện. Trung đoàn sử dụng Tiểu đoàn 249 làm nhiệm vụ chủ yếu đánh từ hướng đông vào các khu A, B, C; Tiểu đoàn 251 từ hướng đông nam đánh vào khu A rồi phát triển sang khu D; Tiểu đoàn 255 là lực lượng dự bị. Để chiếm lĩnh trận địa được thuận lợi, đêm 29.3, Trung đoàn dùng một lực lượng nhỏ đánh bật chốt tiền tiêu của địch ở đồi Cháy (phía đông A1 khoảng 300 m). 18 giờ ngày 30.3, đợt tiến công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu, nhưng Trung đoàn 174 không nhận được lệnh tiến công, do mất liên lạc với đại đoàn vì đường dây điện thoại bị pháo địch cắt đứt. Đến 18 giờ 30 phút cùng ngày, thấy pháo chiến dịch bắn tập trung vào Mường Thanh và có nhiều tiếng súng bộ binh trên các điểm cao khác, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An ra lệnh cho đơn vị nổ súng, chậm 30 phút so với toàn mặt trận. Lúc này, pháo binh địch đã hồi phục, tập trung bắn chặn quyết liệt, gây cho ta nhiều thương vong. Hơn nửa giờ sau đơn vị mới mở được cửa mở qua hàng rào và bãi mìn; các tiểu đoàn 249,251 từ 2 hướng xung phong vào cứ điểm, đánh chiếm một phần khu A, diệt một số địch, bắt 30 tù binh. Địch dùng pháo, cối 120 mm từ Mường Thanh, Hồng Cúm bắn trùm lên cứ điểm, đồng thời mở nhiều đợt phản kích giành lại các vị trí đã mất. Ta bám giữ trận địa, giành giật với địch từng đoạn chiến hào, ụ súng. Phát hiện địch có hầm ngầm, ta mở nhiều đợt xung phong lên, nhưng đều bị hỏa lực địch chặn lại. Sau đó Tiểu đoàn 255 được lệnh bước vào chiến đấu, liên tiếp tổ chức hai đợt xung phong vẫn không đạt kết quả. Địch cũng tăng viện cho cứ điểm Đồi A1 một đại đội của Tiểu đoàn Dù 6 xung kích. 4 giờ ngày 31.3, địch cho 2 xe tăng cùng bộ binh ra phản kích, chiếm lại phần lớn trận địa, buộc ta phải tạm lui về giữ cửa mở. Từ 6 đến 8 giờ 30 phút, Tiểu đoàn 255 ba lần đánh lui quân địch phản kích.

Nhận thấy Trung đoàn 174 đã sử dụng lực lượng dự bị, không còn khả năng giải quyết cứ điểm Đồi AI, Bộ chỉ huy Chiến dịch quyết định đưa Trung đoàn 102 dự bị chiến dịch vào thay thế, làm nhiệm vụ chủ yếu tiến công A1. Trận đánh do Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ trực tiếp chỉ huy. Nhận được lệnh, Trung đoàn 102 gấp rút vận động từ phía tây sang phía đông vừa hành quân vừa tổ chức lực lượng, chuẩn bị kế hoạch tác chiến. Do phải vượt qua cánh đồng trống trải, bị máy bay, pháo binh địch ngăn chặn, nên chiều 31.3, chỉ có 4 đại đội của 2 tiểu đoàn 18, 54 đến được vị trí, nhưng Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ vẫn quyết định tổ chức tiến công ngay theo phương án cũ của Trung đoàn 174. Theo đó, sử dụng 4 đại đội mới đến do tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 18 chỉ huy đánh địch ở hướng đông (hướng chủ yếu); hướng thứ yếu (đông nam) do 1 đại đội gồm 4 trung đội của Trung đoàn 174 phụ trách. Trong quá trình chiến đấu, trung đoàn được 1 đại đội lựu pháo 105 mm, 1 đại đội sơn pháo 75 mm, 4 khẩu cối 120 mm chi viện. 17 giờ ngày 31.3, trận tiến công thứ hai vào cứ điểm Đồi A1 bắt đầu. Sau khi pháo bắn chế áp, các mũi bộ binh theo cửa mở của Trung đoàn 174 đêm trước xung phong lên Đồi A1, sau 15 phút hoàn toàn làm chủ tầng phòng ngự phía dưới, diệt một số địch, bắt 15 tù binh. Địch co lên tầng trên, dựa vào thế cao và hầm ngầm chống cự quyết liệt, đồng thời gọi pháo bắn trùm lên cứ điếm để ngăn chặn, sát thương ta. Sau nhiều thời gian tìm kiếm, ta vẫn không phát hiện được cửa hầm ngầm; đến nửa đêm mới tìm thấy một ngách phụ liền dùng bộc phá đánh sập, diệt 20 địch. Đến lúc này, Đồi A1 đã trở thành “thành lũy cuối cùng” của tập đoàn cứ điểm nên địch ra sức chống giữ. 2 giờ ngày 1.4, địch cho 2 đại đội thuộc Bán lữ đoàn 13 Lê dương (13DBLE) ra phản kích; sau đó, từ 5 giờ đến 9 giờ, liên tiếp điều bộ binh và xe tăng đến tăng viện nhằm phối hợp với lực lượng cố thủ đánh bật ta ra khỏi cứ điểm, nhưng các đợt xung phong của địch đều bị đánh lui, 1 xe tăng bị ta dùng badôca bắn hỏng. Cuộc chiến đấu quyết liệt nhất diễn ra lúc 15 giờ cùng ngày. Địch chia làm hai cánh phản kích dữ dội, trong khi ta chi còn 17 người đã kiên cường bám trụ, chiến đấu đến cùng. Trung đoàn 102 phải tổ chức đội dự bị gồm cả một số cán bộ, chiến sĩ cơ quan trung đoàn bộ lên tiếp ứng; Trung đoàn trưởng Nguyễn Hùng Sinh vào cứ điểm trực tiếp chỉ huy chiến đấu.
Đêm 1 rạng sáng 2.4, được Tiểu đoàn 79 từ phía tây hành quân sang hỗ trợ, Trung đoàn 102 tiếp tục tiến công địch ở khu vực hầm ngầm, nhưng tìm cửa hầm không thấy, ta đánh bằng quả bộc phá 80 kg cũng vô hiệu. Đêm 2.4, trung đoàn tổ chức lực lượng còn lại mở đợt tiến công mới vẫn không thành công, phải lui về tuyến phòng ngự ở sườn đông Đồi A1. Xét thấy nếu tiếp tục trận đánh, bộ đội sẽ thương vong thêm mà không thu được kết quả, Bộ chi huy Chiến dịch quyết định tạm ngừng tiến công, lệnh cho các đơn vị giữ vững trận địa đã chiếm (1 phần 3 cứ điểm), chuẩn bị cho trận đánh sau. 4 giờ 30 phút ngày 3.4, Trung đoàn 102 được lệnh bàn giao trận địa cho Trung đoàn 174, lui về Mường Phăng để củng cố. Chấp hành mệnh lệnh của đại đoàn, Trung đoàn 174 giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 255 tổ chức phòng ngự giữ vững phần cứ điểm đã chiếm, bảo đảm cho toàn đơn vị tiến hành các công tác chuẩn bị cho đợt chiến đấu tiếp sau. Để tạo thế phòng ngự liên hoàn, ngoài trận địa trên Đồi A1, ta còn bố trí 2 trận địa hỏa lực và lực lượng dự bị ở 2 quả đồi gần kề là đồi Cháy và Đồi F. Nhờ vậy các cuộc phản kích, tập kích, đánh lấn của địch trong các ngày sau đều bị đập tan nhanh chóng. Để tiếp tục chuẩn bị cho trận tiến công cứ điểm Đồi A1, ngoài đường hào ở hướng đông và đông bắc, Trung đoàn tổ chức đào thêm một đường hào ở phía tây nam A1, tạo điều kiện thực hiện mũi vu hồi đánh vào sau lưng địch, cắt đứt đường tiếp viện của địch từ Mường Thanh lên A1. Trung đoàn cũng đề nghị và được Bộ chỉ huy Chiến dịch đồng ý cho đào một đường hầm từ trận địa của ta ở chân Đồi A1 vào tới đáy hầm ngầm của địch, đưa một khối lượng lớn bộc phá vào để phá sập hầm ngầm. Một đội đặc biệt gồm 20 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn Công binh 151 được phái đến cùng công binh Đại đoàn 316 thực hiện kế hoạch này. Đêm 20.4, tổ đào hầm do Lưu Viết Thoảng (năm 1956 được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) phụ trách bắt đầu mở cửa đường hầm ở vị trí chỉ cách địch 10 m; suốt 16 ngày đêm lao động gian khổ, vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt là việc bảo đảm bí mật, bằng cách dùng các túi nhỏ chuyển đất đào được ra ngoài để địch không phát hiện được. Đến ngày 5.5, ta đã hoàn thành đường hầm dài 49 m và đặt ở cuối đường hầm 1 tấn thuốc nổ chia thành 50 gói. Để gây nổ, ta chuẩn bị 5 đường dây cháy chậm và 5 nụ xòe, đồng thời dự kiến nếu không gây nổ được bằng nụ xòe, một chiến sĩ cảm tử sẽ ôm 3 kg thuốc nổ lao vào điểm hỏa.
 17 giờ ngày 1.5, đợt 3 Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Trong khi các đơn vị bạn tiến công làm chủ các cứ điểm C1, 505, 505A, 311A, 311B, ở phía Đồi A1, để cải thiện bàn đạp tiến công, Trung đoàn 174 tổ chức đánh lấn, diệt một số hỏa điểm trên hướng cửa mở và hai bên sườn. Trung đoàn quyết định sử dụng Tiểu đoàn 249 tiến công ở hướng đông nam (hướng chủ yếu); Tiểu đoàn 251 theo đường hào mới đào ở phía tây nam đánh vào lô cốt 17 phía sau, nhằm cắt rời cứ điểm A1 với khu trung tâm Mường Thanh; Tiểu đoàn 255 làm lực lượng dự bị. Trên cơ sở những thắng lợi đã giành được, ngày 6.5 Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định toàn mặt trận chuyến sang tổng công kích, lấy tiếng nổ của quả bộc phá 1 tấn ở cứ điếm A1 làm hiệu lệnh. 20 giờ 30 phút ngày 6.5, theo mệnh lệnh của Bộ chỉ huy Chiến dịch cho nổ khối bộc phá, phá hủy một mảng trận địa địch, tiêu diệt phần lớn Đại đội dù 2, tạo một cửa mở quan trọng cho Tiểu đoàn 249 xung phong thuận lợi, chỉ sau 15 phút chiếm được một phần khu A, phát triển đánh sang khu thông tin và trận địa súng cối. Phía tây nam, Tiểu đoàn 251 đánh chiếm khu vực lô cốt 17, đưa một lực lượng nhỏ xuống uy hiếp khu A3, đồng thời cho một mũi đánh lên đồi, dồn địch vào thế giữa hai gọng kìm. Quân địch chống cự để chờ viện binh, khiến cuộc chiến đấu diễn ra giằng co, quyết liệt. Tiểu đoàn 249 đưa lực lượng dự bị vào chiến đấu, đánh chiếm được khu B, phát triển sang khu C, bắt liên lạc với Tiểu đoàn 251 từ phía tây đánh lên. 2 giờ 30 phút ngày 7.5, ta chiếm được trận địa súng cối, bắt 120 tù binh trong đó có Đại úy Pugiê chỉ huy cứ điểm; 4 giờ 30 phút, ta đập tan hoàn toàn sức kháng cự của địch, làm chủ cứ điểm Đồi A1. Thắng lợi của trận đánh đã góp phần quyết định cho chiến dịch chuyển nhanh sang tổng công kích giành toàn thắng.
Trận Đồi A1 diễn ra gay go, ác liệt suốt 38 ngày đêm. Cán bộ, chiến sĩ 2 trung đoàn 174 và 102 đã chiến đấu dũng cảm, vượt mọi hi sinh, gian khổ để giành thắng lợi, song 2 lần đánh đầu tiên đều không thành công, ta bị thương vong do nhiều nguyên nhân: điều tra nắm địch không chắc, trước trận đánh không phát hiện được địch có hầm ngầm nên không dự kiến cách khắc phục; tổ chức thông tin liên lạc chưa tốt nên Trung đoàn 174 nổ súng chậm 30 phút; chọn phương án tác chiến đột phá từ hướng đông và đông nam gần như đánh vỗ mặt, thiếu mũi vu hồi đánh phía sau lưng để chặn đường tiếp viện của địch. Trong lần đánh thứ ba, ta đã rút kinh nghiệm kịp thời, đào đường hầm để đưa bộc phá vào đánh hầm ngầm, đào đường hào phía tây nam đề đánh phía sau địch nên trận đánh đã thành công, góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)