Cứ điểm C1 nằm trong hệ thống các điểm cao phòng ngự đồi phía đông Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp; là bức bình phong bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh, do Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn 1, Bán lữ đoàn 13 lê dương (13DBLE) đóng giữ. Cứ điểm được xây dựng trên Điểm cao 493, cấu trúc tương đối kiên cố, có hệ thống hàng rào, vật cản dày đặc, phức tạp, mặt hướng đông dày tới 100 m; hệ thống lô cốt, chiến hào nhiều tầng, hình thành điểm tựa vòng tròn. Hầm chỉ huy bố trí ở lô cốt Cột Cờ, đỉnh cao nhất của cứ điểm. Ngoài ra, do đây là hướng phòng ngự chủ yếu của địch nên khi tác chiến xảy ra sẽ được sự chi viện về hoả lực cũng như lực lượng rất lớn của các cứ điểm lân cận và của trung tâm tập đoàn cứ điểm.
Nhận nhiệm vụ tiến công cứ điểm C1, Trung đoàn 98 (gồm 2 tiểu đoàn 215 và 439) được tăng cường 4 súng máy 12,8 mm, 3 sơn pháo 75 mm, 4 cối 82 mm, 4 cối 120 mm và được 1 đại đội pháo 105 mm (4 khẩu) bắn chi viện; khi chiến đấu phòng ngự, được tăng cường Tiểu đoàn 888 (Trung đoàn 176). Theo kế hoạch, Trung đoàn 98 triển khai tiến công từ hướng đông, tổ chức lực lượng thành 2 thê đội: thê đội 1 là Tiểu đoàn 215; thê đội 2 là Tiểu đoàn 439. Ngày 29.3, Trung đoàn đã hoàn thành các trận địa xuất phát tiến công và trận địa hoả lực.
 18 giờ ngày 30.3, pháo binh chiến dịch và hoả lực trung đoàn bắn chuẩn bị, lần lượt diệt các hoả điểm 1, 2, 3, 8, 9 và hầm chỉ huy địch. Tiếp đó, 6 khẩu cối 60 mm lần đầu tiên bắn phóng lôi phá rào đạt kết quả tốt, nên trung đội bộc phá chỉ sau 15 phút đã tạo được cửa mở. Quan sát thấy cửa mở thông, Đại đội 38 (Tiểu đoàn 215) lập tức xung phong; sau 7 phút bộ đội đã vào hết tung thâm, chiếm được lô cốt Cột Cờ, rồi chia thành 3 mũi phát triển đánh các lô cốt còn lại. Địch dồn lại các lô cốt phía tây, gọi pháo bắn vào trận địa ta và tổ chức phản kích. Các chiến sĩ Đại đội 38 đánh lui 3 đợt phản kích của địch, sau đó phát triển tiến công diệt các lô cốt còn lại; đến 18 giờ (chỉ sau 45 phút chiến đấu), hoàn toàn làm chủ cứ điểm.

Trận đồi C1 (30/3 - 1/5/1954)

Sau khi chiếm toàn bộ cứ điểm Đồi C1, Tiểu đoàn 215 phát triển tiến công sang cứ điểm C2, song không thành công, phải rút về C1. Sáng 31.3, tiểu đoàn đánh bại nhiều đợt phản kích của địch. 11 giờ, 2 tiểu đoàn dù 5 và 6 có xe tăng dẫn đường lên phản kích chiếm lại được khu lô cốt Cột Cờ, đẩy lực lượng ta xuống các lô cốt phía dưới. Đến chiều, Trung đoàn 98 tăng cường lực lượng cho Tiểu đoàn 215 phản kích chiếm lại toàn bộ C1. Từ 1 đến 9.4, trung đoàn củng cố và phòng ngự giữ vững C1. Được hoả lực không quân và pháo binh chi viện, sáng 10, địch tập trung lực lượng và hoả lực phản kích chiếm lại được đỉnh C1, đẩy 1 đại đội của Tiểu đoàn 439 lùi xuống giữ nửa đồi phía đông. 21 giờ, Trung đoàn tổ chức 1 đợt phản kích và sáng 11, Bộ chỉ huy Chiến dịch tăng cường 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 209 để phản kích song cũng không thành công. Sau trận này, đại đoàn tăng cường cho Trung đoàn 98, Tiểu đoàn 888 của Trung đoàn 176 để tổ chức phòng ngự giữ vững trận địa còn lại. Trong 20 ngày phòng ngự, Trung đoàn đã đánh bại 3 lần phản kích của địch, đồng thời tích cực bắn tỉa tiêu hao địch, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ đợt 3 chiến dịch.

Bộ đội đánh chiếm Đồi C1

Bước vào đợt 3 chiến dịch, Trung đoàn 98 sử dụng Tiểu đoàn 439 tiến công C1. 19 giờ 30 phút ngày 1.5, sau đợt pháo bắn chuẩn bị, các mũi đột kích của ta bắt đầu xung phong. Tổ đột kích 1 của Đại đội 83, sau 12 phút đã chiếm được mỏm Cột Cờ và lô cốt 4; Đại đội 811 sau 30 phút chiếm được lô cốt 8. Địch ở C1 chống cự chờ tăng viện. Trung đoàn sử dụng hoả lực bắn mãnh liệt vào C2 ngăn chặn lực lượng tăng viện, đồng thời đưa thê đội 2 vào để tăng sức tiến công. Đến 20 giờ 23 phút cùng ngày, ta chiếm lại hoàn toàn C1. Kết quả, sau 32 ngày đêm chiến đấu, Trung đoàn 98 và đơn vị phối hợp đã diệt hơn 900 địch thuộc 8 đại đội Âu - Phi tinh nhuệ, thu nhiều vũ khí.
Trận Đồi C1 là trận chiến đấu quy mô không lớn, nhưng mang tính hiện đại với nhiều hình thức chiến thuật phong phú. Đặc biệt, đây là một trong những trận chiến đấu phòng ngự có tính chất trận địa đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của Trận Đồi C1 góp phần tạo điều kiện cho lực lượng chiến dịch khép chặt vòng vây, uy hiếp khu trung tâm Mường Thanh và chuyển sang tổng công kích giành thắng lợi. 

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)