Tiểu đoàn 307 thành lập ngày 1.5.1948, là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang Khu 8 trong kháng chiến chống Pháp. Sau 2 tháng huấn luyện tại Bến Tre, tiểu đoàn được lệnh hành quân về Mĩ Tho (Tiền Giang) thực hiện nhiệm vụ phối hợp với Trung đoàn 102 và du kích địa phương đánh đồn Mộc Hóa theo kế hoạch tác chiến của Bộ chỉ huy Khu 8, nhằm giải phóng huyện Mộc Hóa, hoàn chỉnh khu căn cứ Đồng Tháp Mười, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế nối liền các khu 7, 8, 9 và tạo sự liên kết chiến đấu giữa hai chiến trường Việt Nam - Campuchia.
Đồn Mộc Hóa được quân Pháp xây dựng khá kiên cố trên đỉnh gò Bắc Chiêng, nằm giữa đoạn đường từ thị trấn Mộc Hóa ra sông Vàm Cỏ Tây, với cấu trúc hình chữ nhật, bốn góc có 4 lô cốt lớn, hầm chỉ huy ở giữa, phía trên là chòi canh cao 6 m; xung quang đồn được bao bọc tường đất dày, cao 2 m, phía ngoài có 3 lớp hàng rào dây thép gai. Lực lượng quân Pháp đóng đồn khoảng 70 quân, do trung úy Lui Bectran (Louis Bertrand) chỉ huy, vũ khí trang bị có 1 súng cối 81 mm, 2 súng cối 60 mm, 2 đại liên, 4 trung liên, còn lại là tiểu liên và súng trường. Hoạt động chủ yếu của quân Pháp ở đồn Mộc Hóa là tuần tra bảo đảm an ninh, kiểm soát sự đi lại trên sông Vàm Cỏ Tây và nắm bắt tình hình qua mạng lưới tình báo, gián điệp tại địa bàn. Do nằm ở vùng đồng trũng, kênh rạch chằng chịt, mùa mưa nước ngập sâu, nên việc bảo đảm tiếp tế của quân Pháp cho đồn Mộc Hóa theo quy luật mỗi tháng một lần dùng tàu sắt vận chuyển từ thị xã Tân An đến bằng đường sông Vàm Cỏ Tây. Khi bị tiến công, ngoài việc được hỏa lực pháo binh từ Soài Riêng (Campuchia) bắn chi viện, lực lượng ứng cứu cho đồn Mộc Hóa có thể đi tàu từ thị xã Tân An lên theo đường sông Vàm Cỏ Tây, hoặc hành quân đường bộ kết hợp cơ giới từ quốc lộ 1 (Soài Riêng) theo đường Côngpông Rồ (Lộ Rồ) xuống, trong đó khả năng nhiều hơn là theo đường bộ từ Soài Riêng xuống.

Trận Mộc Hóa (16 - 18/8/1948)

Trên cơ sở nghiên cứu tình hình chiến trường, quy luật hoạt động của quân Pháp và khả năng tác chiến của ta, Bộ chỉ huy Khu 8 xác định phương thức đánh đồn Mộc Hóa là vây đồn diệt viện. Lực lượng chủ yếu tham gia trận đánh gồm Tiểu đoàn 307, các đại đội 1072, 1075 và 1 trung đội của Đại đội 1080 thuộc Trung đoàn 102, được tổ chức thành 3 bộ phận với nhiệm vụ chính gồm: bộ phận công đồn là Đại đội 1075, được tăng cường 1 trung đội của Đại đội 1080, thực hiện nhiệm vụ kết hợp hỏa lực và xung lực tiến công đồn Mộc Hóa, buộc địch phải đưa lực lượng tới cứu viện; bộ phận phục kích đánh viện trên đường bộ là Tiểu đoàn 307 (thiếu 1 trung đội của Đại đội 933), được tăng cường Đại đội 1072, thực hiện nhiệm vụ bí mật phục kích và vận động đánh địch trên đường Lộ Rồ (Soài Riêng - Mộc Hóa); bộ phận phục kích đánh viện trên đường sông, gồm 1 trung đội của Đại đội 933 (Tiểu đoàn 307), phối hợp với phân đội thủy lôi của Trung đoàn 102 và du kích địa phương, thực hiện nhiệm vụ bí mật phục kích đánh tàu địch trên sông Vàm Cỏ Tây tại khu vực xã Phong Phú (đông nam quận lị Mộc Hóa khoảng 3,5 km). Sở chỉ huy trận đánh đặt tại ngã ba Bình Tây (xã Tuyên Thạnh), do Nguyễn Chánh, Tham mưu trưởng Khu 8 làm Chỉ huy trưởng, các chỉ huy phó Lê Quốc Sản (Trung đoàn trưởng Trung đoàn 102) và Đỗ Huy Rừa (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307).
22 giờ 30 phút ngày 16.8, trận đánh mở màn: trên hướng công đồn, Đại đội 1075 (Trung đoàn 102) triển khai lực lượng cùng lúc tiến công từ 4 hướng. Sau 2 đợt sử dụng hỏa lực và xung lực đánh không thành công, lại bị hỏa lực địch bắn trả gây thương vong, đơn vị được lệnh tận dụng địa hình chuyển sang tổ chức trận địa tạo thế vây ép, tiêu hao sinh lực địch. 8 giờ ngày 17.8, địch ở đồn Mộc Hóa đưa quân ra thăm dò, sau đó đưa 1 trung đội đánh nống ra hướng bờ sông Vàm Cỏ Tây, nhưng đều bị ta kịp thời chặn đánh làm chết và bị thương 4 quân. Khoảng 11 giờ, phát hiện địch lấy xuồng của dân để chở số lính chết và bị thương về Soài Riêng theo mương Lộ Rồ, Đại đội 931 (Tiểu đoàn 307) đang làm nhiệm vụ sẵn sàng chặn viện từ hướng biên giới, được lệnh chuyển đội hình đón đánh. Khi đoàn xuồng chở quân địch từ đồn Mộc Hóa chạy đến khu vực bến Ông Tồn, ta mật phục ở hai bên bờ đồng loạt nổ súng. Bị đánh bất ngờ, địch không kịp đối phó, hoảng loạn rút chạy. Sau khoảng 15 phút chiến đấu, Đại đội 931 hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt 23 địch, bắt 6 (trong đó có trung úy đồn trưởng). Chiều 17.8, nhận định địch sẽ tăng cường lực lượng ứng cứu, Ban chỉ huy mặt trận quyết định tiếp tục vây ép mạnh đồn Mộc Hóa, đồng thời lệnh cho các đơn vị làm nhiệm vụ đánh viện trên Lộ Rồ và trên sông Vàm Cỏ Tây sẵn sàng chiến đấu.
Đúng như nhận định của ta, sáng 18.8 địch dùng xe cơ giới chở 1 tiểu đoàn bộ binh từ ngã ba Prasat (Campuchia) tiến xuống biên giới. Khi đến phía bắc cầu Sư Địa thuộc khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia, địch triển khai trận địa pháo binh để yểm trợ cho lực lượng bộ binh theo đường Lộ Rồ xuống đồn Mộc Hóa. 15 giờ ngày 18.8, chờ cho đội hình địch lọt vào trận địa phục kích, các chiến sĩ Đại đội 931 bố trí ở hai bên đường nhanh chóng nổ súng diệt gọn bộ phận đi đầu rồi đồng loạt xung phong bao vây, chia cắt tiêu diệt từng toán quân địch, không để cho địch kịp đối phó và chi viện cho nhau. Bị đánh bất ngờ, quân địch hoàn toàn rối loạn, chống cự yếu ớt và rút chạy về phía biên giới, tiếp tục bị ta truy kích tiêu diệt trên đoạn đường gần 2 km, đến tận khu vực cầu Sáu Huệ. 16 giờ cùng ngày, sau khi làm chủ trận địa, thu dọn chiến trường, các đơn vị được lệnh rút quân về vị trí quy định. Trên hướng sông Vàm Cỏ Tây, lực lượng đánh tàu không có điều kiện nổ súng do không gặp địch.
Kết quả toàn trận đánh, ta diệt và bắt hơn 300 địch, gồm số quân ở đồn Mộc Hóa và lực lượng cứu viện, trong đó đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn, thu hơn 300 súng các loại, trong đó có 3 súng cối 60 mm và một số súng đại liên, trung liên. Đây là chiến công đầu của Tiểu đoàn 307, mặc dù không tiêu diệt được đồn Mộc Hóa, nhưng trận đánh đã góp phần quan trọng cổ vũ tinh thần chiến đấu, thi đua lập công của cán bộ, chiến sĩ, đồng thời nâng cao một bước trình độ tổ chức chỉ huy tác chiến của cán bộ các cấp trong đơn vị. Đặc biệt, những bài học kinh nghiệm rút ra từ trận đánh về công tác nắm tình hình địch, vận dụng cách đánh phù hợp, công tác tổ chức và sử dụng lực lượng cũng như công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ trong chiến đấu đã tạo cơ sở thuận lợi cho những thắng lợi tiếp sau của Tiểu đoàn 307 ở La Bang (12.1948), chùa Ô Môi và Sài Tư (6.1949). Bên cạnh đó, số vũ khí thu được của địch trong trận đánh đã kịp thời bổ sung và nâng cao sức chiến đấu của đơn vị, đồng thời giúp một phần trang bị cho du kích các xã Tuyên Thạnh, Tuyên Bình, Bình Hiệp, Tân Lập hoạt động bao vây uy hiếp địch trong thời kì đầu kháng chiến còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đến giữa năm 1949, địch phải rút bỏ đồn Mộc Hóa và không thể đóng lại đồn này trong suốt những năm sau đó của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)