Trận ném bom Dinh Độc Lập (8/4/1975)

Những ngày cuối tháng 3.1975, sau khi giải phóng toàn bộ vùng đất Quân khu 1 và phần lớn Quân khu 2 của quân đội Sài Gòn, ta chủ trương tập trung lực lượng tiến về giải phóng Sài Gòn. Nhằm huy động mọi lực lượng, mọi khả năng cùng quân dân cả nước nhanh chóng đập tan chính quyền Sài Gòn, Ban binh vận Miền đã chỉ thị cho Nguyễn Thành Trung chọn thời cơ ném bom vào dinh Độc Lập rồi bay ra vùng giải phóng.
Nguyễn Thành Trung, tên thật là Đinh Khắc Trung, sinh ngày 9.10.1947, tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre trong một gia đình có truyền thống yêu nước, được Ban binh vận T2 (Khu 8) đưa lên Sài Gòn tiếp tục học hết bậc phô thông, sau đó vào học ở Trường Đại học Khoa học (nay là Đại học Khoa học tự nhiên) năm 1969, sau khi được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam, Nguyễn Thành Trung được Ban binh vận Trung ương Cục miền Nam bố trí làm cơ sở nội tuyến trong lực lượng không quân Sài Gòn. Sau hơn một năm huấn luyện ở Nha Trang và đào tạo phi công ở Mĩ, đến năm 1971 về nước, lần lượt lái máy bay A-37 ở Cần Thơ, máy bay F-5 thuộc Sư đoàn Không quân 3 tại Biên Hòa.

Phi công Nguyễn Thành Trung lái máy bay F-5E hạ cánh tại sân bay Phước Long

Những ngày đầu tháng 4.1975, các lực lượng vũ trang nhân dân ta đã đánh chiếm và làm chủ những phần đất cuối cùng của miền Trung; chiến sự đang diễn ra ác liệt ở Phan Rang, Phan Thiết. Do thiếu máy bay ném bom A-37, quân đội Sài Gòn phải điều động thêm các tốp máy bay F-5E thuộc Sư đoàn Không quân 3. Sáng 8.4, tốp máy bay F-5E của Không đoàn 540, trong đó có máy bay do Nguyễn Thành Trung lái được lệnh rời căn cứ liên hợp Biên Hòa đi ném bom yểm hộ cho bộ binh ở Phan Rang. Khi chuẩn bị cất cánh, Nguyễn Thành Trung đã khôn khéo (dùng ám hiệu) xin phép chỉ huy biên đội được phép cất cánh chậm vài giây để có điều kiện tách ra khỏi biên đội, hành động trên không gây nghi ngờ với chỉ huy biên đội bay và trung tâm điều khiến tiến trình bay trong sở chỉ huy (đài quan sát không lưu). Cất cánh khỏi sân bay Biên Hòa, máy bay của Trung không bay về hướng Phan Rang như kế hoạch mà tăng độ cao hướng thẳng về phía Sài Gòn... Khi đã nhìn rõ dinh Độc Lập, Nguyễn Thành Trung lấy đủ độ cao và nhằm thẳng xuống cánh bên phía phải “chữ T” của tòa nhà để bổ nhào ném bom, nhưng do không điều chỉnh thước ngắm, 2 quả bom đều bị chệch ra ngoài, rơi ở phía sân bên cạnh tòa nhà. Nguyền Thành Trung đưa máy bay lên cao bay vòng trở lại, điều chinh thước ngắm chính xác rồi bồ nhào lần 2 ném bom vào khu phía phải của tòa nhà (2 quả bom rơi trúng mục tiêu); rồi nhanh chóng thoát li khỏi khu vực hỏa lực phòng không bảo vệ dinh. Trên đường bay về vùng giải phóng, Nguyễn Thành Trung tiếp tục dùng pháo 20 mm bắn vào kho xăng Nhà Bè, sau đó hạ cánh an toàn trên đường băng dã chiến mới được cải tạo nâng cấp (với chiều dài đường băng 1 km) ở sân bay Phước Long (nay thuộc tỉnh Binh Phước) an toàn.
Trận ném bom trúng dinh Độc Lập, thủ phủ của chính quyền Sài Gòn, góp phần cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng Xuân 1975. Trận đánh không gây thiệt hại lớn về người và vật chất song đã gây chấn động lớn, làm tăng thêm sự hoảng loạn trong chính quyền và quân đội Sài Gòn trong những ngày quân và dân ta đang thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn. Trận đánh thể hiện sự chuẩn bị công phu của lãnh đạo chỉ huy Miền mà trực tiếp là Ban công tác Nội tuyến trong việc cài người vào đội ngũ địch, đồng thời thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, thông minh của phi công. Ngày 20.1.1994, Nguyễn Thành Trung được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)