Trận ném bom sân bay Tân Sơn Nhất (28/4/1975)

Ngày 19.4.1975, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân được lệnh chuẩn bị lực lượng không quân tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Sau khi nghiên cứu tình hình và khả năng thực hiện, thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh quân chủng quyết định sử dụng máy bay mới thu được của quân đội Sài Gòn (máy bay A-37) tham gia chiến đấu, đồng thời giao cho Sư đoàn Không quân 371 tổ chức thực hiện. Do thời gian gấp rút, ngay trong ngày 19.4 một số phi công thuộc Phi đội 4 (Trung đoàn Không quân 923) được lựa chọn từ Thọ Xuân (Thanh Hoá) ra Hà Nội nhận nhiệm vụ. Đồng thời với việc kiểm tra kĩ thuật số máy bay thu được của quân đội Sài Gòn tại sân bay Đà Nẵng, công tác huấn luyện cho phi công chuyển loại từ máy bay MiG-17 sang máy bay A-37 cũng nhanh chóng được triển khai, trong đó có sự tham gia hướng dẫn của 2 phi công và một số thợ máy không quân của quân đội Sài Gòn đã ra trình diện và tình nguyện làm việc cho Cách mạng. Với sự cố gắng và tích cực học tập, chỉ sau 2-3 ngày các phi công đã hoàn thành việc sử dụng máy bay A-37, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Để tạo thuận lợi cho trận đánh, ngày 26.4 Bộ tư lệnh chiến dịch gấp rút điều phi công Nguyễn Thành Trung (xem Trận ném bom dinh Độc Lập, 8.4.1975) ra Đà Nẵng tăng cường cho phi đội.
Theo chỉ thị của Bộ tư lệnh Quân chủng, 12 giờ 45 phút ngày 27.4 toàn phi đội được chuyển từ Đà Nẵng vào sân bay Phù Cát (Bình Định), đồng thời được tổ chức thành phi đội mang tên “Quyết Thắng”, gồm các phi công Nguyễn Văn Lục (chỉ huy), Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Nguyễn Thành Trung, Mai Xuân Vượng, Trần Văn On (phi công quân đội Sài Gòn đã được giáo dục cải tạo, tình nguyện tham gia chiến đấu); đài chỉ huy đặt tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang). 9 giờ 30 phút ngày 28.4, phi đội sử dụng 5 máy bay A-37 từ sân bay Phù Cát vào sân bay Thành Sơn. Tại đây, Bộ tư lệnh Quân chủng trực tiếp giao nhiệm vụ cho phi đội tập trung đánh phá khu vực đỗ máy bay chiến đấu của lực lượng không quân quân đội Sài Gòn ở sân bay Tân Sơn Nhất, nhằm cắt đứt đường hàng không duy nhất để thực hiện kế hoạch di tản của địch, góp phần đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn.
Sau khi kiểm tra toàn bộ công tác chuẩn bị, thực hiện phân công nhiệm vụ, thống nhất việc tổ chức hiệp đồng, xác định đường bay, dự kiến các tình huống và biện pháp xử lí nhằm bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ và tránh được hỏa lực phòng không của quân đội Sài Gòn, 16 giờ 25 phút ngày 28.4 phi đội được lệnh cất cánh theo đội hình chiến đấu gồm 5 máy bay A-37 (Nguyễn Thành Trung bay số 1, Từ Đễ số 2, Nguyễn Văn Lục số 3, Mai Xuân Vượng và Trần Văn On số 4, Hán Văn Quảng số 5); mỗi máy bay trang bị 2 quả bom 500 cân Anh (khoảng 225 kg) và 2 quả 250 cân Anh (khoảng 120 kg). 

Phi đội Quyết Thắng sau trận đánh

Được sở chỉ huy và rađa dẫn đường, phi đội duy trì bay ở độ cao gần 1,7 km (5.500 feet) hướng về phía nam, qua Phan Thiết phải hạ độ cao do mây mù. Khi đến điểm cao 2858 (bắc Hàm Tân 17 km), phi đội được lệnh điều chỉnh hướng bay, tăng độ cao chuẩn bị tiếp cận mục tiêu và triển khai đội hình công kích (mỗi máy bay cách nhau 1,5-2 km). Từ độ cao gần 1,7 km, các phi công lần lượt bổ nhào cắt toàn bộ số bom mang theo trúng mục tiêu (riêng số 1 Nguyễn Thành Trung và số 3 Nguyễn Văn Lục phải bổ nhào cắt bom lần hai). Đòn đánh bất ngờ, mãnh liệt và chính xác của phi đội khiến toàn bộ quân quân đội Sài Gòn ở Tân Sơn Nhất, kể cả lực lượng không quân và pháo phòng không bảo vệ sân bay hoàn toàn rối loạn, không kịp đối phó. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tập kích, phi đội tập trung đội hình bay vòng ra hướng đông trở về sân bay Thành Sơn an toàn lúc 18 giờ 15 phút ngày 28.4.

Trận đánh đã phá hủy 24 máy bay các loại, diệt và làm bị thương hơn 100 sĩ quan, nhân viên kĩ thuật quân đội Sài Gòn, phá hỏng và làm tê liệt hoàn toàn hệ thống chỉ huy, điều khiển và hoạt động của quân đội Sài Gòn tại sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần cùng lực lượng pháo binh cắt đứt cầu hàng không di tản của không quân Mĩ, buộc Mĩ phải chuyển sang thực hiện phương án di tản cấp tốc bằng Chiến dịch Gió Lớn (29-30.4.1975), sử dụng máy bay trực thăng để đưa những người Mĩ và những người Việt Nam di tản rời khỏi Sài Gòn ra các tàu sân bay Mĩ ở ngoài khơi. Thắng lợi của trận đánh thể hiện sự phối hợp chiến đấu nhịp nhàng, hiệu quả giữa lực lượng không quân Việt Nam với các quân binh chủng khác trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng làm suy sụp tinh thần và thúc đẩy nhanh quá trình tan rã của chính quyền và quân đội Sài Gòn, đưa cuộc kháng chiến chống Mĩ đến thắng lợi hoàn toàn.

Nguồn: Bách Khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử Quân sự (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - năm 2015)