Trần Thị Lý
- Họ và tên: Trần Thị Lý
- Năm sinh: 1946
- Ngày mất: 7/5/2000
- Năm vào Đảng:1964
- Quê quán: thị xã Đồng Hới, Quảng Bình
- Dân tộc: Kinh
- Chức vụ:
- Đại tá, Giám đốc khách sạn Bạch Đằng của Quân khu 5 ở Đà Nẵng
- Ủy viên Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
- Đại biểu Quốc hội khóa IV, V,VI
- Khen thưởng/Giải thưởng:
- Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (1967)
- Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba
- Cuộc đời và sự nghiệp:
- Được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho Đảng ủy, Xã đội.
- 1964: Được kết nạp Đảng.
- 2/1965: Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang ra miền Bắc đã chọn thị xã Đồng Hới làm điểm đánh mở đầu. Phú Hải là một trong những điểm nóng chiến sự. Đồng chí được sung vào lực lượng dân quân, làm chiến sĩ phòng không phía nam Cầu Dài, thị xã Đồng Hới.
- Trong những cuộc chiến đấu đánh trả máy bay thù đã tỏ rõ bản lĩnh chiến đấu xuất sắc. Đồng chí đã chạy từ trận địa phòng không này sang trận địa phòng không khác để truyền mệnh lệnh chiến đấu của cấp trên chuyển về, đồng thời dùng súng trường K44 bắn trả máy bay Mỹ rất kiên cường. Đồng chí đào hầm sập, cứu đồng đội, đồng bào bị bom Mỹ vùi lấp.
- 4/4/1965: Đế quốc Mỹ đã huy động hàng trăm lượt máy bay đến ném bom Cầu Dài, triệt hạ thị xã Đồng Hới, đồng chí đã dũng cảm mưu trí chèo đò chở Bí thư Đảng ủy xã Lê Viết Thuật vượt sông để chỉ đạo dân quân, nhân dân chiến đấu, rồi trở lại trận địa an toàn. Trong một lần bị bom vùi, chị đã kịp thời bình tĩnh cởi áo ngoài khoác lên đầu súng để đất đá khỏi vào làm chẹt nòng. Sau đó, chị đã bươn mình ra, tiếp tục nổ súng bắn vào kẻ thù. Đồng chí đã trải qua 29 trận chiến đấu anh dũng đánh trả máy bay Mỹ.
- 1/1967: Với những thành tích xuất sắc trên, đồng chí được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
- 1967: Được chuyển sang quân đội, làm chính trị viên phó Thị đội Đồng Hới.
- Cuối năm 1967: Được cử đi học Trường văn hóa Quân khu, sau đó được cử đi học tiếp tại Học viện chính trị Quân sự của Bộ Quốc phòng.
- 1971-1981: Đại biểu Quốc hội khóa IV, V,VI.
- 1978: Phó đội trưởng đội công tác thuộc đoàn 871, Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng.
- 1985: Được điều về giữ chức Phó rồi Giám đốc, Phó Bí thư chi bộ khách sạn Bạch Đằng của Quân khu 5 ở Đà Nẵng.
- 7/5/2000: Đồng chí mất tại Đà Nẵng.
- Thông tin thêm:
- Trần Thị Lý vinh dự được gặp Bác Hồ 3 lần. Lần thứ nhất là lần cùng đoàn Quảng Bình được ưu tiên gặp Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau ngày Đại hội liên hoan chiến sĩ anh hùng thi đua toàn quốc (1/1/1967). Gần cuối buổi, Bác Hồ bảo chị Lý hát bài "Quảng Bình quê ta ơi" của nhạc sĩ Hoàng Vân cho Bác nghe. Quá cảm động và lúng túng nên chưa thực hiện được ngay thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng "cứu nguy" cho chị và bảo: "Cháu Lý hãy "cầm càng" cho tất cả đoàn cùng hát". Thế là anh hùng Trần Thị Lý đã đứng dậy và bắt nhịp cho toàn đoàn Quảng Bình hát vang bài hát mà Bác và Thủ tướng yêu thích.Lần thứ hai, chị gặp và được Bác Hồ chỉ giáo là ngày trước lúc lên đường sang Cu Ba tham dự Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới. Khi Bác hỏi: "Cháu đã chuẩn bị những gì sang thăm và tham quan ở Cu Ba?", chị Lý đã thuật lại chuyện các chú lãnh đạo cho may áo dài, sắm giày cao gót nhưng sử dụng còn lúng túng lắm. Bác liền bào: "Cháu sang Cu Ba lần này để báo cáo thành tích kinh nghiệm chiến đấu của mình và học tập kinh nghiệm của nhiều người khác chứ đâu có phải đi du lịch mà sắm các thứ ấy. Để Bác nói chú Song Hào chuẩn bị bộ đồ bộ đội và dép cao su cho cháu". Và chị Trần Thị Lý đã mặc trang phục như thế trong suốt thời kỳ ở Cu Ba.Lần thứ 3, chị Trần Thị Lý vinh dự được gặp Bác và ăn cơm buổi trưa với Người trước một ngày sang tham quan Liên Xô, nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười Nga. Bữa cơm đó, ngoài chị Lý còn có nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế và dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Hồng Sơn vừa ở miền Nam ra. Bác gắp nhiều thịt gà cho vào bát các anh hùng và dũng sĩ và giục các cháu ăn nhanh. Khi xới cơm cho Bác, cảm động quá, chị Lý làm rơi ra mâm mấy hạt cơm, Bác nhặt bỏ vào bát mình và nói: "Hạt cơm là hạt ngọc của trời, bỏ đi là lãng phí". Câu nói đó có ý nghĩa giáo dục mang tính thời sự không những lúc đó mà cả đến ngày nay đối với chúng ta về thái độ tiết kiệm, tránh lãng phí và quý trọng sản phẩm do nông dân làm ra.
- Trần Thị Lý còn được Chủ tịch Cuba Phidel Castro nhận làm con nuôi.